Biến đổi khí hậu kéo theo những hiện tượng thời tiết cực đoan làm ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất và dân sinh. Hàng năm, vào mùa khô người dân huyện biển Bình Đại lại thấp thỏm lo âu vì dòng chảy trên các tuyến sông, kênh, rạch bị khô cạn, đặc biệt cứ vào tháng 3 đến tháng 6 dương lịch khi gió chướng bắt đầu thổi thì con nước mặn cũng theo gió ùa về. Nước mặn xâm nhập ngày càng sâu vào đất liền làm cho đất đai nhiễm mặn, diện tích canh tác nông nghiệp ngày càng thu hẹp.
Với phương châm “ Nhà nước và nhân dân cùng làm”, ngay từ những tháng đầu năm, các địa phương trên địa bàn huyện Bình Đại đã tranh thủ nguồn vốn đầu tư từ Trung ương, địa phương, sự ủng hộ của nhân dân và các Dự án phi chính phủ chủ động xây dựng, kiên cố hóa nhiều hệ thống công trình thủy lợi phòng, chống thiên tai. Đến nay, trên địa bàn huyện đã đưa vào sử dụng được hơn 7 công trình thủy lợi và 44 tuyến kênh nội đồng như: đường ống cung cấp nước phục vụ sinh hoạt cho hộ dân ở các điểm khu vực ấp 6 Bình Thắng, Nhà tránh trú bão Thới Thuận, khu vực ấp Phước Bình xã Thạnh Phước, đê bao đầu cồn ấp 1 và cuối cồn ấp 4, xã Tam Hiệp, dự án nâng cấp đê sông Tiền và các hạng mục dưới đê, 2 cống trên đê bao ven Ba Lai xã Thới Lai và Châu Hưng lấy nước trực tiếp từ sông Ba Lai, bờ kè chống xói lở bờ sông An Hóa, Dự án nâng cấp tuyến đê biển,....,v.v.
Từ các công trình thủy lợi phòng, chống thiên tai mà xuân Mậu Tuất 2018 này, về Bình Đại, chúng ta nhận ra rằng dù nước mặn có xâm nhập sâu thì quá trình sản xuất nông nghiệp của huyện vẫn phát triển ổn định theo nhịp sống kinh tế. Nhiều nông dân tại các địa phương cho biết, một trong những yếu tố đem lại kết quả trên là nhờ địa phương phát huy tốt hiệu quả các công trình thủy lợi phòng, chống thiên tai, giúp nhân dân chủ động được nguồn nước tưới, không còn lo lắng về nguồn nước ngọt. Do đó, năng suất và sản lượng các loại cây trồng của huyện tăng cao, góp phần ổn định an ninh lương thực, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển bền vững.
Điển hình có công trình 2 cống trên đê bao ven sông Ba Lai xã Thới Lai và Châu Hưng lấy nước trực tiếp từ sông Ba Lai, được đưa vào vận hành đầu tháng 6/2017, với tổng kinh phí 3,5 tỷ đồng, đã giúp người dân có thể chủ động được nguồn nước tưới, yên tâm sản xuất cho 900 ha của 1.200 hộ dân tại 2 xã Thới Lai, Châu Hưng, nhất là vào thời điểm hạn, mặn.
Anh Bùi Văn Mẫn ở ấp Hưng Thạnh của xã Châu Hưng tậm sự: “ Gia đình tôi canh tác được 10.000m2 bưởi da xanh xen mít thái. Những năm trước, việc sản xuất phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên nên năng suất và lợi nhuận không cao. Ở vụ này, khi nguồn nước đã chủ động, gia đình tôi yên tâm sản xuất, bưởi da xanh và mít thái phát triển xanh tốt và đang trong giai đoạn cho trái say, hứa hẹn một vụ mùa bội thu phục vụ cho thị trường tết Nguyên Đán Mậu Tuất 2018”.
Tất cả các công trình thủy lợi khi đưa vào sử dụng đều mang lại lợi ích cho nhân dân, nhất là thời điểm hạn mặn. Quá trình hưởng lợi từ các công trình, dự án thủy lợi phòng, chống thiên tai đã thể hiện sự đoàn kết, nhất trí giữa tổ chức Đảng và nhân dân, từng bước khắc phục những hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra. Đặc biệt, nhờ các công trình thủy lợi mà các địa phương trong huyện đã thực hiện hiệu quả Đề án “ Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thời tiết, phát huy đúng tiềm năng, thế mạnh từng tiểu vùng. Vì vậy, mà hiệu quả sản xuất nông nghiệp luôn đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, tổng sản lượng lương thực, thủy sản của huyện tăng qua từng năm.
Cụ thể, năm 2017, giá trị sản xuất nông – lâm nghiệp và thủy sản so với năm 2016 tăng trên 1,6%, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 31 triệu đồng/người/năm năm 2016 lên 35,7 triệu đồng/người/năm năm 2017, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt gần 98%. Trong đó, các loại cây trồng gồm: rau màu, cây ăn trái và dừa, đều được nông dân đầu tư mở rộng diện tích. Thời điểm này, tổng diện tích cây rau màu quay vòng trên 1.410ha, cây ăn trái nâng lên diện tích hơn 2.470ha và cây dừa hiện có 7.321,44ha.
Cùng với hiệu quả từ các công trình thủy lợi, công tác kiểm tra, tu sửa, nạo vét hệ thống kênh mương nội đồng, đắp đập tạm để ngăn mặn, trữ ngọt cũng được chính quyền các xã và nhân dân đồng lồng tham gia thực hiện phát huy hiệu quả, đảm bảo nguồn nước phục vụ chăn nuôi và cây trồng của bà con nông dân trong thời gian ngắn.
Từ sự bức phá về đồng bộ hóa hệ thống thủy lợi nội đồng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp đã đem lại cuộc sống ấm no, đầy đủ tiện nghi cho người dân vùng biển, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn dưới 9% (theo chuẩn hộ nghèo đa chiều).
Theo Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Bình Đại thì: “Qua thực tế hiệu quả phát huy của những công trình khắc phục biến đổi khí hậu cho thấy tinh thần dân chủ, đoàn kết và ý thức trách nhiệm của người dân trong phát triển kinh tế trên vùng đất biển ngày một cao. Để duy trì và phát huy hiệu quả tối đa các công trình thủy lợi, nhằm khắc phục tình hình biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, Ngành đang tập trung khảo sát, kiểm tra khắc phục kịp thời những vị trí cống, kênh hư hỏng để điều chỉnh hợp lý trước vụ mùa sản xuất năm 2018. Dự kiến trong năm 2018, huyện tiếp tục tranh thủ nhiều nguồn vốn để nạo vét nạo vét 19 tuyến kênh nội đồng phòng, chống biến đổi khí hậu”./.