Site banner

Dự án bò sữa Bến Tre - tái cơ cấu nông nghiệp bền vững

Tặng bằng khen cho 02 tập thể  và 08 cá nhân tích cực tham gia dự án.

Thực hiện tinh thần Chỉ thị 16 của Tỉnh ủy về thi đua “Đồng khởi mới”, Hội Nông dân huyện Ba Tri tiếp tục khơi dậy tinh thần yêu nước, tự chủ, tự lực vươn lên dựng quê hương trong cán bộ, hội viên, nông dân. Qua đó góp phần xây dựng quê hương ổn định, dân chủ, kinh tế phát triển, đời sống văn hóa phong phú, tạo động lực cho phát triển nông nghiệp tỉnh nhà và xây dựng nông thôn mới. Các cấp Hội trong tỉnh tiếp tục kế thừa, phát huy những kết quả công tác Hội và phong trào nông dân đã đạt được, nâng cao vai trò, ý thức trách nhiệm, với tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt khó, năng động sáng tạo tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm, nòng cốt trong các phong trào nông dân. Đặc biệt, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Hội Nông dân huyện Ba Tri đã và đang tích cực vận động cán bộ, hội viên, nông dân trong toàn huyện đẩy mạnh việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng hiệu quả, bền vững. Đáng chú ý là Hội Nông dân huyện tích cực vận động và được đông đảo hội viên, nông dân tham gia thực hiện Dự án “Phát triển đàn bò sữa tỉnh Bến Tre”.

Trung bình mỗi ngày, mỗi con cho từ 8 đến 10 kg sữa.
 

Sau gần ba năm triển khai dự án phát triển đàn bò sữa tại Bến Tre, đến nay dự án đã có trên 1.450 hộ tham gia với số lượng bò nền trên 2.730 con. Sau thời gian thụ tinh nhân tạo cho đàn bò cái lai Sindh được chọn làm bò nền đã cho ra đời 352 con bò sữa F1; trong đó có 306 bò sữa cái. Hiện các con bò sữa F1 phát triển khỏe mạnh và một số con đang bắt đầu cung cấp sữa. Dự án phát triển đàn bò sữa tại Bến Tre giai đoạn 2015 - 2019 với tổng số vốn dự kiến trên 98 tỷ đồng; trong đó 18 tỷ đồng trích từ ngân sách tỉnh Bến Tre, 18 tỷ đồng do tổ chức Heifer Quốc tế viện trợ không hoàn lại và 62 tỷ đồng là vốn đối ứng của các hộ tham gia dự án.

Ông Trần Văn Trung ngụ tại ấp An Hòa xã An Bình Tây huyện Ba Tri là một trong những người đầu tiên tham gia dự án với 6 con bò cái nền Sind. Qua thời gian nuôi, hiện đàn bò của ông có 5 con F2 đang cho sữa với sản lượng mỗi ngày từ 45-50 kg. Ông Trung chia sẻ, ban đầu gia đình ông cũng gặp không ít khó khăn bởi việc nuôi bò sữa là khá mới. Nó đòi hỏi công chăm sóc nhiều hơn và khâu vệ sinh cho bò cũng như chuồng trại cực hơn so với việc nuôi bò thịt. Một điều khó khăn nữa là nhiều người hàng xóm dè bỉu, chê cười việc nuôi bò sữa của gia đình ông. Không mặc cảm, ông giữ vững niềm tin quyết tâm thực hiện tốt mô hình bò sữa của mình. Kết quả là hiện nay, mỗi ngày ông Trung thu lãi từ 500.000 đồng đến 600.000 đồng. Sắp tới, gia đình ông tiếp tục mở rộng chuồng trại và mua thêm con giống để có thể phát triển lên thành trang trại.

Dự án phát triển đàn bò sữa tại Bến Tre ban đầu được thực hiện tại 6 xã, nay đã được mở rộng ở 11 xã của huyện Ba Tri với sự tham gia của 1.800 hộ nông dân. Dự án tập trung phát triển đàn bò sữa với số lượng trên 7.000 con thông qua việc sử dụng tinh phân ly giới tính chất lượng cao để thụ tinh nhân tạo cho đàn bò cái lai Sindh được bình tuyển. 

Bà Trịnh Thị Gấm ngụ tại ấp Bến vựa Bắc xã Vĩnh Hòa cho biết, qua sự vận động của hội nông dân xã, bà bàn với người thân trong gia đình mua bò sữa về nuôi. Thuận lợi cho gia bà là thời điểm đó, Dự án tạo điều kiện cho được đi học kinh nghiệm chăn nuôi bò sữa tại các nơi và cho mượn một phần vốn đầu tư con giống. Với sự đam mê chăn nuôi gia súc, lại chịu khó học hỏi, bà Trâm hiểu rõ chăn nuôi bò sữa không đơn giản như mọi người nói. Bà bắt đầu tìm hiểu từ những người thất bại trong chăn nuôi bò sữa và thấy rằng cái chính dẫn đến thất bại vẫn là thiếu kiến thức, vì chăn nuôi bò sữa đòi hỏi phải thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật. Những ngày đầu đưa bò về nuôi, gia đình bà bị sự dèm pha khá lớn từ hàng xóm. Hiện tại, đàn bò sữa của bà có 8 con; trong đó 5 con chuẩn bị đẻ và cho sữa. Gia đình bà cũng đã đặc mua máy vắt sữa nhằm đảm bảo chất lượng và sản lượng sữa. Đến thời điểm này, bà mới thực sự thoát khỏi nổi buân khuân với nghề nuôi bò sữa.

Ông Võ Văn Tám -  Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết:sắp tới,  Hội nông dân huyện sẽ phối hợp Ban quản lý dự án tổ chức tuyên truyền, vận động nông dân tham gia dự án. Dự án sẽ mở rộng thêm tại các xã An Ngãi Trung, An Ngãi Tây, Vĩnh An, An Hòa Tây, Phước Tuy, Tân Xuân; vận động, tuyên truyền những nông dân tham gia dự án bò sữa để tham gia thành lập Hớp tác xã bò sữa. Hội nông dân huyện sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát hộ tham gia Dự án để quản lý đàn bò F1, F2 phát triển tốt về số lượng, chất lượng. Đồng thời tổ chức đưa nông hộ tham quan mô hình nuôi bò sữa; xây dựng mô hình 5 con, 10 con để tăng nhanh đàn bò F2; Tiếp tục tìm các giải pháp tiêu thụ cho hộ dân cho đến khi tram trung chuyển sữa Vinamilk hoạt động.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Ba Tri đã có 100 hộ có từ 3 - 16 con bò sữa cái F1 và F2 (mua từ huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh). Về lâu dài sẽ phát triển đàn bò sữa lên khoảng 7.341 con, và nuôi theo hướng gia trại, trang trại, an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm. Mục tiêu của việc phát triển nghề nuôi bò sữa ở Ba Tri nhằm góp phần tạo sinh kế bền vững cho nông dân, tăng hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi, đồng thời góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện. 

Ngày 18/12/2017, Ban quản lý dự án phát triển đàn bò sữa tỉnh Bến Tre giai đoạn 2015-2019 tổ chức hội nghị sơ kết giữa kỳ đã tặng bằng khen cho 2 tập thể  và 8 cá nhân có nhiều thành tích trong hoạt động dự án thời gian qua.

 

 

Minh Đức