Site banner

Đảng bộ và nhân dân Bến Tre phát huy mạnh mẽ tinh thần Đồng khởi năm xưa để làm nên cuộc “Đồng khởi mới”

(Trích phát biểu của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tại phiên khai mạc Đại hội X Đảng bộ tỉnh, diễn ra vào ngày 13-10-2015)

Thực hiện Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam và Chỉ thị số 36-CT/TW, ngày 30-5-2014 của Bộ Chính trị, Bến Tre long trọng tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020. 

Thay mặt Bộ Chính trị và Ban Bí thư, tôi nhiệt liệt chào mừng quý đại biểu về dự đại hội và xin gửi đến các đồng chí lão thành cách mạng, các bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động cùng toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Bến Tre những tình cảm chân thành và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng là sự kiện chính trị quan trọng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, có ý nghĩa quyết định đối với việc định hướng phát triển của từng ngành, từng địa phương và cả nước trong thời gian tới. Đại hội của Đảng bộ tỉnh Bến Tre là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng bộ, có nhiệm vụ trọng đại là đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội trong nhiệm kỳ qua, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển tỉnh nhà trong 5 năm tới. Đại hội còn có trách nhiệm lựa chọn những cán bộ, đảng viên tiêu biểu có đủ đức, tài bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 và bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. 

Quá trình chuẩn bị Đại hội của Đảng bộ tỉnh Bến Tre đã được sự chỉ đạo, góp ý của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các ban, bộ, ngành Trung ương. Toàn bộ công tác chuẩn bị đại hội thực hiện đúng quy định, quy trình, nghiêm túc và chu đáo. Các văn kiện trình đại hội thể hiện quan điểm nhìn thẳng sự thật, đánh giá đúng sự thật, phản ánh đúng thực tế khách quan và cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo trong dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng.

 Bộ Chính trị đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn quân và nhân dân Bến Tre đã vượt qua những khó khăn, thách thức trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp; duy trì sự phát triển khá ổn định và toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị. Theo dõi xuyên suốt tình hình của Bến Tre qua gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước, nhất là 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội IX của Đảng bộ tỉnh, Bến Tre có bước “chuyển mình” nhanh chóng, có bứt phá đi lên. 5 năm qua, kinh tế tăng trưởng bình quân 7,3%/năm. Từ một tỉnh thuần nông, điểm xuất phát thấp với địa hình cách trở của tỉnh cù lao, đến nay, cơ cấu kinh tế của tỉnh đã có bước chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng nông nghiệp trong GDP giảm dần từ gần 45% năm 2011 còn gần 38% năm 2015 và tỷ trọng công nghiệp tăng từ gần 14% lên gần 18%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 gấp 1,66 lần năm 2010.

Đồng chí Võ Thành Hạo (bên trái) tặng hoa cho đồng chí Nguyễn Thiện Nhân. 
Ảnh: Song Lý

Có thể khẳng định, thành quả nổi bật của Bến Tre trong thời gian qua đã tạo nên cục diện mới cho quá trình phát triển trong nhiệm kỳ tới là phát triển hệ thống giao thông trong tỉnh và kết nối tỉnh với vùng khá hoàn chỉnh, phục vụ tốt cho phát triển kinh tế - xã hội. Hai khu công nghiệp Giao Long và An Hiệp đã lấp đầy, các cụm công nghiệp Phong Nẫm và An Đức sắp hoàn thành hạ tầng. Điều đáng ghi nhận là, hầu hết các chỉ tiêu về văn hóa - xã hội (về giáo dục, y tế, lao động, việc làm…) đều nằm trong tốp đầu của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, một số chỉ tiêu nằm trong tốp khá so với bình quân cả nước, là nhân tố quan trọng góp phần ổn định chính trị, xã hội của tỉnh.

Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản được giữ vững; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có sự chuyển biến tích cực, nhất là trong triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị. Qua đó, hệ thống chính trị từng bước được kiện toàn, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng được nâng lên; hiệu lực, hiệu quả điều hành của bộ máy Nhà nước ngày càng vào nề nếp; vai trò của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể được phát huy; dân chủ trong Đảng, trong xã hội ngày càng mở rộng, tạo được sự đồng thuận của nhân dân trong tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Thành quả trên gắn liền với trách nhiệm lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa IX, thể hiện sự năng động, sáng tạo trong việc vận dụng, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và các Nghị quyết của Trung ương phù hợp với thực tế của địa phương; huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh nhà.

Thay mặt Bộ Chính trị, tôi xin nhiệt liệt chúc mừng và đánh giá cao những thành tựu quan trọng, khá toàn diện mà Đảng bộ và nhân dân Bến Tre đã đạt được trong thời gian qua.

Bộ Chính trị nhất trí và hoan nghênh thái độ nghiêm túc, thẳng thắn, cầu thị của Đảng bộ tỉnh trong đánh giá, nhìn nhận những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm mà Báo cáo chính trị và Báo cáo kiểm điểm tự phê bình của Ban Chấp hành đã nêu. Đó là Bến Tre vẫn còn là tỉnh nghèo, trình độ phát triển kinh tế còn thấp với thu nhập bình quân đầu người 34,7 triệu đồng/năm, đứng thứ 11/13 tỉnh, thành trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và bằng 50% so với bình quân chung cả nước. Kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 7/13 tỉnh, thành trong khu vực. Chưa tạo được sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chủ lực. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, từ 12,6% năm 2011 xuống còn 5,5% năm 2015, nhưng chưa bền vững, vẫn còn cao so với mức bình quân toàn vùng là 4,4%.

***

Bài toán phát triển của Bến Tre đang đặt ra là: Trong khi nguồn lực về vốn của tỉnh và trong nhân dân còn hạn chế, làm sao Bến Tre tăng tốc phát triển, thu hẹp khoảng cách mức sống so với các tỉnh trong vùng và cả nước. So với kế hoạch phát triển kinh tế 2011-2015, tăng trưởng kinh tế đạt 7,3%, bằng 52% chỉ tiêu là 13%/năm. Vì sao như vậy? Thiếu vốn đúng là nguyên nhân đầu tiên. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm của tỉnh là 58.103 tỷ đồng, so với chỉ tiêu kế hoạch 70 ngàn tỷ đạt 83%. Tỷ trọng vốn đầu tư so với tổng sản phẩm nội địa của tỉnh đạt bình quân 40,6%, bằng 95% chỉ tiêu kế hoạch là 42,6%. Như vậy thiếu vốn là một nguyên nhân cơ bản của tình trạng phát triển kinh tế chậm, song không phải là tất cả vì trong khi huy động vốn cho phát triển đạt từ 83 - 95% kế hoạch, thì tăng trưởng chỉ đạt 52%, tức là hơn một nửa kế hoạch. Như vậy, nguyên nhân tăng trưởng thấp còn nằm một phần quan trọng ở chỗ khác.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã xác định đổi mới mô hình tăng trưởng là một giải pháp quan trọng để phát triển nhanh và bền vững. Theo quan niệm lâu nay, tăng trưởng của một ngành kinh tế phụ thuộc vào tăng trưởng vốn, tăng trưởng đất và lao động được sử dụng ở ngành kinh tế đó. Đó là mô hình tăng trưởng theo chiều rộng. Thêm vốn, thêm đất, thêm người là tăng trưởng kinh tế thêm. Tuy nhiên cả ba yếu tố: vốn, đất, lao động đều có hạn, do phải cạnh tranh trong nước và nước ngoài. Mặt khác, thực tế đã chỉ ra rằng có thể tăng trưởng một ngành mà không nhất thiết phải tăng nhiều vốn, tăng đất, tăng lao động. Đây chính là phương thức tăng trưởng theo chiều sâu, bằng chất lượng tăng trưởng. Thông qua nâng cao chất lượng nhân lực, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đổi mới mô hình đơn vị kinh tế cơ bản, và đổi mới chính sách, cơ chế quản lý vẫn có thể tăng trưởng một ngành kinh tế mà không nhất thiết tăng vốn, tăng đất, tăng người với quy mô lớn. Đó là mô hình tăng trưởng mới. Theo đó, tăng trưởng của một ngành kinh tế phụ thuộc 7 yếu tố sau: Tài nguyên thiên nhiên được sử dụng (đất, rừng, biển, khoáng sản, thời tiết); Vốn; Số lượng lao động được sử dụng; Chất lượng lao động; Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ; Mô hình đơn vị kinh tế cơ bản (doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ cá thể); Cơ chế quản lý, chính sách kinh tế.

Trong mô hình tăng trưởng mới, yếu tố con người là quyết định. Đó là chất lượng lao động (lao động kinh tế, kỹ thuật, lao động quản lý và lãnh đạo…), sử dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, phát huy các mô hình đơn vị kinh tế cơ bản một cách phù hợp, đổi mới cơ chế quản lý và chính sách kinh tế. Điều này cũng phù hợp với thế mạnh của Bến Tre là nguồn nhân lực - những con người sáng tạo và có ý chí tiến công quyết liệt - con người của Đồng Khởi.

Theo yêu cầu của mô hình tăng trưởng mới mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đặt ra, để tăng trưởng cao hơn không chỉ cần sử dụng nhiều hơn 3 yếu tố đầu vào là tài nguyên thiên nhiên, vốn và số lượng lao động, mà phải sử dụng nhiều hơn, hiệu quả hơn đồng thời 4 yếu tố đầu vào khác là: chất lượng lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, hình thành các đơn vị sản xuất cơ bản hoạt động hiệu quả cao (nhất là các hợp tác xã, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần và công ty có vốn đầu tư nước ngoài) và có cơ chế quản lý, chính sách kinh tế phù hợp. Vấn đề đặt ra không chỉ là phát huy 7 yếu tố đầu vào một cách riêng lẻ mà quan trọng hơn là phát huy một cách đồng bộ ở cấp tỉnh và trong mỗi đơn vị sản xuất, kinh doanh.

Thước đo đầu ra của mô hình tăng trưởng mới là năng suất lao động: mỗi lao động tạo ra được giá trị gia tăng bao nhiêu? Nhưng chính ở đây, có lẽ lãnh đạo tỉnh Bến Tre chưa quan tâm đúng mức vì trong Báo cáo chính trị và các phụ lục kèm theo không có chỗ nào nhắc đến năng suất lao động của cả nền kinh tế cũng như với từng ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ của tỉnh. Chúng ta chưa biết năng suất lao động của mỗi ngành kinh tế ở Bến Tre là bao nhiêu và kế hoạch phát triển 2015-2020 không chỉ có chỉ tiêu năng suất lao động. Tôi thiết tha đề nghị các đại biểu thảo luận về hiện trạng năng suất lao động của Bến Tre so với giai đoạn trước 2005-2010 và so với các tỉnh trong vùng hiện nay và xác định chỉ tiêu năng suất lao động cho giai đoạn 2015-2020.

Một nguyên nhân của năng suất lao động và hiệu quả kinh tế còn thấp trong nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của Bến Tre, theo tôi có thể là mô hình đơn vị sản xuất cơ bản trong nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp không phù hợp. Báo cáo chính trị và các phụ lục kèm theo chưa chỉ rõ bao nhiêu phần trăm hộ nông dân và hộ sản xuất làng nghề, tiểu thủ công nghiệp là hộ sản xuất cá thể, độc lập, bao nhiêu phần trăm các hộ đã tham gia hợp tác xã kiểu mới theo Luật Hợp tác xã 2012.

