Theo dự báo, tình hình xâm nhập mặn xảy ra sớm và sâu, tình trạng khô hạn và thiếu nước ngọt trong mùa khô 2015 – 2016 ở miền nam bộ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với nền sản xuất nông nghiệp. Nhằm chủ động phòng chống, ứng phó hạn hán và xâm nhập mặn, huyện Bình Đại đưa ra nhiều giải pháp bảo vệ cây trồng, vật nuôi trước tình hình xâm nhập mặn và mùa khô năm 2015 – 2016, góp phần giúp nông dân huyện đảm bảo năng suất cây trồng, vật nuôi trong mùa khô.
Trước tình hình trên cho thấy vụ Đông Xuân năm nay (2015-2016) đứng trước những thách thức, do đó, thời vụ xuống giống Đông Xuân là một trong những yêu cầu sản xuất cần được quan tâm để hạn chế thiệt hại do hạn mặn, đồng thời đạt hiệu quả sản xuất tối ưu.
Nông dân huyện ra quân khai thông dòng chảy tại các tuyến kênh, rạch.
Theo giải pháp của huyện về vấn đề xuống giống đó là những vùng thường nhiễm mặn hàng năm nên bố trí lịch thời vụ Đông Xuân sớm để tránh bị nhiễm mặn vào cuối vụ. Dự kiến, lịch thời vụ xuống giống lúa vụ Đông Xuân 2015-2016 được khuyến cáo như sau:Đối với những vùng sản xuất lúa thường bị nhiễm mặn cuối vụ như một số xã ven sông Cửa Đại nên xuống giống tập trung từ 1/11 – 30/11/2015. Ở những vùng này không nên xuống giống muộn hơn vì rất dễ bị xâm nhập mặn và khô hạn vào cuối vụ.Nếu không xuống giống được do thiếu nước nên chuyển đổi cây trồng khác như chuyển sang trồng rau màu, dừa, cây ăn trái hoặc trồng cỏ nuôi bò. Đối với những vùng sản xuất lúa 3 vụ xuống giống tập trung từ ngày 1 – 30/12/2015.
Về cơ cấu giống: Vùng sản xuất 3 vụ lúa nên dùng các loại giống OC 10, OM 6162, OM 4900, OM 9921, OM 6932, OM 8232, OM 6976, OM 8108…
Ngoài ra, nông dân cần Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật như giải pháp “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” nhằm tiết kiệm nước. Huyện tổ chức tập huấn hướng dẫn cho nông dân ứng dụng ngay từ đầu vụ biện pháp kỹ thuật tiến bộ, tăng cường sử dụng giống lúa xác nhận chất lượng cao, ngắn ngày.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền lịch thời vụ nhằm gieo sạ đồng loạt, tập trung né rầy ở từng khu vực. Khuyến cáo việc sử dụng giống lúa chống chịu được mặn, hạn, phèn ở những vùng có nguy cơ xâm nhập và hạn vào cuối vụ.Tăng cường công tác giám sát dịch hại, thường xuyên thông tin, phổ biến để nông dân biết khả năng bộc phát sâu bệnh, có biện pháp phòng trừ kịp thời.
Còn đối với cây ăn trái, huyện khuyến cáo nông dân trữ nước ngọt trong mương vườn. Khi mặn xâm nhập không nên sử dụng nước mặn tưới cho cây, dung cỏ tủ gốc cây nhằm hạn chế bốc thoát nước. Tăng cường bón phân kali cho cây nhằm gia tăng khả năng chịu hạn cho cây.
Đối với lĩnh vực thủy sản, huyện tiếp tục phối hợp địa phương trong công tác theo dõi diễn biến thời tiết, tình hình xâm nhập mặn từ nguồn nước trên các tuyến sông chính, kênh rạch tự nhiên, các vùng tiếp giáp giữa ranh mặn và ngọt, các vùng mà hệ thống thủy lợi chưa khép kín có thể ảnh hưởng đến hoạt động nuôi thủy sản.
Tăng cường thực hiện quan trắc môi trường để khuyến cáo kịp thời cho người dân có biện pháp phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn theo lịch thời vụ, độ mặn tăng dần theo từng vùngmặn, ngọt, lợ, cho từng đối tượng nuôi thủy sản. Riêng con nghêu ở 2 hợp tác xã thủy sản đề nghị khảo sát thực tế tình hình sản lượng để có giải pháp san thưa hoặc có kế hoạch khai thác để giảm mật độ nghêu nhằm hạn chế nghêu chết.
Bên cạnh đó, huyện chú trọng công tác thủy lợi, tổ chức nạo vét kênh mương nội đồng, khơi thông dòng chảy, duy tu, sửa chữa các cống lấy nước, đắp đập ngăn mặn… đảm bảo thông thoáng từ đầu mối đến mặt ruộng. Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các công trình thủy lợi, hoàn thiện hệ thống kênh mương ở các vùng có nguy cơ xảy ra hạn hán, tăng cường khả năng cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh.