Sáng 9/7, tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (Hà Nội) đã diễn ra Lễ khai mạc Triển lãm bản đồ và tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam- Những bằng chứng lịch sử". Gần 150 bản đồ và nhiều tư liệu, văn bản, hiện vật và ấn phẩm được trưng bày là tập hợp các nguồn tư liệu đã được công bố từ trước đến nay của các nhà nghiên cứu, học giả ở trong nước và quốc tế, là bằng chứng lịch sử và pháp lý chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông.
Ông Lê Văn Nghiêm, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại - Bộ Thông tin và Truyền thông, Trưởng Ban tổ chức đã có bài phát biểu về việc cung cấp các nguồn tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách hệ thống và chuẩn xác. Điều này sẽ góp phần nêu cao tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của mọi người dân, đặc biệt là tầng lớp thanh thiếu niên trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo. Vietnam.vn xin trân trọng giới thiệu bài phát biểu:
Trên cơ sở kết quả các cuộc triển lãm đã được tổ chức tại Đà Nẵng đầu năm nay và tại Hà Tĩnh đầu tháng trước, lần này, tại Thủ đô Hà Nội, nội dung triển lãm được mở rộng và chú giải rõ ràng, đầy đủ hơn, có thêm phần chú giải bằng tiếng Anh và tiếng Trung, nhằm cung cấp các nguồn tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách hệ thống và chuẩn xác, góp phần nêu cao tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của mọi người dân, đặc biệt là tầng lớp thanh thiếu niên trong sứ mệnh bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Ông Lê Văn Nghiêm phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm
Lịch sử Việt Nam được mở đầu bằng sự ra đời của 3 vương quốc cổ đại đầu tiên là Văn Lang-Âu Lạc, Lâm Ấp-Chămpa và Phù Nam. Các vương quốc này cùng có chung một dải Biển Đông và biển luôn giữ vai trò quyết định đến sự hưng vong của vương quốc. Sau khi kết thúc 1000 năm đô hộ của phương Bắc, các vương triều Lý, Trần, Lê, Nguyễn từng bước mở rộng lãnh thổ xuống phía nam, dần dần hình thành lãnh thổ, lãnh hải của nước Việt Nam thống nhất. Năm 1490, vua Lê Thánh Tông cho vẽ bộ Hồng Đức bản đồ gồm 13 xứ thừa tuyên, có vùng duyên hải chạy dài đến núi Thạch Bi (Khánh Hòa) và biển, đảo tỏa ra khắp Đông Hải (Biển Đông). Giữa Biển Đông có một địa danh mới được đánh dấu là Bãi Cát Vàng. Đầu thế kỷ XVII, chúa Nguyễn Phúc Nguyên mở rộng lãnh thổ xuống miền Đông Nam Bộ, đặt ra đội Hoàng Sa để khai thác và quản lý khu vực Bãi Cát Vàng. Đến cuối thế kỷ XVII, Chúa Nguyễn Phúc Chu chính thức xác lập quyền quản lý về mặt nhà nước đối với miền Đông Nam Bộ và tiến ra chiếm lĩnh khu vực nam Biển Đông. Năm 1711, sau khi tiếp nhận vùng đất Hà Tiên, chúa Nguyễn Phúc Chu giao cho Mạc Cửu tổ chức khảo sát, đo vẽ và quản lý Trường Sa hải chử (tức là quần đảo Trường Sa ngày nay).
Như vậy, đến đầu thế kỷ XVIII, chủ quyền Việt Nam đã mở rộng đến tận Hà Tiên và mũi Cà Mau, bao gồm cả các hải đảo trên Biển Đông và Vịnh Thái Lan. Lúc này, bên cạnh đội Hoàng Sa, chúa Nguyễn còn đặt thêm đội Bắc Hải để phối hợp khai thác hoá vật, kiểm tra, kiểm soát, thực thi chủ quyền của Việt Nam trên toàn bộ khu vực biển đảo rộng lớn này.
Năm 1802, vua Gia Long lập ra vương triều Nguyễn, cai quản một nước Việt Nam thống nhất và rộng dài như ngày nay. Năm sau, ông cho tái lập các đội Hoàng Sa, Bắc Hải và đến năm 1816, bằng các hoạt động liên tục thăm dò đường biển, thực thi chủ quyền một cách kiên quyết và đồng bộ, ông đã cắm một cột mốc lớn trong lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa. Giám mục Jean Louis Taberd xác nhận: "Vào năm 1816, nhà vua đã tới long trọng cắm lá cờ của mình và đã chính thức giữ chủ quyền ở các bãi đá này, mà chắc chắn là sẽ không có một ai tìm cách tranh giành với ông ta". Ông cũng đồng thời xuất bản An Nam đại quốc hoạ đồ đánh dấu một cách tuyệt đối chính xác Paracel hay Bãi Cát Vàng trên bản đồ Việt Nam, mà không ai có thể phủ nhận hay xuyên tạc được.
Các đội Hoàng Sa, Bắc Hải hoạt động mạnh và hiệu quả dưới thời Gia Long cho đến đầu thập kỷ 20 của thế kỷ XIX thì được sáp nhập vào đội Thủy quân của triều đình Minh Mệnh. Đội Thủy quân là đội quân chính quy của nhà nước, hoạt động trên toàn tuyến biển đảo của nước Việt Nam thống nhất.