Chừng nào mà đa số các hộ nông dân còn sản xuất đơn lẻ, quy mô sản xuất nhỏ vài ngàn mét vuông đất nông nghiệp một hộ, mỗi hộ chỉ có 2 - 3 lao động, không có vốn, không có chứng nhận chất lượng sản phẩm thì các hộ nông dân vẫn mãi là các hộ yếu thế trong cạnh tranh thị trường, sản xuất bị động, hiệu quả thấp. Báo cáo chính trị của đại hội đã nêu: “Tái cơ cấu nông nghiệp còn lúng túng, nông nghiệp phát triển nhưng chưa bền vững”. Lúng túng ở đây có lẽ là không dứt khoát về nhận thức: muốn tái cơ cấu nông nghiệp, muốn nông dân làm ăn hiệu quả cao hơn, làm giàu thì phải dứt khoát từ bỏ mô hình sản xuất hộ cá thể riêng lẻ, không liên kết, mà phải chuyển sang liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, mà bước đi đầu tiên, quan trọng nhất là phải hình thành các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới theo Luật Hợp tác xã 2012.

Một bộ phận nhỏ các hộ nông dân có thể tìm được các doanh nghiệp để sản xuất theo hợp đồng của các doanh nghiệp. Đây là điều cần khuyến khích. Tuy nhiên tỷ lệ các hộ nông dân này không cao do số doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp còn rất ít và khả năng của các doanh nghiệp còn hạn chế.

Đại đa số các hộ nông dân muốn thoát nghèo, làm giàu phải chọn mô hình khác: tự mình liên kết lại, tự mình tổ chức lại sản xuất, hình thành các hợp tác xã kiểu mới và chính các hợp tác xã này sẽ tổ chức tiêu thụ sản phẩm của hộ xã viên và liên kết với các doanh nghiệp, liên kết với các nhà khoa học, liên kết với các ngân hàng để sản xuất quy mô lớn, hiệu quả cao. Việc liên kết 4 nhà trong nông nghiệp phải dựa trên nền tảng đơn vị sản xuất cơ bản để thực hiện liên kết là các hợp tác xã, chứ không phải các hộ nông dân sản xuất riêng lẻ, yếu thế. Trong hợp tác xã kiểu mới, kinh tế hộ không bị xóa bỏ mà càng hiệu quả hơn bởi sự hỗ trợ của hợp tác xã.

Nếu các hộ nông dân muốn sản xuất và tiêu thụ theo nhu cầu thị trường thì hãy vào hợp tác xã vì chỉ hợp tác xã mới đủ sức nghiên cứu và nhu cầu thị trường là thế nào. Nếu các hộ nông dân muốn mua vật tư, giống với giá thấp, chất lượng cao, hãy vào hợp tác xã, vì chỉ hợp tác xã mua với quy mô lớn mới có thể mua tận gốc nơi nhà sản xuất, vì vậy mua rẻ hơn và chất lượng tốt hơn.

Nếu các hộ nông dân muốn áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất nhanh, hiệu quả cao, hãy vào hợp tác xã vì hợp tác xã chính là đơn vị tiếp nhận tiến bộ khoa học công nghệ dễ dàng, thuận tiện nhất và hướng dẫn lại cho các hộ xã viên. Nếu các hộ nông dân muốn vay vốn sản xuất, hãy vào hợp tác xã, vì hợp tác xã có tư cách pháp nhân, có phương án sản xuất, kinh doanh hợp lý, sẽ là đối tác tin cậy để các ngân hàng cho vay.

Chúng ta đang bước vào giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ. Cơ hội thị trường thế giới cho sản phẩm của Việt Nam rất lớn. Song thị trường nước ngoài chỉ chấp nhận hàng hóa có chứng nhận chất lượng, có xuất xứ hàng hóa, có thương hiệu. Hàng triệu hộ nông dân riêng lẻ, với diện tích sản xuất vài ngàn mét vuông, với 2 - 3 lao động, không vốn, không thể có điều kiện đăng ký chất lượng sản phẩm, xác lập xuất xứ hàng hóa, xây dựng thương hiệu, khi mà quy mô sản xuất quá nhỏ, lại có thể thay đổi cây trồng, vật nuôi bất cứ lúc nào. Chính hợp tác xã là mô hình kinh tế cơ bản phù hợp để giúp các hộ nông dân liên kết sản xuất quy mô lớn trên chính mảnh đất của mình, không phải của hợp tác xã, để làm ra cùng một loại sản phẩm, xây dựng thương hiệu, đăng ký chất lượng sản phẩm và tiếp thị, tiêu thụ sản phẩm.

