Site banner

Biển trong đời sống văn hóa của ngư dân Bến Tre

Bến Tre là tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, có chiều dài bờ biển khoảng 65 km, chạy qua 3 huyện: Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú. Biển Bến Tre có hệ sinh thái khá độc đáo, do 4 nhánh sông Tiền là sông Mỹ Tho, sông Ba Lai, sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên cùng đổ ra biển cho nên có nhiều loại thủy hải sản khác nhau sinh sống. Chính sự đông đúc và đa dạng của các loài thủy hải sản đã góp phần cho việc hình thành các cộng đồng ngư dân nơi đây.

Theo nhiều nguồn tài liệu cho biết, Bến Tre được hình thành vào khoảng thế kỷ 17, 18, chủ yếu là những lưu dân người Việt từ vùng Ngũ Quảng di cư theo đường biển. Ban đầu, họ hình thành nên những làng mạc và sống chủ yếu bằng nghề nông truyền thống hoặc buôn bán của mình. Dần dần, những người sống bằng nghề đánh bắt thủy sản trên những khúc sông vắng, ở những cồn bãi xa đã tách ra và hình thành nên những làng xóm ở ven sông, ven biển. Hiện nay, ngư dân Bến Tre sống tập trung chủ yếu ở huyện Thạnh Phú, Bình Đại, Ba Tri,… Họ đã để lại những dấu ấn về văn hóa độc đáo của mình trong lao động sản xuất cũng như trong sinh hoạt như: tín ngưỡng, lễ hội, kiêng kị, nghề đánh bắt cá và nghề truyền thống, góp phần làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa vật thể cũng như phi vật thể trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Ảnh: CTV

Do hành nghề đi biển nên họ thường gắn chặt với con thuyền, lênh đênh trên những khúc sông hoặc nơi biển cả bao la. Cuộc sống của họ phần lớn phụ thuộc vào thiên nhiên, nên những hiểm nguy luôn rình rập xung quanh họ. Vì vậy, trong tâm thức của mình, họ thường cầu mong những vị thần chở che, độ mạng trong công cuộc mưu sinh nên đã hình thành nên các loại hình tín ngưỡng có liên quan đến sông nước và biển cả.

Tín ngưỡng thờ cá voi (hay cá ông) là một loại hình tín ngưỡng dân gian khá đặc thù của ngư dân ven biển Bến Tre. Dọc theo bờ biển, hầu như các làng chài đều có các lăng miếu thờ cá ông với những nghi thức cúng tế hết sức trang trọng. Ngư dân xem cá ông là con vật thiêng phù trợ cho họ trong đời sống hàng ngày với niềm xác tín mạnh mẽ. Trong dân gian, cá voi thường được ngư dân gọi bằng nhiều tên gọi khác nhau như: ông Nam Hải, ông Chuông, ông Khơi, ông Lớn, ông Cậu… Dù gọi bằng tên gọi gì đi chăng nữa cũng đều thể hiện sự cung kính của họ, điều đó bắt nguồn từ quan niệm cho rằng loài cá này là một vị thần độ mạng. Trong tâm thức của ngư dân Bến Tre, hình ảnh cá ông độ mạng đã trở thành chỗ dựa tinh thần quí giá, là nơi để họ gởi gắm niềm tin của mình. Niềm tin này, có lẽ ban đầu là một nhu cầu giúp họ chịu đựng những gian khổ và hiểm nguy trong công cuộc mưu sinh, dần dần hằn sâu vào tâm thức và trở thành tín ngưỡng dân gian của họ.

Trong Thoái thực ký văn, Trương Quốc Dụng có viết: "Hải Thu tục gọi là Cá Ông voi, mình đầu không vây, đuôi giống đuôi tôm, kỳ nó rất sắc, mũi ở trên trán,… Khi phong ba nổi dậy, thuyền bị đắm giữa biển, cá Voi thường xuất hiện, đội thuyền trên lưng, đưa vào gần bờ, vẫy đuôi bỏ lên". Chính từ sự cứu giúp của cá Ông đối với những người hành nghề trên biển nên họ luôn mang ơn cá Ông. Mỗi khi có cá Ông lụy (chết) dạt vào bờ, người đầu tiên phát hiện sẽ đứng ra làm trưởng nam đảm nhiệm việc lo tống táng.

Lễ hội Nghinh Ông. Ảnh: N.D

Tục thờ cá Ông vốn là tín ngưỡng dân gian của người Chăm mà những lưu dân người Việt trên bước đường Nam tiến đã tiếp thu được, và tín ngưỡng này đã ăn sâu vào đời sống tâm linh của họ thông qua việc tổ chức lễ hội cúng cá Ông. Lễ cúng cá Ông là một trong những lễ hội lớn nhất của ngư dân ven biển Bến Tre, lễ cúng này không có ngày thống nhất chung, tùy theo từng làng nghề mà người ta có những ngày cúng riêng, có làng chọn ngày cá ông đầu tiên lụy hoặc ngày nhận sắc của vua phong. Lễ cúng này được tổ chức và được xem như một hình thức của ngày giỗ ông. Trong ngày lễ Cầu ngư, bàn thờ được trang hoàng hết sức rực rỡ, trang nghiêm. Tại các gia đình hành nghề đi biển, người ta đặt bàn hương án bày đồ lễ cúng. Trên mỗi tàu thuyền đều giăng đèn kết hoa. Còn trong làng, người ta chọn ra một ban nghi lễ là các vị cao niên, có uy tín với bạn chài và không bị mắc tang chế. Vị chánh bái dâng đồ tế lễ và đọc văn tế nói lên lòng biết ơn của dân làng đối với công đức cá ông và cầu mong một mùa đánh bắt an toàn, bội thu...Về phần hội, mỗi địa phương có một hình thức tổ chức riêng, nhưng cũng đều là các trò chơi dân gian vùng biển như: xây chầu đại bội, đàn ca tài tử... Nhìn chung, lễ hội Nghinh ông là lễ hội bày tỏ những khát vọng được bình yên trong cuộc sống của ngư dân, những con người luôn phải đối mặt với nhiều bất trắc khi lênh đênh trên biển cả.

