Bình Thắng có hơn 90% người dân sống bằng nghề đi biển, là xã biển lớn và có vai trò đóng góp rất quan trọng vào chiến lược phát triển kinh tế biển của huyện.
Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp, đặc biệt các chế độ ưu đãi, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước cho ngư dân bám biển, các dịch vụ, cơ sở vật chất phục vụ nghề đi biển của bà con ngư dân không ngừng phát triển mạnh như việc đóng mới, cải hoán tàu cá, mở rộng Cảng cá Bình Thắng giai đoạn II, nhà máy chế biến bột cá, dịch vụ hậu cầu, thương mại, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề chế biến cá khô… gắn với hoạt động đi biển đã tạo nên một diện mạo mới cho Bình Thắng. Theo số liệu mới nhất, trong những tháng đầu năm 2014, sản lượng đánh bắt thủy hải sản của địa phương đạt gần 20.000 tấn tôm, cá các loại, tăng 7.150 tấn so với cùng kỳ. Phần lớn ngư dân đều có lãi. Toàn xã có tổng số 613 tàu cá, trong đó có 574 tàu đánh bắt xa bờ.
Một góc Cảng cá Bình Thắng.
Cùng với nhiều chính sách ưu đãi của Trung ương và địa phương, trong những tháng đầu năm, ngư dân có thêm cơ hội vay vốn ưu đãi để cải hoán, đóng mới tàu có công suất lớn với gần 40 tàu, tăng 26 tàu cải hoán, đóng mới so với cùng kỳ. Trang bị thêm 54 máy Movimaxt (thiết bị định vị vệ tinh) cho ngư dân, thành lập mới 27 tổ, đội đánh bắt trên biển, với 92 chủ tàu và có 280 tàu tham gia nhằm giúp bà con ngư dân liên kết, hỗ trợ nhau trong việc tìm ngư trường, bảo vệ ngư trường đánh bắt, giúp nhau khi có sự cố trên biển. Về cơ sở vật chất phục vụ nghề đi biển, ở địa phương hiện có rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài huyện đầu tư vào lĩnh vực này. Trong mời gọi đầu tư vào địa bàn huyện, lãnh đạo cũng chú trọng, ưu tiên cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản, hiện đã có 12 cơ sở thu mua và sơ chế thủy sản, một nhà máy bột cá, cá khô có công suất chế biến khá lớn. Riêng dịch vụ hậu cần nghề cá có 2 cơ sở đóng tàu, cưa xẻ gỗ, 6 tổ đan lưới, 2 nhà máy nước đá, làng nghề tiểu thủ công nghiệp.
Đặc biệt từ tháng 1-2014, Cảng cá Bình Thắng được đầu tư nâng cấp, mở rộng lên cấp khu vực, với cầu tàu 600CV, cầu cảng dài 100m, rộng 13,5m, có bờ kè, hệ thống chiếu sáng, báo hiệu, trạm xử lý nước thải… tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tàu thuyền về cặp cảng, kể cả tàu ngoài tỉnh.
Với ngư trường quen thuộc là vùng biển Tây Nam nhưng tùy mùa biển, đặc biệt khi ngày càng có nhiều chủ tàu đầu tư đóng mới tàu cá công suất lớn (có tàu gần 1.000CV), ngư dân còn vươn ra khơi xa hơn tận ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa để cùng ngư dân các tỉnh bạn góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Khi chúng tôi đến địa phương, ông Đào Văn Lộc cho biết: địa phương vừa tổ chức xong buổi họp mặt các chủ tàu để tuyên truyền về quyền chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, Luật Biển và hải phận quốc tế; về những hành vi ngang ngược của Trung Quốc trong những ngày qua trên ngư trường đánh bắt truyền thống của ngư dân cả nước; nâng cao ý nghĩa tương thân tương ái, giúp đỡ nhau khi hoạt động trên biển để nâng cao ý thức cho ngư dân.
Ông Đào Văn Lộc khẳng định: Trong 2 năm qua, cùng chung sức với lãnh đạo địa phương trong xây dựng nông thôn mới, ngư dân đã đóng góp hơn 3 tỷ đồng để đầu tư vào hệ thống hạ tầng giao thông, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn của một xã biển. Trong những cuộc tiếp xúc gần đây, đặc biệt từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981, xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam trên biển, có những hành vi thô bạo khi đâm chìm nhiều tàu cá của ngư dân Việt Nam, ngư dân Bình Thắng rất bất bình và kiên quyết sẽ bám biển để giữ lấy ngư trường - tài sản quí giá nhất, thiêng liêng của mỗi gia đình, của Tổ quốc Việt Nam.
"Nếu các nhà vườn xem mảnh đất, vườn cây của mình là tài sản vô giá nuôi sống mình thì ngư dân Bình Thắng (Bình Đại) cũng xem biển là tài sản quí giá của đời mình. Từ bao đời, biển đã nuôi sống bao thế hệ người dân ở đây". (Ông Đào Văn Lộc - Chủ tịch UBND xã Bình Thắng). |
Theo baodongkhoi.com.vn