Site banner

Huyện Bình Đại đẩy mạnh công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên

Trong năm 2015, huyện chú trọng các lĩnh vựcquản lý tài nguyên, biển và khí tượng thủy văn nhằm giúp cho công việc khai thác, sử dụng và tái tạo tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lý, đúng đắn để mang lại lợi ích cho môi trường sống thiên nhiên cũng như lợi ích cho toàn dân.

Trong năm, huyện đưa ra các kế hoạch, phương hướng chiến lược cụ thể, các biện pháp quy hoạch và cùng với đó là các chế tài phù hợp, nghiêm khắc, hạn chế tối đa mức độ ô nhiễm tới môi trường trong việc sử dụng tài nguyên. Tại huyện Bình Đại, vấn đề nổi cộm trong quản lý tài nguyên thiên nhiên là vấn đề khai thác tài nguyên cát. Theo đó, huyện xây dựng kế hoạch kiểm tra tình hình khai thác cát trên địa bàn huyện. Tiến hành khảo sát tình hình khai thác cát trái phép tại xã Tam Hiệp. Hỗ trợ thả phao cho Hợp tác xã khai thác cát Bình Đại nhằm định vị cột mốc ranh giới khai thác tài nguyên cát hợp lý của các hợp tác xã. Các ngành chức năng phối hợp tăng cường kiểm tra tình hình khai thác cát trái phép giữa hai huyện Bình Đại và huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang. Kiểm tra tình hình khai thác cát trái phép trên tuyến sông Cửa Đại. Qua kiểm tra, trong năm, huyện  quyết định xử lý vi phạm 16 trường hợp vi phạm khai thác cát trái phép với số tiền 182 triệu đồng.

Tăng cường chống khai thác cát trái phép

Huyện còn tăng cường công tác bảo vệ nguồn tài nguyên đất. Hiện nay tài nguyên đất của huyện (nói riêng) đang bị chuyển đổi cơ cấu rất mạnh mẽ, đất nông nghiệp đang ngày một bị chuyển qua phục vụ cho công nghiệp và xây dựng. Đất bị nhiễm phèn, bị nhiễm mặn, bị sa mạc hóa ngày càng tăng thêm. Quản lý nhà nước về đất đai là nhu cầu khách quan là công cụ bảo vệ và điều tiết các lợi ích gắn liền với đất đai, và quan trọng nhất là bảo vệ chế độ sở hữu về đất đai. Đây là nhiệm vụ mà huyện xác định cần được đổi mới một cách cụ thể và phù hợp để đáp ứng các yêu cầu quản lý và tương xứng với điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội của huyện theo từng giai đoạn.

Hiện, huyện đang quản lý tổng diện tích đất 2.380,79 ha. Trong đó, huyện đã xác lập pháp lýdiện tích 561,46 ha, chưa xác lập pháp lýdiện tích 1.819,33 ha. Các thửa đủ điều kiện chưa lập thủ tục nguyên nhân chủ yếu là chưa đo đạc xác định diện tích.Huyện tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia trồng cây xanh, trồng rừng ngập mặn để giữ đất, bảo vệ môi trường. Tiếp tục kiểm tra, rà soát thực hiện xử lý, trám lấp giếng khai thác nước dưới đất nuôi tôm biển trên địa bàn huyện.

Ngoài ra, trong năm, huyện Phối hợp Chi cục Bảo vệ môi trường và Ủy ban nhân dân xã Thừa Đức khảo sát đánh giá và xử lý tình trạng dầu tràn tại bãi biển xã Thừa Đức,tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày nước thế giới năm 2015, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường khảo sát Nhà máy cấp nước ấp Bình Hòa, Thị Trấn Bình Đại.

Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ môi trường, phối hợp các ngành hữu quan tổ chức kiểm tra, kiểm soát 7 tổ chức và 46 sơ sở nuôi trồng thủy sản, kinh doanh, dịch vụ, sơ chế nilon và chăn nuôi trên địa bàn huyện. Qua kiểm tra tham mưu Ủy ban nhân dân huyện ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính cơ sở tái chế túi nylon tại ấp Bình Thuận, thị trấn Bình Đại với số tiền 2,5 triệu đồng.Tham gia Tổ Công tác xác minh việc thực hiện các quy định pháp luật về Bảo vệ môi trường đối với Nhà máy chế biến thủy sản Hưng Trường Phát tại ấp Hưng Chánh, xã Châu Hưng.

Cùng tham gia công tác, Hội HPN huyện tổ chức các lớp truyền thông kiến thức pháp luật về bảo vệ môi trường cho 7 xã trên địa bàn huyện với 1.690 lượt người tham dự; Hội Nông dân huyện tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật về Bảo vệ môi trường tại xã Long Hòa, Phú Thuận và Phú Long. Hỗ trợ xây dựng 22 hố xí hợp vệ sinh, 40 ống hồ và 20 thùng phân hủy rác hữu cơ cho các hộ nghèo, khó khăn tại các xã Long Hòa, Phú Thuận và Phú Long. Kiểm tra nghiệm thu 5 hộ xây dựng hố xí hợp vệ sinh trên địa bàn xã Phú Thuận.

Nhìn chung, công tác bảo vệ, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề mà huyện quan tâm thực hiện góp phần bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Tuyết Mai