Site banner

Chị Trần Thị Diền mạnh dạn khởi nghiệp từ con tép

        Là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Mỹ Hưng, huyện Thạnh Phú, chị Trần Thị Diền luôn năng nổ, nhiệt tình giúp cho phong trào phụ nữ và hoạt động hội đạt được nhiều thành tích trong những năm qua. Đồng thời, trong vai trò Trưởng Ban nữ công Công đoàn cơ sở xã, chị luôn chú trọng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho Công đoàn viên, nữ CNVCLĐ, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Mạnh dạn khởi nghiệp góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động nữ thông qua Tổ hợp tác tép rang dừa.

Ảnh: Chị Diền trao đổi với đồng chí Võ Thành Hạo – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh
tại diễn đàn khởi nghiệp do tỉnh tổ chức tại Thạnh Phú
 

         Năm 2017, Ban nữ công phối hợp với công đoàn tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ 8.3, Phụ nữ Việt Nam 20.10, Quốc tế thiếu nhi 01.6 và Tết trung thu cho thiếu nhi. Tạo điều kiện thuận lợi cho nữ công đoàn viên học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Quan tâm động viên nữ công đoàn viên tự tin, chủ động khắc phục khó khăn, nỗ lực đạt nhiều thành tích.

         Đồng thời, thực hiện tốt các chế độ chính sách như: nghỉ việc, bệnh tật, thai sản,… Vận động nữ CNVCLĐ duy trì quỹ tương trợ tại cơ quan nhằm hỗ trợ vốn cho chị em cơ quan, phát triển kinh tế gia đình, chị Diền cho biết: “Một tháng mỗi chị đóng góp 01 triệu đồng, tổng cộng được trên 10 triệu xoay vòng giúp đỡ các chị khó khăn trước. Qua nguồn vốn này giúp ích rất nhiều cho các chị em trong phát triển kinh tế gia đình”.

         Đặc biệt, xuất phát từ điều kiện thực tế ở địa phương và nhu cầu việc làm của lao động nữ nhàn rỗi. Cùng sự giúp đỡ chính quyền, đoàn thể các cấp, đầu năm 2017 Tổ hợp tác tép rang dừa Mỹ Hưng đã được thành lập ban đầu có 20 chị tham gia; trong đó có 10 hộ nghèo, cận nghèo. Thể hiện sự quyết tâm cao của các thành viên trong tổ với mong muốn đưa thương thiệu tép rang dừa vươn xa, trong đó đầu tàu là chị Trần Thị Diền. Thời gian đầu, đầu ra sản phẩm còn hạn chế do chưa được nhiều người biết đến, để quảng bá sản phẩm các chị không ngại khó đến các hội chợ, khu du lịch để chào hàng.

         Đến nay, sản phẩm đã được nhiều người biết đến, cơ sở tép rang dừa Mỹ Hưng đã được Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Bến Tre cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Đây là điều kiện quan trọng, có tính quyết định để nâng tầm thương hiệu và đưa sản phẩm tép rang dừa đi xa hơn. Hiện tổ đã hoàn thiện các hồ sơ để đưa sản phẩm tép rang dừa vào hệ thống các siêu thị trong và ngoài tỉnh. Việc Ban quản lý tổ được mời tham gia các hội thảo về khởi nghiệp do tỉnh, huyện tổ chức giúp tổ tìm ra nhiều hướng đi mới. Cùng với đó, tổ được ban, ngành tỉnh hỗ trợ xây dựng cơ sở sản xuất, thiết bị máy móc để sản xuất thành phẩm, đầu tiên sản phẩm làm xong để vào keo mủ thời gian bảo quản không lâu, nay tổ có ý tưởng để vào bịt và hút chân không nên sản phẩm sử dụng được lâu hơn, khoảng 30 ngày.

         Cơ sở hiện hoạt động theo đơn đặt hàng và con nước, mỗi tháng bán ra thị trường dao động từ 50 đến 100kg, góp phần tạo thêm thu nhập cho thành viên. Đây là mô hình hay, thể hiện sự năng động, sáng tạo gắn với thực tế địa phương. Giá trị mô hình là thắp lửa cho hộ nghèo, cận nghèo, có ý chí vươn lên thoát nghèo bền vững, đồng thời giải quyết việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi. Nói về điều này Chị Diền cho biết thêm: “Ở tại địa phương mình con tép thiên nhiên rất dồi dào, dừa có chất lượng. Tuy nhiên, sản phẩm tép rang dừa chưa có trên thị trường nên chị em mới có ý tưởng này, đồng thời cố gắng kết nối với các cơ sở, doanh nghiệp để người tiêu dùng biết đến sản phẩm của mình”.

         Bà Nguyễn Thị Cà, 56 tuổi gắn bó với cơ sở ngay thời gian đầu thành lập, chia sẻ: “Ở dưới Dì Diền mở ra làm tép cũng tham gia vô mần, thì thấy cũng được, sáng tranh thủ lo mọi việc trong gia đình rồi đi làm, mỗi ngày kiếm cũng được năm, bảy chục ngàn”.

Hiện nay, Tổ hợp tác tép rang dừa Mỹ Hưng là thành viên Hợp tác xã dịch vụ thương mại hương dừa xanh của Hội LHPN tỉnh, qua đây góp phần nâng cao giá trị bền vững cho sản phẩm, tiếp cận được nhiều đối tác và mở rộng thị trường. Niềm vinh dự lớn đối với chị Diền là cùng nằm trong nhóm sáng kiến của tỉnh do đồng chí Võ Thành Hạo – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng nhóm về “Xây dựng mô hình kinh tế tập thể cho sản phẩm tép rang dừa” đã được UBND tỉnh ra quyết định công nhận sáng kiến cấp tỉnh.

         Bên cạnh đó, tổ duy trì tốt các mô hình tiết kiệm như “nuôi heo đất”, mô hình “Phụ nữ đảm đang”, “Thùng xanh chứa nước sạch”, hỗ trợ thành viên gặp khó khăn, giới thiệu các chị nghèo, cận nghèo tiếp cận vốn vay Ngân hàng chính sách Xã hội huyện để chăn nuôi, mua bán,... trong năm, có 01 hộ thoát nghèo.

         Chị Diền cho biết: để phục vụ cho thị trường Tết nguyên đán Mậu Tuất 2018, cơ sở có ý định đưa ra 02 sản phẩm mới là tôm khô và mắm tép phục vụ nhu cầu người tiêu dùng, qua đó tạo thêm việc làm cho thành viên trong tổ./.

Văn Minh