Site banner

Nhớ ngày Đồng Khởi (Kỷ niệm 57 năm Đồng Khởi Bến Tre 17/1/1960 – 17/1/2017)

…Về Bến Tre mà không đến Định Thủy nghe người dân kể chuyện Đồng Khởi năm xưa là một thiệt thòi lớn cho du khách…” Anh Quang, hướng dẫn viên du lịch nói chắc nịch trên đường đưa chúng tôi về với chiếc nôi Đồng Khởi 1960 viết nên câu chuyện lịch sử huyền thoại hào hùng và luôn là niềm tự hào cho người dân xứ Dừa.

Đường từ trung tâm huyện Mỏ Cày Nam vào Định Thủy mát dịu bởi vô số cây đinh lăng được trồng dầy đặc hai bên, cùng với những luồng gió mát từ sông Hàm Luông thổi vào liên tục. Mặt đường rộng thênh thang láng bóng thơm thơm mùi nhựa nóng. Những tấm pa nô dựng thẳng tắp dọc hai bên đường với nhũng khẩu hiệu tuyên truyền “…Quyết tâm giữ vũng danh hiệu xã văn hóa, xã Nông thôn mới…”, “…Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”… rất sinh động và bắt mắt.

Đường về Định Thủy (ảnh PTA Thư

Xe dừng lại một quán giải khát bên đường, chúng tôi khá bất ngờ khi được bà Liêu Thị Thu, 74 tuổi, chủ quán kể vanh vách “.. Hồi Đồng Khởi 60, tui ở đây chớ đâu, vui lắm, tụi giặc bị quân bà Định rượt chạy có cờ như đám vịt Tàu, đội quân tóc dài áo bà ba quấn khăn rằn vác súng “ ngựa trời” đi nườm nượp coi “oách” lắm…”.

57 năm đi qua, nhưng ngày Đồng Khởi Bến Tre 17/1/1960 luôn sống mãi trong ký ức hào hùng của người dân Định Thủy nói riêng, Bến Tre nói chung, mở ra một chặng đường mới cho cuộc cách mạng giải phóng miền Nam, và đây một hình thức đấu tranh chính trị vô cùng hiệu quà dưới sự chỉ huy của Nữ tướng Nguyễn Thị Định.

Ông Lê Văn Nghĩa 87 tuổi ngụ ấp Định Nhơn, xã Định Thủy cho biết “…Chúng tôi tự hào về truyền thống đấu tranh anh hùng của quê hương, từ đó chung tay xây dựng xã Anh hùng Định Thủy văn hóa, an toàn, giàu mạnh. Cạnh đó còn ra sức giáo dục con cháu sống xứng đáng với người đi trước, xứng đáng với truyền thống là chiếc nôi Đồng Khởi…”.

Du kích xứ dừa: (ảnh Trung Kiên)

Biến suy nghĩ thành hành động cụ thể, trên 3.000 hộ dân đã đồng tâm hợp lực xây dựng quê nhà thông qua việc hoàn thành các tiêu chí về phát triển kinh tế văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh, để được công nhận danh hiệu xã Văn Hóa vào năm 2005. Thắng lợi tiếp nối thắng lợi, người dân Định Thủy tiếp tục hoàn thành các tiêu chí về Nông Thôn mới và đã về đích vào tháng 10 năm 2015. Có được kết quả đó là nhờ sự nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị với phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng", phát huy vai trò làm chủ của người dân và thực hiện tốt công tác xã hội hóa. Từ đó người dân tự nguyện đóng góp hơn 200 tỷ đồng tạo diện mạo nông thôn càng thêm khởi sắc, cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, giao thông liền mạch từ trung tâm xã đến các ấp, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao, hệ thống chính trị được giữ vững ổn định, quốc phòng an ninh được tăng cường, khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày thêm vững chắc, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Chính quyền được nâng lên.

Để khắc ghi sự kiện lịch sử vẻ vang của quê hương Đinh Thủy, tỉnh Bến Tre đã xây dựng tại đây một Khu di tích lịch sử mang tên “Đồng khởi” trên diện tích 5.000 m2 gồm các hạng mục như:  Nhà bảo tàng bên trên nóc là một ngọn lửa được cách điệu bằng bê tông cốt thép cao 12 mét màu đỏ mang biểu tượng của ngọn lửa Đồng Khởi cháy sáng mãi trên xứ Dừa. Bên trong là những gian trưng bày những hiện vật, nhân vật, hình ảnh, biểu đồ, những vũ khí tự tạo để đánh địch năm xưa. Chung quanh ngôi nhà là những thảm cỏ xanh, sân rộng, những bồn hoa và cây cảnh, làm tăng thêm vẻ đẹp của Khu di tích. Tháng 12/2016, Khu di tích nầy đã được công nhận là “Khu di tích Lịch sử đặc biệt cấp quốc gia” mang lại niềm vui, niềm tự hào to lớn của người dân Bến Tre nói chung, xã Định Thủy nói riêng.

Về Định Thủy hôm nay, du khách sẽ cảm nhận được một không gian trầm lặng uy thiêng luôn nhắc mọi người nhớ về tháng ngày Đồng Khởi, hòa quyện với một sức sống mới đang vươn lên âm thầm nhưng mãnh liệt vô cùng. Và đâu đây trong tiếng gió, tiếng sông vẫn đang phảng phất dáng hình nữ tướng Bến Tre giương cao lá cờ Quyết thắng.    

Phan Thị Anh Thư