Site banner

Ba Tri - vùng đất tiềm năng du lịch văn hóa lịch sử

Trong những năm gần đây, ngoài việc củng cố phát triển ngành mũi nhọn là kinh tế biển, Ba Tri còn chú trọng đến phát triển du lịch, nhất là khai thác lĩnh vực du lịch văn hóa lịch sử kết hợp với du lịch nghỉ dưỡng biển và sinh thái rừng ngặp mặn. Để khai thác đúng hướng và phát huy hết tiềm năng của mình, Ba Tri đã đề ra chương trình, kế hoạch cũng như giải pháp thực hiện có trọng tâm, trọng điểm ở từng giai đoạn cụ thể, sớm đưa du lịch Ba Tri trở thành điểm thu hút du khách thập phương.

Nhìn tổng thể, huyện Ba Tri nằm trên cù lao Bảo, giữa hai con sông Hàm Luông và Ba Lai, có 12km bờ biển cùng với những cồn Hồ, cồn Tròn và cồn Ngoài; có khu sinh thái rừng Vàm Hồ và khu căn cứ cách mạng lạc địa; có nhiều di tích văn hóa - lịch sử cấp quốc gia như: Lăng mộ cụ Nguyễn Đình Chiểu, Khu di tích Cây Da đôi, Đình Phú Lễ, Khu mộ nhà giáo Võ Trưởng Toản; ngoài ra còn có các lễ hội được tổ chức định kỳ hàng năm… Với những yếu tố trên cho thấy, Ba Tri là nơi khá hấp dẫn và thuận lợi để xây dựng các tour du lịch tổng hợp và du lịch chuyên đề.

Khu tưởng niệm nhà giáo Võ Trường Toản. Ảnh: P.T

Các du khách thường nói với nhau rằng, nếu đến Ba Tri mà chưa ghé qua Lăng mộ cụ Nguyễn Đình Chiểu thì xem như là chưa đến. Mọi người đến Ba Tri không chỉ vì tò mò muốn biết về vùng đất nơi đây, mà du khách đến còn để tận mắt chiêm ngưỡng những kiến trúc cổ, giàu tính nghệ thuật. Anh Nguyễn Thành Nhân (du khách đến từ TP.Hồ Chí Minh) bày tỏ: Tôi biết đến Cụ Nguyễn Đình Chiểu từ rất lâu, qua những tác phẩm của ông, từ khi tôi còn ngồi ghế nhà trường. Hôm nay mới có dịp đến Lăng mộ Cụ để chiêm ngưỡng một vị danh nhân "thà đuôi mà giữ đạo nhà", trong lòng lại lâng lâng cảm xúc khó tả. Không những thế, tôi đến đây còn có thể mở tầm mắt hơn về kiến trúc cổ xưa ở các đình…

Du khách tham quan Lăng mộ cụ Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh: P.T

Du khách đến với Ba Tri không chỉ được tham quan các di tích văn hóa lịch sử, mà còn có thể trải nghiệm ở vùng đất ngập mặn Vàm Hồ, nơi khắc đậm nét hoang sơ với hàng ngàn con cò, vạc… Theo thống kê của ngành chức năng, quần thể chim đang sinh sống ở Sân chim Vàm Hồ có trên 84 loại thuộc 35 họ và 12 bộ. Anh Matt James (du khách đến từ Australia) chia sẻ: Tôi thích nhất là hình ảnh đàn chim bay về Sân chim Vàm Hồ trong ánh nắng xế chiều, cùng với những âm thanh đặc trưng của mỗi loài chim như tạo nên một bản nhạc hòa tấu nghe thật vui tai.

Theo ông Bùi Văn Trung - Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tri, tuy huyện không có những danh lam thắng cảnh, cây lành trái ngọt nhưng lợi thế của Ba Tri là có nhiều di tích các danh nhân nổi tiếng, các di tích lịch sử, hệ sinh thái rừng ngập mặn và biển. Điều này đáp ứng được nhu cầu nhiều đối tượng khách du lịch. Hàng năm, số lượng khách du lịch đến huyện trung bình đạt từ 30 ngàn đến 40 ngàn lượt khách. Khách du lịch đến huyện chủ yếu vào những dịp lễ, hội… và số lượng học sinh sinh viên đến tham quan Khu di tích Nguyễn Đình Chiểu vào những ngày cuối tuần cũng khá đông. Hiện nay, để phục vụ tốt cho ngành du lịch, huyện cũng đã đầu tư và cải thiện đáng kể về cơ sở hạ tầng cũng như một số các công trình thiết yếu khác.

Để thu hút khách du lịch đến với địa phương là khó nhưng để du khách quay lại là điều không dễ. Thực tế, tiềm năng du lịch của Ba Tri là rất lớn nhưng vẫn chưa khai thác đúng mức nên dẫn đến lượng du khách giảm trong thời gian gần đây. Số liệu thống kê của huyện cho thấy, số lượng khách du lịch trong năm 2011 giảm khoảng 30% so với năm 2010; lượng khách đến tham quan chủ yếu đi trong ngày. Trước tình hình này, bài toán đặt ra cho ngành du lịch ở Ba Tri là làm sao để vừa tạo được sự hấp dẫn cho du khách, vừa khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch để phục vụ cho ngành thương mại - dịch vụ, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Ảnh: N.Hải

Theo ông Bùi Văn Trung, để tìm lời giải cho bài toán này, huyện cũng đã có đề ra chương trình, kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020. Theo đó, vấn đề huyện quan tâm hàng đầu đó là kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thông qua các cuộc hội thảo. Điều này đồng nghĩa với việc tạo ra nhiều chính sách hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư. Vấn đề tiếp theo đó là duy tu, bảo tồn và mở rộng các khu di tích cũng như tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các khu di tích để lập thành một quần thể văn hóa - lịch sử, tạo điểm nhấn về loại hình du lịch văn hóa lịch sử. Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ tăng cường công tác tuyên truyền thông qua các phương tiện truyền thông, phát động các cuộc thi sáng tác ca khúc về danh nhân, về đặc điểm lịch sử văn hóa Ba Tri…

Bài toán về du lịch của Ba Tri đã có lời giải, nhưng đáp án vẫn đang còn là ẩn số. Tuy nhiên, với tiềm năng của địa phương, sự hỗ trợ tích cực của ngành chức năng và sự nỗ lực của địa phương, tin rằng du lịch Ba Tri sẽ dần khẳng định được vị thế của mình, góp phần cùng với ngành du lịch của tỉnh ngày càng tạo được sức hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

Quốc Hùng