Muốn tái cơ cấu nông nghiệp thành công, thoát nghèo, làm giàu thì chính các hộ nông dân phải thay đổi tư duy, cách làm ăn, tự tổ chức lại. Không ai ở bên ngoài làm thay các hộ nông dân được. Hình thành các hợp tác xã kiểu mới theo Luật Hợp tác xã 2012 chính là con đường cơ bản để hàng vạn, hàng triệu hộ nông dân tự tổ chức lại sản xuất của mình, tự làm chủ cuộc sống của mình mà không mất đi kinh tế hộ của mình trong thời kỳ hội nhập quốc tế, cạnh tranh toàn cầu.

Tôi thiết tha đề nghị các đại biểu dành thời gian trao đổi về sự cần thiết phải chuyển mạnh, dứt khoát, từ hộ nông dân sản xuất riêng lẻ sang mô hình liên kết sản xuất qua hợp tác xã kiểu mới và liên kết với doanh nghiệp.

Bến Tre là tỉnh có tiềm năng và sản lượng dừa lớn nhất cả nước. Bến Tre và các tỉnh Nam Bộ chiếm hơn 80% sản lượng dừa cả nước. Năng suất dừa của Việt Nam vào loại cao nhất thế giới, Việt Nam là nước xuất khẩu dừa lớn thứ 2 thế giới. Nếu 163 ngàn hộ trồng dừa của Bến Tre liên kết lại, hình thành vài trăm hợp tác xã trồng và chế biến dừa, tôi tin rằng ngành Dừa Bến Tre sẽ phát triển một cách đột phá. Bến Tre sẽ là “thủ đô” dừa của Việt Nam, Việt Nam là một cường quốc dừa của thế giới.

Bên cạnh nông nghiệp thì du lịch là một ngành kinh tế mà Bến Tre có thế mạnh tiềm năng rất lớn, bắt nguồn từ tài nguyên thiên nhiên, lịch sử văn hóa và lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng của quê hương Đồng khởi.

Bến Tre đã có nhiều nỗ lực và thành tựu phát triển du lịch, sau 5 năm, lượng khách du lịch tăng gấp 2 lần, đạt 1 triệu người vào năm 2015, doanh thu gấp 2,5 lần, đạt 700 tỷ đồng. Để du lịch Bến Tre phát triển đột phá thì đổi mới mô hình phát triển du lịch là khâu quyết định. Cần có quy hoạch và chiến lược phát triển du lịch liên kết vùng, mỗi tỉnh, thành phố là một mắt xích với giá trị văn hóa du lịch địa phương đặc sắc. Tôi hoan nghênh lãnh đạo tỉnh và ngành Du lịch Bến Tre đã có bước khởi đầu quan trọng theo hướng này.

***

Báo cáo chính trị của đại hội đã khẳng định các thành tựu của Bến Tre trong việc xây dựng hệ thống Đảng và chính quyền trong sạch vững mạnh. Đây là một nguyên nhân căn bản của thành tựu kinh tế, văn hóa - xã hội mà tỉnh đạt được trong 5 năm qua. Tuy nhiên, Báo cáo cũng đề cập thẳng thắn các hạn chế, yếu kém: “Chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị chưa đồng đều; những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên chậm được khắc phục”. “Công tác quản lý, điều hành của chính quyền một số nơi hiệu lực, hiệu quả còn hạn chế, công tác cải cách hành chính và nâng cao chất lượng thực thi công vụ của đội ngũ công chức chưa đáp ứng yêu cầu; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức vi phạm pháp luật, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với chính quyền. Công tác dân vận chính quyền nhiều nơi chưa tốt”.

