Di sản văn hóa Hán Nôm là những thư tịch, tài liệu được viết bằng chữ Hán và chữ Nôm, là kho tàng văn hóa thành văn vô cùng phong phú của nước ta. Di sản văn hóa Hán Nôm đã trở thành một bộ phận quan trọng trong hệ thống di sản văn hóa quý giá của dân tộc, là sợi dây liên kết giữa quá khứ với hiện tại, là nguồn tư liệu quan trọng giúp cho thế hệ hôm nay và mai sau có cơ hội tìm hiểu về cội nguồn lịch sử, văn hóa của dân tộc.
Ở Bến Tre, di sản văn hóa Hán Nôm còn lại khá nhiều, nhưng chúng nằm rải rác tại các đình chùa, lăng miếu, và trong gia đình của người dân. Hiện nay, khối tài liệu này đang đứng trước nguy cơ bị thất thoát nên việc bảo tồn và khai thác chúng một cách có hiệu quả là việc làm hết sức cấp thiết, nhằm góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Căn cứ vào các ký tự lạ được khắc trên rìu đồng, trống đồng, lưỡi cày đồng thuộc nền văn hóa Đông Sơn và trên vách đá cổ ở Sapa, các nhà nghiên cứu cho rằng, trước thời Bắc thuộc, người Việt đã có chữ viết gọi là chữ khoa đẩu thuộc văn tự ghi âm. Đến năm 111 trước Công nguyên, nhà Hán đô hộ nước ta, và từ đó người Việt đã tiếp nhận chữ Hán. Phải đến thế kỷ 13, nhân dân ta đã vận dụng chữ Hán để sáng tạo ra chữ Nôm, rồi chữ Nôm theo thời gian thịnh hành và phát triển song song cùng chữ Hán. Đến cuối thế kỷ 19, văn hóa phương Tây xâm nhập mạnh mẽ vào đời sống của người dân nước ta, chữ La-tinh, chữ Pháp dần dần thay thế chữ Hán và chữ Nôm.
Hiện nay nguồn thư tịch Hán Nôm ở nước ta còn lại khá nhiều, trong đó, Bến Tre tuy là vùng đất mới được hình thành vào thế kỷ 17, nhưng lại là một trong những tỉnh thành ở Nam bộ có nhiều danh nhân đã có nhiều đóng góp cho nền lịch sử, văn hóa của dân tộc như: Phan Thanh Giản, Phan Ngọc Tòng, Trương Vĩnh Ký, Võ Trường Toản, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Quyền, Trương Gia Mô,… Nhiều nhà nghiên cứu nhận định, đất học Bến Tre đã hun đúc lên những dòng họ khoa bảng và họ đã để lại nơi đây nguồn tư liệu Hán Nôm vô cùng có giá trị. Tuy nhiên, chiến tranh và thời gian đã làm cho nhiều di sản Hán Nôm ở Bến Tre bị hủy hoại theo thời gian.
Có thể nói, những tư liệu Hán Nôm hiện còn lưu lại trên mảnh đất Bến Tre rất phong phú và đa dạng từ hình thức thể hiện đến nội dung, gồm sắc phong thần cho các đình làng, điền bạ, trát văn, gia phả, đơn khai, văn tế, văn cúng, di chúc, thơ văn, văn bia, văn chuông, hoành phi, câu đối, mộc bản,... phần nào đã phản ánh rõ nét tư duy khoa học, văn học nghệ thuật, tổ chức làng xã cũng như sinh hoạt xã hội của các bậc tiền nhân. Những thư tịch Hán Nôm được viết hoặc khắc theo 4 kiểu chữ cơ bản là chữ triện, chữ lệ, chữ hành và chữ thảo trên các chất liệu đá, đồng, vải, gỗ, giấy,… Đây chính là nguồn là di sản văn hóa thành văn vô cùng quí báu mà những bậc tiền nhân ở Bến Tre để lại.