Vua Minh Mệnh đã đưa hoạt động chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa lên đỉnh cao nhất của thời quân chủ với các hình thức và biện pháp như vãng thám, kiểm tra, kiểm soát, khai thác hóa vật và hải sản, tổ chức thu thuế và cứu hộ tàu bị nạn, khảo sát đo vẽ bản đồ, dựng miếu thờ, lập bia chủ quyền, trồng cây để cho người qua lại dễ nhận biết... Mỗi chuyến ra đi Hoàng Sa, Trường Sa đều có quyết định của triều đình và nhiều khi chính nhà vua trực tiếp quyết định việc có cho thuyền ra khơi ngay, hay tạm dừng lại. Sau khi kết thúc công việc, thuyền phải chạy thẳng về kinh đô báo cáo tình hình, khai nộp hóa vật, hải vật. Nhà vua thông qua Bộ Công để kiểm tra, đánh giá, luận công, định tội, thưởng phạt nghiêm minh.
Bước sang các đời vua Thiệu Trị, Tự Đức, các hoạt động chủ quyền này vẫn được duy trì nhưng không được thường xuyên như trước, khi vương triều và đất nước không còn giữ được nền độc lập.
Năm 1909, lợi dụng hoàn cảnh Việt Nam đang bị mất chủ quyền và thực dân Pháp chiếm giữ chủ quyền của Việt Nam lại chưa có điều kiện quan tâm đến Hoàng Sa, Trường Sa, Trung Quốc lần đầu tiên cho người ra Hoàng Sa, tự phong là kẻ có công "phát hiện" và tùy tiện đặt tên mới cho các đảo, mở đầu giai đoạn tranh chấp trên Biển Đông kéo dài cho đến tận ngày nay.
Bộ tư liệu về lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa hết sức phong phú, đa dạng, là toàn bộ nội dung và chất liệu của cuộc triển lãm. Tuy nhiên, trong cuộc triển lãm này, chúng tôi không thể giới thiệu toàn bộ các nguồn tư liệu đã tập hợp được, mà xin tập trung vào giai đoạn từ đầu thế kỷ XVII cho đến cuối thế kỷ XIX là thời kỳ Việt Nam khẳng định và thực thi chủ quyền của mình ở Hoàng Sa và Trường Sa một cách trọn vẹn trong hòa bình. Tư liệu ở các giai đoạn trước thế kỷ XVII và sau thế kỷ XIX chỉ được giới thiệu ở mức độ cần thiết và hợp lý, vừa làm cơ sở để người xem hiểu rõ ngọn nguồn lịch sử chủ quyền của Việt Nam, vừa khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa vẫn được các thế hệ người Việt Nam gìn giữ, tiếp nối, với quyết tâm bảo vệ đến cùng mỗi tấc đất, tấc biển của tổ tông, bất chấp những diễn biến phức tạp và khó khăn khôn lường của tình hình thực tế.
Mảng tư liệu của Việt Nam, chúng tôi nhấn mạnh vào các thư tịch, bản đồ và tài liệu có tính chất chính thức của nhà nước như châu bản triều Nguyễn, các bộ chính sử, địa lý lịch sử, các công văn, giấy tờ hay ghi chép của các quan chức, viên chức, học giả đang thực thi công vụ của nhà nước.
Mảng tư liệu của Trung Quốc, chúng tôi chỉ chọn giới thiệu một số bản đồ và 3 tập atlas khẳng định ranh giới cực nam của Trung Quốc không vượt quá đảo Hải Nam; một số tài liệu khác trực tiếp hay gián tiếp xác định các quần đảo giữa Biển Đông không thuộc về Trung Quốc mà thuộc quyền cai quản của An Nam.
Các tư liệu được chú thích bằng tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Trung Quốc
Mảng tư liệu bản đồ và thư tịch cổ phương Tây, tuy sưu tập chưa hết, cũng đã có đến vài trăm bản. Chúng tôi không có tham vọng giới thiệu được toàn bộ, mà chỉ nêu mấy nét khái quát làm cơ sở đi sâu giới thiệu một số bản đồ tiêu biểu cho mỗi giai đoạn nhận thức về Biển Đông, về Paracels và mối quan hệ hữu cơ giữa Paracels và vùng duyên hải Đàng Trong, cũng như các tư liệu xác nhận một cách rõ ràng chủ quyền của Việt Nam ở trên vùng các quần đảo này của các nhà hàng hải, thương nhân và chuyên gia bản đồ phương Tây.
Các nguồn bản đồ và tư liệu Việt Nam, Trung Quốc và phương Tây được đặt cùng nhau, có thể dễ dàng kiểm chứng và bổ sung cho nhau, làm tăng thêm độ chuẩn xác và giá trị của mỗi bản đồ, tư liệu cũng như toàn bộ bộ bản đồ, tư liệu trưng bày trong triển lãm, góp phần khẳng định một thực tế lịch sử khách quan là trong nhiều thế kỷ liên tục, các nhà nước quân chủ Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền của mình ở Hoàng Sa và Trường Sa một cách thực sự, đầy đủ và không hề gặp phải sự phản đối hay tranh chấp của bất cứ một quốc gia nào. Quá trình thiết lập chủ quyền của Nhà nước trên một lãnh thổ vô chủ, nhằm mục đích mở rộng lãnh thổ quốc gia như vậy là hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ của luật pháp quốc tế./.
Nguồn: vietnam.vn