Bên cạnh tín ngưỡng thờ cá Ông thì tín ngưỡng thờ Mẫu cũng là một loại hình tín ngưỡng dân gian khá phổ biến trong đời sống của cư dân ven biển Bến Tre. Ở Bến Tre, tín ngưỡng thờ Mẫu được cư dân ven biển gọi là thờ Bà. Người ta thờ Bà Thiên Y Ana và các hóa thân, Bà Ngũ Hành, Bà Chúa xứ, Thiên Hậu Thánh Mẫu, Bà Thủy, Cửu Thiên Huyền Nữ, Thập Nhị Thánh Mẫu,… nhằm cầu mong sự che chở, bình an cho những người sống bằng nghề đi biển. Ở Bến Tre hiện nay có trên 200 miếu thờ Bà, tập trung nhiều nhất là ở huyện Thạnh Phú, Ba Tri…Người ta thờ bà dưới nhiều hình thức. Bà có thể được phối thờ tại các đình thần hoặc có những cơ sở thờ tự và lễ tục riêng. Hằng năm, tại các miếu thờ Bà, vào ngày 12, 13 của tháng 2 hoặc tháng 3 âm lịch, người ta thường tổ chức cúng kỳ yên. Trước đây, trong lễ kỳ yên, người ta tổ chức nghi lễ cúng Bà thông qua hai hình thức: Tiên Đồng, Ngọc Nữ múa bóng và Học trò dâng lễ vật. Nhưng ngày nay, hình thức: Tiên Đồng, Ngọc Nữ múa bóng không còn nữa bởi quá tốn kém nên cần tổ chức một cách tiết kiệm nhưng vẫn giữ được sự tôn nghiêm. Vào những dịp cúng kỳ yên tại các miếu thờ Bà, là dịp để mọi người đến tham gia và thực hành nghi lễ hết sức trang nghiêm, thể hiện niềm tin mạnh mẽ của mình, cầu mong sự độ trì của Bà trong cuộc sống.

Ngoài những tín ngưỡng dân gian như đã đề cập ở trên đã ăn sâu vào trong đời sống của mỗi người dân sống bằng nghề đi biển thì bên cạnh đó, những nghề như đóng ghe tàu, may vá lưới cũng ảnh hưởng rất nhiều trong nghề nghiệp của họ. Đó là những phương tiện quan trọng cho việc hành nghề đánh bắt thủy hải sản.

Đóng tàu. Ảnh: N.D

Ở Bến Tre, nghề đóng ghe, xuồng, tàu, thuyền được hình thành khá sớm và hiện diện tại nhiều địa phương trong cả tỉnh. Nổi tiếng nhất có thể kể đến là các cơ sở đóng ghe tàu ở Bình Đại. Ghe Bình Đại được giới thương hồ trước đây gọi là ghe Cửa Đại, mũi có màu đen, là loại ghe có chiều cao vừa phải, lườn rộng, thân được cấu trúc vững chắc, an toàn khi đi trên sông và biển, có sức chở lớn. Về sau, kỹ thuật đóng ghe tàu phát triển, người thợ đóng ghe tàu cải tiến cho phù hợp với điều kiện chuyên chở, đi lại, đánh bắt thủy, hải sản trên biển. Nguyên liệu để đóng ghe, tàu chủ yếu là những loại gỗ có đặc tính bền chắc, nổi trên mặt nước và ít hư hỏng do tác động của môi trường nước. Những năm gần đây, ghe tàu ở Bến Tre có xu hướng hiện đại hóa, ghe tàu được thiết kế bản vẽ và sử một số kim loại cần thiết. Đây là một bước phát triển mới của nghề đóng ghe tàu ở Bến Tre.

May vá lướiẢnh: N.D

Văn hóa biển trong đời sống của ngư dân ven biển nước ta ngày nay càng được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Bởi nó chứa đựng những yếu tố văn hóa tín ngưỡng dân gian độc đáo. Do đó, nghiên cứu về Văn hóa biển là một đề tài vô cùng rộng lớn, mỗi cộng đồng ngư dân sống bằng nghề đi biển ở mỗi địa phương, mỗi vùng miền có những nét văn hóa không hề giống nhau, nên Nghiên cứu văn hóa biển để tìm một cách ứng xử cho phù hợp với đời sống của người dân.

Nghề làm cá khôẢnh: N.D

Nhìn chung, văn hóa biển của ngư dân Bến Tre khá phong phú từ loại hình tín ngưỡng như thờ cá ông, thờ Mẫu đến những nghi lễ cũng như kiêng kị trong quá trình hành nghề. Họ đã để lại một số lượng văn nghệ dân gian khá đồ sộ, thể hiện đời sống văn hóa của người đi biển. Ngoài ra, với nghề đánh bắt thủy hải sản trên biển, họ đã sáng tạo ra những sản phẩm ẩm thực độc đáo, mang nét đặc trưng của con người Bến Tre. Văn hóa biển đã góp phần làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa dân gian của Bến Tre nói riêng, Việt Nam nói chung.

Ngọc Diệp