Ngày nay, bước vào những di tích cổ ở Bến Tre như các đình, chùa, lăng, miếu, hội quán, nhà cổ,… hầu như chúng ta đều bắt gặp những di sản văn hóa Hán Nôm. Những bức hoành phi, liễn đối, cuốn thư được viết với lối phóng bút mềm mại như thể rồng bay phượng múa hoặc kiểu chữ chân phương sắc sảo, thể hiện ước vọng của người xưa về một cuộc sống ấm no, yên vui, hạnh phúc. Hoặc qua các gia phả, sắc phong, tranh vẽ đã ngả màu theo năm tháng với màu giấy dó ố vàng rất mộc mạc, giản đơn nhưng những nét chữ viết bằng mực Tàu còn nổi bật trên nền giấy cũng toát lên được cái hồn của nó, tạo cho chúng ta sự tò mò muốn tìm về cội nguồn của những thư tịch cổ này.
Một thực tế hiện nay, tại các đình chùa, lăng miếu, gia đình người dân, số người biết đọc chữ Hán, chữ Nôm còn lại không nhiều. Nhiều di tích lưu giữ trong mình một khối lượng di sản Hán Nôm đồ sộ nhưng để giải mã ý nghĩa của nó thật khó khăn, nên ảnh hưởng đến việc bảo tồn và trùng tu di tích, cũng như phục vụ khách tham quan muốn tìm hiểu về vùng đất và con người Bến Tre. Trước thực trạng đó, nhiều năm qua, một số nhà nghiên cứu đã có những nổ lực trong việc biên dịch và giới thiệu văn hóa Hán Nôm ở Bến Tre trên những phương tiện thông tin đại chúng, nhưng vẫn còn rời rạc chưa tập trung nghiên cứu một cách có hệ thống, chưa tương xứng với nguồn tư liệu vốn có và lòng mong đợi của người dân Bến Tre. Tuy vậy, phần nào cũng đã để lại những giá trị nhất định về mặt học thuật, giúp cho việc nghiên cứu về lịch sử cũng như văn hóa của tỉnh được tốt hơn.
Là di sản văn hóa vô cùng có giá trị, thế nhưng đến nay, Bảo tàng Bến Tre cũng chỉ lưu giữ được một số tài liệu Hán Nôm thông qua các bản chụp sắc phong và liễn đối tại các di tích. Bởi lẽ, đây là nguồn tư liệu cổ xưa, hiếm quí nên những người làm công tác bảo tồn rất khó trong việc tiếp cận và sưu tầm, nhiều đình chùa, dòng họ coi chúng là bảo vật truyền đời, nên không hiến tặng hoặc bán. Ngoài những tư liệu Hán Nôm được khắc trên các chất liệu cứng thì những tư liệu còn lại được viết trên giấy, trên vải như các sắc phong thần đều được xếp cẩn thận vào tráp rồi khóa lại cất giấu kỹ hoặc để trên bàn thờ, đến ngày vía thần tại đền miếu mới được mở ra. Do đó, nếu không thiết lập được mối quan hệ với ban quý tế của các đình làng, tộc họ và cá nhân lưu giữ tài liệu Hán Nôm, không có kế hoạch sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, thì nhiều tài liệu cổ ở Bến Tre sẽ có nguy cơ bị biến mất.
Trước tình hình đó, công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản Hán Nôm trên địa bàn tỉnh là vấn đề hết sức cấp thiết. Để bảo tồn di sản Hán Nôm này, Bảo tàng tỉnh, Ban Quản lý di tích, Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tỉnh cần tiến hành nghiên cứu, thống kê chi tiết và toàn bộ di sản Hán Nôm ở Bến Tre. Tiếp tục sưu tầm di sản Hán Nôm trong dân gian để phân loại, xếp hạng, nhận diện loại hình nào có nguy cơ mất mát, hư hỏng, kịp thời đề ra cách thức bảo tồn và phát huy một cách hợp lý. Bên cạnh đó, cần hướng dẫn về nghiệp vụ chuyên môn cho chủ sở hữu di sản Hán Nôm trong việc bảo quản, lưu giữ di sản để hạn chế tình trạng hư hỏng trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt.
