Site banner

Bình Đại: Chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả lợi nhuận cao hơn gấp 3 lần

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả bền vững gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm giai đoạn 2011 – 2015 và định hướng đến năm 2020. Thời gian qua, huyện Bình Đại đã tích cực tuyên truyền, vận động giúp nông dân chuyển đổi thành công nhiều diện tích đất lúa sản xuất kém hiệu quả sang canh tác các loại cây trồng chủ lực phù hợp với thổ nhưỡng mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần từng bước cải thiện cuộc sống cho người dân và xây dựng thành công chương trình nông thôn mới.

Anh Nguyễn Hồng Phúc bên vườn dừa xiêm xanh sai trái của gia đình.

Sau hơn 6 năm thực hiện, đến nay toàn huyện đã giảm được hơn 848ha lúa ở các vùng sản xuất lúa 3 vụ  và 1 vụ. Riêng 6 tháng đầu năm 2017, toàn huyện giảm được 250ha, trong đó xã Châu Hưng là địa phương có diện tích lúa giảm được kéo giảm đứng đầu huyện với gần 67ha, chiếm trên 57% kế hoạch. Các diện tích chuyển đổi được nông dân tập trung trồng dừa, bưởi da xanh, mãng cầu xiêm, rau màu và trồng cỏ nuôi bò. Hầu hết các mô hình, đối tượng trên diện tích chuyển đổi sau thời gian canh tác đều cho nông dân nguồn thu nhập cao hơn gấp 3 lần so với trồng lúa trước đây. 

Hộ anh Nguyễn Hồng Phúc, ở ấp Hưng Thạnh, xã Châu Hưng. Trước đây gia đình anh Phúc có 9 công đất trồng lúa 3 vụ, tuy nhiên, hiệu quả kinh tế mang lại không cao và thường xuyên gặp sâu bệnh, ảnh hưởng bởi thời tiết bị thua lỗ nặng. Năm 2013, qua công tác tuyên truyền, vận động của địa phương, anh Phúc đã mạnh dạn đầu tư vốn lên liếp 3 công đất trồng 70 gốc dừa xiêm xanh xen nhãn tiêu huế, 6 công còn lại anh trồng bưởi da xanh. Trước và trong quá trình trồng, anh được các ngành, các cấp từ huyện đến xã hỗ trợ tích cực về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây trồng, nhờ đó vườn cây chuyển đổi của anh phát triển tốt và cho thu hoạch ổn định.

Anh Phúc cho biết: “Hiện tại, nguồn thu nhập chính của anh chủ yếu nhờ vào 3 công đất dừa xiêm xanh xen nhãn tiêu Huế. Trung bình mỗi tháng, anh cung cấp cho thị trường từ 600 – 700 trái dừa tươi, giá bán dao động tùy thời điểm. Nếu ở thời điểm mùa nắng anh bán với giá 170 – 180 ngàn đồng/1 chục, trừ chi phí anh có lãi trên 10 triệu đồng/1 tháng, còn ở thời điểm hiện tại anh bán với giá 35 ngàn đồng/1 chục đối với dừa nhỏ và 80 ngàn đồng/1 chục đối với dừa trái to, nên có lãi bình quân 4 triệu đồng/1 tháng. Với nhãn tiêu huế, 1 năm anh thu hoạch được hơn 1 tấn trái, lợi nhuận trên 10 triệu đồng. Riêng với bưởi da xanh đang trong giai đoạn cho trái chiến nên lợi nhuận chưa cao, mỗi tháng bưởi cho thu nhập khoảng 1 triệu đồng”.

Theo anh Phúc trồng dừa xiêm xanh không khó, sau khi trồng mỗi năm bỏ công bồi đất cho gốc dừa 1 lần và định ký 2 tháng bón 1 kg phân cho 1 gốc dừa là đảm bảo dinh dưỡng để dừa cho trái sai.

Anh Nguyễn Duy Phúc – Chủ tịch UBND xã Châu Hưng cho biết: “Hiện nay, diện tích nông nghiệp trên địa bàn xã không thay đổi nhưng cơ cấu cây trồng đã được thay đổi phù hợp, đặc biệt là trên diện tích đất lúa kém hiệu quả nhằm tăng vòng quay của đất, tăng giá trị kinh tế. Xã phấn đấu từ nay đến cuối năm vận động nhân dân tiếp tục chuyển đổi phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững đối với 50,8ha đất lúa kém hiệu quả còn lại, đặc biệt khuyến khích nông dân trồng các loại cây phù hợp có giá trị kinh tế cao mà không chạy theo thị trường tránh tình trạng sản xuất ồ ạt, cung vượt cầu gây thua lỗ cho nông dân”.

Qua thực tế, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả đã mang lại hiệu quả rõ nét về năng suất và giá trị kinh tế, từng bước giúp Bình Đại hình thành các vùng sản xuất có thương hiệu và thu nhập ổn định cho người nông dân, là tiền đề quan trọng để huyện hoàn thành mục tiêu sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững đến năm 2020./.

 

 

Thanh Hương