Qua 2 năm thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Bình Đại đã chủ động thực hiện cơ cấu các loại cây chủ lực, các loại giống cây trồng, vật nuôi mới phù hợp với từng vùng nên đã khai thác được tiềm năng đất đai. Diện tích vườn tạp được cải tạo, thay thế những cây già cỗi, năng suất thấp bằng những cây giống mới có năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn; việc thành lập tổ hợp tác sản xuất, mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả được nhân rộng. Qua đó, góp phần bước đầu thực hiện có hiệu quả việc đổi mới, sắp xếp lại ngành nông nghiệp, giúp người dân phát triển kinh tế bền vững.
Trên lĩnh vực nuôi thủy sản từng bước được sắp xếp theo hướng nâng cao hiệu quả, nuôi thủy sản theo quy hoạch và theo mùa vụ, nông dân mạnh dạn đầu tư đối tượng nuôi mới: nuôi tôm càng xanh thâm canh 42ha, hàu 16ha, cá chẽm 15,6ha. Qua đó, các hộ dân có điều kiện phát triển kinh tế, nhất là hộ nghèo thoát nghèo bền vững. Ngoài ra, tại khu vực ngọt hóa (xã Thạnh Trị, xã Phú Long) đã chuyển đổi được 50ha ao nuôi tôm biển sang nuôi tôm càng xanh, lắp ao trồng dừa, cây ăn trái… khắc phục tình trạng nuôi tôm biển trong vùng ngọt hóa.
Trên lĩnh vực trồng trọt, đối với cây lúabước đầu đã hình thành một số mô hình sản xuất, liên kết mang lại hiệu quả như mô hình cánh đồng mẫu lúa xã Châu Hưng, Phú Thuậnvới diện tích 250 ha, riêng xã Châu Hưng khi thành lập có 70ha, đến nay tăng lên 211ha. Qua thực hiện mô hình đem lại nhiều hiệu quả như: ít sâu bệnh, giảm phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, tăng năng xuất từ 0,5 – 01tấn/ha (năng suất bình quân đạt khá cao trên 5 tấn/ha, có hộ đạt 6,5 tấn/ha), đa số nông dân đều có lợi nhuận. Bên cạnh đó, việc luân canh đưa cây màu xuống ruộng được nông dân áp dụng nhằm gia tăng năng suất và sản lượng với diện tích 495ha, giá rau màu tương đối ổn định, lợi nhuận gấp 2-3 lần so với trồng lúa.
Chuyển đổi ao nuôi tôm biển trong vùng ngọt hóa sang trồng cây ăn trái (Ảnh: Tuyết Mai)
Diện tích vườn dừa được đầu tư mở rộng theo hướng chuyên canh, diện tích trồng mới 193,54 ha, nâng tổng diện tích lên 6.900,06ha, đạt 101,47% so kế hoạch. Trong đó diện tích cho trái là 5.855,62ha; sản lượng đạt 65 triệu trái, đạt 108,33% kế hoạch (so với cùng kỳ tăng 12,3%). Thành lập 28 Tổ hợp tác liên kết tiêu thụ dừa trái với 480hộ/316,37ha, trong đó đã ký hợp đồng được 254 hộ/198,56ha. Qua thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ dừa trái, bước đầu được nông dân đồng tình cao với chính sách hỗ trợ của doanh nghiệp, khắc phục được tình trạng tiểu thương ép giá. Tuy nhiên, do quá trình liên kết chưa chặt chẽ, dẫn đến hoạt động tổ thu mua dừa trái không thường xuyên, giá mua thấp hơn giá thị trường, mạng lưới thu mua không đảm bảo.
Thực hiện dự án cải tạo vườn dừa kém hiệu quả và mô hình vườn dừa mẫu nhằm tác động thâm canh tăng năng suất vườn dừa; mô hình liên kết từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm từng bước hoạt động có hiệu quả; kết hợp thực hiện Dự án cải tạo giống, trồng xen hợp lý các loại cây ăn trái trong vườn dừa... góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cho người trồng dừa trên một đơn vị diện tích.
Chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ nuôi bò tại xã Thạnh Trị (Ảnh: Tuyết Mai)
Diện tích từng loại cây ăn trái được phát triển theo hướng chuyên canh, xen canh, từng bước hình thành những vùng chuyên canh cây ăn trái, sản xuất theo hướng an toàn sinh học, tiêu chuẩn GAP phục vụ xuất khẩu. Trong đó, diện tích trồng mới cây ăn trái các loại là 186,77ha, nâng tổng diện tích hiện có 2.415,2, tăng 7,75% (tương đương 187,2ha) so với cùng kỳ, sản lượng thu hoạch tăng khá. Diện tích cây ăn trái tăng do chuyển đổi từ đất lúa, đất mía kém hiệu quả. Giá trái cây, nhất là trái nhãn dao động ở mức khá cao, đa số nông dân đều có lợi nhuận. Hình thành nhiều mô hình trồng cây ăn trái có hiệu quả kinh tế cao như trồng xen canh (ổi xen nhãn; bưởi xen nhãn, dừa, ca cao …), chuyên canh (bưởi da xanh, mãng cầu xiêm), trồng chuối cấy mô; tổ hợp tác sản xuất nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP xã Long Hòa, Tam Hiệp, cánh đồng mẫu nhãn xã Châu Hưng, tổ sản xuất nhãn theo quy trình VietGAP và liên kết tiêu thụ xã Phú Thuận.
Về lĩnh vực chăn nuôitừng bước phát triển theo mô hình kinh tế trang trại, đảm bảo môi trường.Tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, những năm gần đây không phát sinh dịch bệnh qui mô lớn. Công tác kiểm soát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, tiêm phòng vaccine, phun hóa chất tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng cho các cơ sở chăn nuôi được thực hiện định kỳ nên ngăn chặn được một số dịch bệnh nguy hiểm. Hỗ trợ xây dựng trên 120 hầm ủ Bioga (Dự án khí sinh học) nhằm xử lý chất thải gảm ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.
Có thể nhận thấy rõ, qua triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện, sản xuất nông nghiệp có sự chuyển biến tích cực, cơ cấu cây trồng vật nuôi được tác động chuyển đổi theo hướng có hiệu quả. Qua đó, góp phần xây dựng thành công chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.