Đi đôi với việc thống kê nắm bắt thông tin về sự tồn tại của các loại hình di sản Hán Nôm trong dân gian, các cơ quan có chức năng bảo tồn cần có nguồn tài chính nhất định để mua các văn bản gốc hoặc nhân bản, sao chép lại theo phương pháp truyền thống để bảo quản lâu dài. Phần lớn các tư liệu Hán Nôm ở Bến Tre hiện nay đang đứng trước nguy cơ hư hại bởi thời tiết và thời gian do chưa có phương pháp khoa học tối ưu để bảo quản. Đa số các sắc phong đựng trong ống tre, hộp gỗ, do đó việc bảo tồn lâu dài bằng công nghệ thông tin qua việc tư liệu hóa, số hóa, sử dụng bản mã chuẩn quốc tế là việc làm cấp thiết. Bên cạnh đó cần biên dịch toàn bộ tư liệu Hán Nôm hiện có ra chữ Quốc ngữ để phục vụ đông đảo các tầng lớp nhân dân, nhất là giới trẻ để họ nắm được những nội dung trong tư liệu Hán Nôm nhằm nâng cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Đặc biệt các hoành phi, câu đối, gia phả chứa đựng tính chất triết lý về cuộc sống nhân nghĩa, hướng con người đến các giá trị chân, thiện, mỹ vẫn còn nguyên giá trị trong cuộc sống hôm nay.
Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hán Nôm, tỉnh Bến Tre cần có chính sách đào tạo, khuyến khích những người làm công tác quản lý, nghiên cứu, sưu tầm văn hóa Hán Nôm. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ làm công tác Bảo tồn - Bảo tàng phải được đào tạo, trang bị kiến thức Hán Nôm ở một trình độ nhất định, để khi tiếp cận loại hình di sản này ít ra phải đọc được nội dung cơ bản, biết được giá trị của từng tư liệu. Các cơ quan quản lý Nhà nước như Sở Khoa học Công nghệ cũng cần triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học có nội dung đề cập di sản Hán Nôm trên địa bàn tỉnh. Có như vậy, công tác bảo tồn các di sản Hán Nôm ở Bến Tre mới được tiến hành đồng bộ và có cơ sở vững chắc, tránh việc bỏ sót nhiều tư liệu quý.
Di sản văn hóa Hán Nôm ở Bến Tre ngày càng bị đe dọa. Vì thế, việc bảo tồn di sản văn hóa Hán Nôm chính là bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc nói chung, Bến Tre nói riêng. Hơn nữa, việc nghiên cứu Hán Nôm còn biểu lộ sự trân trọng đối với di sản tinh thần của các bậc tiền nhân để lại, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong tiến trình nước ta hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới. Mặt khác, những thành tựu của nghiên cứu Hán Nôm ở Bến Tre sẽ là cơ sở khoa học và là tư liệu cần thiết cho các ngành nghiên cứu văn học, ngôn ngữ, lịch sử, văn hóa và những ai có nhu cầu tìm hiểu về đất và người Bến Tre trong lịch sử.
Việc nghiên cứu bảo tồn di sản văn hóa Hán Nôm trong tình hình hiện nay thể hiện sự trân trọng đối với di sản tinh thần của tiền nhân, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, một điều rất quan trọng trong tiến trình Việt Nam hội nhập với khu vực và thế giới. Do đó, việc bảo tồn không chỉ quan tâm đến quá khứ, quên đi hiện tại và tương lai, mà trái lại, phải tăng thêm sự vững chắc của di sản nhằm phát triển các hình thức biểu hiện văn hóa mới.
Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Hán Nôm, tỉnh Bến Tre cần có chính sách đào tạo, khuyến khích những người làm công tác quản lý, nghiên cứu, sưu tầm văn hóa Hán Nôm. Mặt khác, cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, đồng thời khuyến khích các đề tài nghiên cứu khoa học theo tính chất chuyên sâu về tác giả, văn hóa, kiến trúc, lịch sử đã gắn liền với hệ thống di sản văn hóa Hán Nôm của Bến Tre.
N.T.N.D