Tình trạng này đã có từ nhiều năm nay. Tôi đề nghị đại hội phân tích làm rõ: cần làm gì ở mỗi cơ quan quản lý nhà nước, mỗi cấp ủy xã, phường, huyện và tỉnh để đảm bảo đòi hỏi của Hiến pháp năm 2013: tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân. Phải chăng trong cơ chế hiện nay, sự đồng tình của người dân, sự hài lòng của người dân về sự phục vụ của bộ máy chính quyền và sự lãnh đạo của các cấp ủy chưa trở thành tiêu chí, điều kiện để cán bộ, công chức và cấp ủy đảng thực hiện quyền lực quản lý và lãnh đạo của mình trước nhân dân. Nên chăng chính quyền và cấp ủy đảng các cấp cần biết chính xác: nhân dân đồng tình và không đồng tình thế nào với hoạt động quản lý và lãnh đạo của mình? Nhân dân hài lòng như thế nào về sự quản lý, lãnh đạo của mình và cuộc sống của nhân dân hiện nay? Chúng ta cần tiếp tục thể chế hóa đòi hỏi của Hiến pháp năm 2013: tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và Đảng chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.

***

Tôi đồng tình cơ bản với các định hướng mục tiêu, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà giai đoạn 2015-2020. Trên cơ sở đóng góp của các đại biểu, Đại hội sẽ thông qua Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020. Trên cơ sở cụ thể hóa việc thực hiện 3 đột phá chiến lược (đột phá về thể chế kinh tế thị trường, đột phá về phát triển nhân lực và ứng dụng khoa học công nghệ, đột phá về phát triển hạ tầng) và tái cơ cấu kinh tế (tái cơ cấu ngân sách và đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu các ngành kinh tế) và thực hiện mô hình tăng trưởng mới, tôi tin tưởng rằng Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bến Tre sẽ đưa tỉnh nhà bước vào một thời kỳ phát triển mới: kinh tế tăng trưởng cao hơn và bền vững, đời sống nhân dân ngày một nâng cao, hệ thống chính trị ngày một trong sạch, vững mạnh hơn.

Một nhiệm vụ rất quan trọng của Đại hội là bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bến Tre nhiệm kỳ 2015-2020. Tôi đề nghị các đồng chí đại biểu trên cơ sở quán triệt sâu sắc tiêu chuẩn cấp ủy viên được quy định tại Chỉ thị số 36 của Bộ Chính trị; căn cứ quy chế bầu cử trong Đảng và xuất phát từ thực tiễn của Đảng bộ, đề cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, sáng suốt lựa chọn những đồng chí đủ tiêu chuẩn, thật sự xứng đáng bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ này. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh phải là trung tâm trí tuệ và trung tâm đoàn kết để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh.

***

Đồng bào Bến Tre cùng nhân dân các tỉnh miền Tây đã từ hàng trăm năm nay xây dựng nên và truyền từ đời này qua đời khác truyền thống chiến đấu và lao động kiên cường, dũng cảm và sáng tạo. Từ ngày có Đảng, người miền Tây càng trí tuệ hơn, kiên cường hơn, dũng cảm hơn, sáng tạo hơn. Tại vùng đất cực Nam của Tổ quốc, Bến Tre là nơi ngọn đuốc Đồng khởi đã được đảng viên và nhân dân thắp sáng lên trong đêm tối bạo lực và đàn áp của Mỹ, ngụy. Ngọn đuốc Đồng khởi đã lan tỏa toàn miền Nam, đốt cháy ý chí diệt cộng và hệ thống kìm kẹp của ấp chiến lược, thắp sáng tinh thần yêu nước, yêu đồng bào trong những người đứng ở phía bên kia. Ngày nay, Bến Tre và cả nước đang đứng trước vận hội mới và thách thức mới. Từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X hôm nay, tôi tin rằng, phát huy tinh thần Đồng khởi, một cuộc “Đồng khởi mới”, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, quyết liệt đổi mới mô hình tăng trưởng và thực hiện 3 đột phá, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, nâng cao đời sống nhân dân, ổn định chính trị xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh sẽ được toàn bộ đảng viên và nhân dân trong tỉnh biến thành hiện thực.

Thay mặt Bộ Chính trị, tôi xin chúc mừng những thành tựu to lớn mà Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bến Tre đã đạt được thời gian qua. Chúc đồng bào Bến Tre mãi là niềm tự hào Đồng khởi của cả nước!

N.T.N
(Nguồn baodongkhoi.com.vn)