10 năm qua, ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện Bình Đại không ngừng phát triển, giá trị sản xuất ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tăng cao, cơ sở vật chất phục vụ sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp từng bước hình thành, góp phần thúc đẩy cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch đúng hướng.
Trong đó, huyện Bình Đại đã phát huy tốt tiềm năng lợi thế của địa phươngđể thu hút các cơ sở, doanh nghiệp đầu tư xây dựng ngành nghề công nghiệp. Đến nay, đã có nhiều doanh nghiệp bỏ vốn vào đầu tư sản xuất. Về cấp nước, hiện nay trên địa bàn huyện có 7 nhà máy nước có công suất 10-180m3/giờ, tổng khối lượng nước cấp trung bình hàng năm là 3.332.000m3, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh ngày càng được nâng lên và đang mời gọi đầu tư nhà máy nước Phú Long, nhà máy nước Thạnh Phước. Về ngành dừa, tận dụng nguồn nguyên liệu tại các xã tiểu vùng I, II mà một số Doanh nghiệp, công ty đầu tư sản xuất như: Công ty trách nhiệm hữu hạng một thành viên Nguyên Phát, Doanh nghiệp tư nhân Phước Sang, Doanh nghiệp tư nhân Khánh Thành, Doanh nghiệp tư nhân Hồng Phước…
Huyện chú trọng xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu ổn định
Về đóng tàu, thời gian qua, ngành đóng tàu được phát triển về quy mô, chất lượng đến nay toàn huyện có khoảng 7 doanh nghiệp, cơ sở đóng tàu (chủ yếu tàu gỗ) với công suất 8-12 tàu/năm/doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu đánh bắt xa bờ, hoạt động nhiều ngày cho ngư dân. Về nước đá, để phục vụ cho ngành đánh bắt, chế biến thủy sản trong những năm qua đã phát triển mới 9 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nước đá với công suất từ 100-200 tấn/ngày. Về chế biến thủy sản: tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào từ đánh bắt thủy sản, các Công ty chế biến thủy sản cũng được hình thành. Hoạt động của các làng nghề tiếp tục phát triển như: Làng nghề chế biến cá khô xã Bình Thắng với sản lượng hàng năm là 8.696 tấn/năm. Làng nghề đánh bắt thủy sản với số lượng tham gia là 583 tàu, sản lượng đánh bắt tăng theo từng năm. Làng nghề làm muối xã Thạnh Phước, sản lượng khoảng 15 ngàn tấn/năm.
Mặt khác, huyện chú trọng công tác phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp gắn với việc xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu ổn định, quan tâm các nguồn nguyên liệu chủ lực. Trong đó, để phát triển nguồn nguyên liệu, huyện ổn định diện tích nuôi tôm thâm canh theo hướng đầu tư thâm canh, quản lý khá tốt nguồn giống, kiểm soát dịch bệnh, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Lĩnh vực khai thác thủy sản trên biển không ngừng phát triển và cải tiến phương tiện, thiết bị phục vụ đánh bắt. Dự án thâm canh tăng năng suất vườn dừa ở các xã: Phú Long, Định Trung, Phú Vang, Lộc Thuận, Thới Lai, Vang Quới Tây, Châu Hưng đang phát huy hiệu quả, thực hiện chủ trương có chính sách thích hợp, giữ vững ổn định diện tích vườn dừa hiện có 6.900ha, góp phần đáng kể trong việc tạo nguồn nguyên liệu từ dừa cho các cơ sở sản xuất chế biến.
Song song với sự tập trung phát triển nguồn nguyên liệu, huyện đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng công nghiệp. Trong đó, hoàn thành lưới điện trung thế Giồng Trôm – Bình Đại, xây dựng trạm biến áp 110KVA xã Bình Thới, hệ thống lưới điện trung, hạ thế được đầu tư đáp ứng cơ bản nhu cầu sản xuất cho các cơ sở công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, các nhà máy nước trên địa bàn huyện ngày càng phát triển về số lượng và công suất, hệ thống viễn thông ngày càng hoàn thiện đã hỗ trợ tích cực cho ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Đặc biệt, trong thời gian qua được sự hỗ trợ đầu tư của Trung ương đã đầu hệ thống 10 cầu trên đường tỉnh 883 sẽ mở ra cơ hội mới cho việc đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, hệ thống giao thông nông thôn đã cơ bản đáp ứng nhu cầu vận chuyển, đi lại của nhân dân là động lực thúc đẩy để doanh nghiệp quan tâm đầu tư.
Từ những chính sách đầu tư trong ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, những năm qua, năng suất và chất lượng sản phẩm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp ngày càng được nâng lên. Năng lực đầu tư của ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2010-2015 tăng 357 cơ sở, trong đó có một số doanh nghiệp với quy mô lớn, công nghệ tiên tiến. Theo thống kê sơ bộ, lũy kế đến nay, toàn huyện có 1.352 cơ sở sản xuất công nghiệp với vốn đầu tư hơn 420 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 5358 người lao động. Qua đó, giúp cho giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện tăng lên qua từng năm, đến năm 2015 ước đạt 605 tỷ đồng, giá trị sản xuất trung bình hàng năm khoảng 22%.
Nhìn chung, thời gian qua, ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp phát triển nhanh đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế huyện phát triển, sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tăng lên cả về số lượng và quy mô. Ngành nghề sản xuất trở nên đa dạng, một số mặc hàng, sản phẩm sản xuất từng bước có chú trọng đến mẫu mã, kiều dáng và nhãn hiệu hàng hóa, góp phần thúc đẩy cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.