Site banner

Bình Đại chuyển biến tích cực qua thực hiện nghị quyết 26-NQ/TW của Trung ương Đảng (khóa X) về Tam nông

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 26 –NQ/TW của Trung ương Đảng lần thứ 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, vị trí, vai trò của kinh tế nông nghiệp, nông dân và nông thôn mới trong hệ thống chính trị  và đời sống nhân dân huyện Bình Đại chuyển biến tích cực.

Ngay khi triển khai thực hiện Nghị quyết, huyện đã xác định phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, tập trung. Trong đó, huyện đã tiến hành thực hiện quy hoạch chi tiết về nông nghiệp, thủy sản, thủy lợi, chăn nuôi, ngành nghề, bố trí dân cư, sản xuất muối và nuôi trồng thủy sản. Từ đó, đã làm cơ sở phát triển các loại hình sản xuất phù hợp điều kiện từng vùng sinh thái, theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân. Chú trọng đầu tư thâm canh, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế trên diện tích đất canh tác. Kết quả, trong 5 năm qua, nền sản xuất nông nghiệp phát triển khá ổn định, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp của huyện.

Từ năm 2008 đến  nay, năng suất lúa tăng từ 1 – 1,3%/năm, mô hình cánh đồng mẫu trên lúa tại xã Châu Hưng giúp người dân tăng năng suất từ 10-13% và mở rộng thêm 65 hecta. Diện tích cây màu gieo trồng quay vòng trong năm đạt trên 1000 ha, giá rau màu ổn định, người trồng màu đều có lợi nhuận. Diện tích trồng xen ca cao trồng vườn dừa được phát triển trên 303 ha, năng suất bình quân đạt 47 tạ ca cao/ năm. Tổng diện tích dừa cho trái ước đạt 5.300 ha, sản lượng đạt 45 triệu trái. Diện tích vườn cây ăn trái phát triển theo hướng chuyên canh, hướng đến tiêu chuẩn VietGap, phục vụ xuất khẩu. Hiện tổng vườn cây ăn trái của huyện trên 2.032 ha, sản lượng thu hoạch hàng năm ước đạt 23.000 tấn. Viện cây ăn quả miền nam tái chứng nhận nhãn VietGap 30 hộ trồng nhãn xã Long Hòa.

Trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 16.198 ha, tăng 318 ha so với năm 2008. Hoạt động khai thác thủy sản phát triển theo hướng liên kết đánh bắt xa bờ, hỗ trợ nhau trong hoạt động đánh bắt, đảm bảo an ninh trên biển. Tổng số tàu khai thuyền khai thác hiện nay là 1.279 chiếc, với công suất bình quân 602cv/tàu, với sản lượng khai thác năm 2013 ước khoảng 45.000 tấn. Thành lập 30 tổ đội khai thác thủy hải sản đánh bắt xa bờ và 3 nghiệp đoàn nghề cá tại 3 xã: Thừa Đức, Thới Thuận, Bình Thắng và 25 máy kết nối vệ tinh thuộc dự án Movimar. Thông qua các tổ đội, nghiệp đoàn nghề cá đã góp phần tạo sự liên kết trong sản xuất, tương trợ khi gặp khó khăn trên biển.

Bên cạnh đó, trong 5 năm qua, huyện tập trung đầu tư nhiều công trình thủy lợi và cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao năng lực tưới tiêu cho cây trồng, phục vụ nuôi thủy sản và cung cấp nước sinh hoạt cho dân cư nông thôn. Một số công trình trọng điểm huyện đã và đang được đầu tư xây dựng như: dự án đê biển giai đoạn 1, cống Định Trung, cống Cầu Ván, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, dự án nạo vét hệ thống thuỷ lợi nội đồng… Đẩy mạnh xây dựng giao thông nông thôn, phát triển cơ sở hạ tầng. Toàn huyện có 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã với chiều dài 17,8km, đạt 80% nhựa hóa. Pê tông hóa 59 tuyến đường xã đến ấp, liên xóm, liên ấp với tổng chiều dài trên 56,6 km, xây dựng mới 51 cây cầu bê-tông cốt thép với tổng kinh phí 36 tỷ đồng. Xây dựng nâng chất 6 chợ  nông thôn với tổng vốn đầu tư khoảng 18,7 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2013, xây mới 2 chợ nông thôn với tổng vốn đầu tư trên 1,3 tỷ đồng, qua đó tạo điều kiện phát triển thương mại, nâng cao đời sống người dân nông thôn.

Đặc biệt, được sự hỗ trợ nguồn vốn Trung ương, tỉnh, huyện đầu tư xây dựng 10 cầu bê-tông trên đường tỉnh 883, đường dây diện 110kv Bình Đại-Giồng Trôm, nhà máy nước Ba Lai, dự án ngọt hoá cục bộ xã Thạnh Trị và Phú Long… với tổng kinh phí trên 1.000 tỷ đồng. Qua đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế - xã hội huyện và thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng hiện đại. Tỷ lệ hộ nghèo nghèo cuối năm 2012 giảm xuống còn 12%, tỷ lệ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh chiếm 93%, sử dụng điện chiếm 99,5%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 23,06 triệu đồng/năm, tăng 5,4 triệu đồng so với năm 2008.

Trong thời gian tới, huyện tiếp tục lãnh chỉ đạo quán triệt sâu rộng trong nôi bộ Đảng và nhân dân tinh thần nghi quyết 26- NQ/TW, Chương trình hành động số 25 – CTr/TU của Tỉnh ủy và Chương trình hành động của Huyện ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội có trọng tậm, trọng điểm. Nâng cấp, mở rộng mạng lưới giao thông, hệ thống cấp, thoát nước. Thực hiện tốt chính sách dành cho hộ nghèo, đảm bảo quyền lợi về y tế, hỗ trợ xã hội, tư vấn giới thiệu việc làm, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn. Tập trung thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới từ nay đến cuối năm 2015 ở 3 xã điểm: Long Hòa, Phú Thuận, Phú Long và các xã còn lại đạt trong năm 2020.

Lê Mai