Việc lạm dụng phân bón và thuốc hóa học trong thời gian qua đã làm ảnh hưởng rất lớn đến môi trường trong sản xuất nông nghiệp. Không chỉ vậy, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật còn làm nguy hại đến sức khỏe của con người. Để từng bước nâng cao nhận thức cũng như thay đổi phương thức sản xuất của nông dân, vừa qua, được sự chỉ đạo của Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh Bến Tre, Trạm Bảo vệ Thực vật huyện Ba Tri đã thực hiện thành công nhiều mô hình sản xuất lúa công nghệ sinh thái tại các xã như An Ngãi Tây, Phước Tuy, Mỹ Nhơn. Đặc biệt tại xã An Phú Trung, trong vụ lúa Đông Xuân 2013-2014, Trạm Bảo vệ Thực vật huyện Ba Tri đã thực hiện thành công mô hình trồng lúa theo công nghệ sinh thái. Thành công của mô hình không dừng lại ở hiệu quả kinh tế hay bảo vệ môi trường, mà trên hết, ý thức bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp của nông dân đã được nâng lên. Đây thực sự là bước đà quan trọng để huyện Ba Tri xây dựng cũng như phát triển nền nông nghiệp bền vững.
Được sự hướng dẫn kỹ thuật của Trạm Bảo vệ Thực vật huyện Ba Tri, trong vụ lúa Đông Xuân 2013-2014, hộ anh Phạm Hoàng Huệ ngụ tại ấp An Nhơn xã An Phú Trung đã canh tác 5.000m2 đất lúa theo công nghệ sinh thái. Ban đầu, anh rất lo bởi theo công nghệ này, lúa của anh ít được phun thuốc diệt sâu rầy. Được sự vận động của cán bộ kỹ thuật, anh thử làm theo. Công nghệ trồng lúa sinh thái là mô hình ứng dụng trồng hoa trên bờ ruộng để thu hút thiên địch đến, diệt trừ các loại sâu rầy hại lúa, giúp ít hoặc không sử dụng thuốc trừ sâu, bảo vệ môi trường. Ngay trong vụ này, chi phí thuốc bảo vệ thực vật được giảm đáng kể. Đặc biệt là vào thời điểm hiện nay, nhiều trà lúa bị rầy nâu gây hại. Riêng diện tích lúa của anh cũng như những hộ trong mô hình không bị nhiễm rầy nâu. Đây được xem là một thành công lớn.
Nông dân các nơi trong huyện tham quan mô hình lúa công nghệ sinh thái tại xã An Phú Trung.
Cũng nằm trong mô hình, hộ anh Võ Đăng Khoa ngụ tại ấp An Nhơn xã An Phú Trung canh tác 5.000m2 đất. Trong vụ Đông Xuân năm nay, chi phí thuốc bảo vệ thực vật sử dụng cho ruộng của anh giảm khá nhiều. Trung bình mỗi công giảm gần 200.000 đồng. Hiện lúa đang chuẩn bị thu hoạch. So với các vụ trước đây, lúa của anh tỷ lệ hạt chắt cao, bông to, khỏe, sáng đẹp.
Được biết, mô hình trồng lúa công nghệ sinh thái tại xã An Phú Trung huyện Ba Tri được thực hiện tại 2 ấp An Hòa và An Nhơn. Mô hình có diện tich 19 hecta với 32 hộ nông dân tham gia. So với diện tích ngoài mô hình, lúa được trồng theo công nghệ sinh thái phát triển tốt hơn, chi phí gần như bằng, thậm chí còn thấp hơn. Vào thời điểm cuối vụ này, lúa trong mô hình không bị nhiễm rầy, bông to, đẹp, tỷ lệ hạt chắt cao, hứa hẹn năng suất sẽ cao hơn rất nhiều. Chính vì vậy, nông dân trong mô hình rất phấn khởi. Cũng vì thế mà nhiều hộ nông dân ngoài mô hình rất mong muốn được tham gia thực hiện trong những vụ tới.
Theo bà Nguyễn Thị Nguyệt, Phó trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh Bến Tre, việc trồng hoa trên bờ ruộng đã mang lại nhiều lợi ích như: thu hút thiên địch ký sinh và ăn mồi đến cư ngụ trong đó có nhện, kiến ba khoang phát triển mạnh và chúng được sử dụng như một đội quân bảo vệ lúa, trực tiếp tấn công các loài sâu rầy mà không cần phun thuốc hóa học. Thực tế cho thấy những ruộng lúa có trồng hoa dọc theo bờ thì số lần phun thuốc trừ sâu giảm hẳn so với ruộng đối chứng. Hơn nữa, với lực lượng thiên địch đến ruộng đông đúc để lấy mật hoa đã tạo sự đa dạng sinh học, bảo vệ hệ sinh thái. Đặc biệt, mô hình này rất thích hợp đối với những vùng lúa gần khu vực nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, chung quanh bờ ruộng có nhiều hoa với màu sắc sặc sỡ, tạo mỹ quan cho cánh đồng, điều đó cũng làm cho người nông dân phấn khởi, thoải mái khi đi thăm ruộng.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt hướng dẫn thêm về cách thực hiện mô hình: Khi trồng hoa cần chú ý chọn những hoa có màu sắc và hương thơm phù hợp, có nhiều mật và phấn hoa để thu hút thiên địch vì đa số giai đoạn trưởng thành của chúng cần thức ăn bổ sung năng lượng từ mật và phấn hoa. Đồng thời, các loại cây có hoa phải dễ trồng, ít chăm sóc và có thể trổ hoa quanh năm. Trồng để nhân giống hoa sớm trên bờ ruộng, làm thế nào để khi xuống giống lúa thì đã có sẵn hoa trên bờ xung quanh ruộng nhằm thu hút thiên địch từ ban đầu. Vụ đầu tiên có thể chọn và trồng hỗn hợp nhiều loại hoa để tìm hiểu tác dụng, đến vụ sau sẽ chọn lọc loại hoa nào có đặc điểm đạt yêu cầu nhất. Có thể chọn một số hoa thích hợp trên bờ ruộng như hoa cúc mặt trời, hoa xuyến chi hoặc các loại cỏ có hoa quanh năm, nhiều mật và phấn hoa như cỏ vi cúc, sài đất. Đặc biệt là cỏ hôi rất dễ phát triển trong vụ Đông Xuân hoặc có thể trồng các loại rau màu ăn được như đậu bắp, đậu xanh, mè,…Mô hình này nông dân rất dễ dàng ứng dụng vì có những loại hoa chỉ cần trồng vụ đầu tiên, sau đó chúng sẽ tự sinh sản và phát triển.
Thành công từ các mô hình trồng lúa theo công nghệ sinh thái thời gian qua tại huyện Ba Tri đã được khẳng định. Song, để phương thức sản xuất mới và đạt hiệu quả này đến được với tất cà nông dân trong toàn huyện đòi hỏi các ngành, đoàn thể từ huyện, đến các xã, thị trấn phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động. Mặt khác, ngành nông nghiệp huyện cần thực hiện mô hình trồng lúa theo công nghệ sinh thái ở nhiều nơi để nông dân tham quan, học tập. Qua đó chắc rằng sẽ nâng cao được nhận thức và làm thay đổi phương thức sản xuất theo hướng mới của nông dân, góp phần thực hiện công tác phát triển nền nông nghiệp bền vững của huyện nhà.
Bài, ảnh: Minh Đức