Site banner

Huyện Bình Đại đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, khai thác hiệu quả ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế biển

Xác định kinh tế biển là kinh tế mũi nhọn của huyện Bình Đại, những năm qua, huyện đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế biển, khai thác có hiệu quả các ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, nhằm tạo đà phát triển hơn về tiềm năng kinh tế biển, góp phần tăng nguồn kinh kế cho người dân, đảm bảo đời sống ấm no cho người dân huyện biển.

Một trong những kết cấu hạ tầng quan trọng mà huyện đẩy mạnh đầu tư đó là hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi, đồng thời, đầu tư hoàn thiện hệ thống thủy lợi đê điều và các công trình thủy lợi khác góp phần phục vụ nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. 5 năm qua, huyện đã ây dựng và đưa vào sử dụng nhiều công trình giao thông, thủy lợi thiết thực như: Hoàn thành đưa vào sử dụng 2 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá ở Bình Thắng, 2 khu vực để neo đậu tàu sông Bình Châu. Cảng cá Bình Thắng ngày càng phát huy được hiệu quả, đang được đầu tư xây dựng mở rộng, hàng ngày có từ 8 đến 10 tàu cập cảng. Đội bốc xếp hoạt động ngày càng chuyên nghiệp hơn, việc vận chuyển hàng hóa trong cảng từ tàu lên vựa nhanh chóng, thuận lợi, an ninh trật tự từng bước sắp xếp ổn định, là điều kiện thuận lợi để ngư dân, hộ kinh doanh buôn bán an tâm đầu tư mở rộng quy mô và giải quyết việc làm thường uyên cho hàng trăm lao động trong và ngoài xã.

Hệ thống 10 cầu trên đường tỉnh 883 đã đáp ứng nhu cầu vận chuyển, đi lại tạo điều kiện trong việc mời gọi đầu tư phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của huyện. Bằng các nguồn vốn huyện, tỉnh và Trung ương đã thực hiện nạo vét 152 tuyến kênh khoàng 190 km, tổng kinh phí thực hiện 15,7 tỷ đồng. Dự án xây dựng hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản cho 3 xã: Thạnh Trị, Đại Hòa Lộc và Thị Trấn với kinh phí 47 tỷ đồng. Dự án ngọt hóa cục bộ ven sông Ba Lai ấp 3, ấp 4 xã Thạnh Trị kinh phí 3,5 tỷ đồng, đưa vào sử dụng cống Cầu Váng, xã Thạnh Trị, cống Vàm Bình xã Định Trung với tổng kinh phí đầu tư 14 tỷ đồng. Lập dự án công trình đê bao Tam Hiệp, đầu tư nâng cấp hệ thống đê biển, đoạn từ rạch Thừa Mỹ đến Rạch Mây, xã Thạnh Trị, đê sông Tiền và các hạng mục cống dưới đê từ Định Trung đến Phú Thuận. Xây dựng nhà máy xử lý nước thải khắc phục ô nhiễm làng nghề Bình Thắng. Và hàng năm các xã đều thực hiện công tác thủy lợi nội đồng theo yêu cầu của từng vùng.

Vấn đề nước sạch, điện phục vụ phát triển kinh tế biển cũng được huyện chú trọng đầu tư. Hoàn thành và đưa vào sử dụng dự án dẫn nước ngọt từ hồ chứa Ba Lai phục vụ nuôi thủy sản và hệ thống nhánh rẽ giai đoạn 2 phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất cho 4 xã: Thạnh Trị, Đại Hòa Lộc, Thạnh Phước, Thới Thuận. Đến nay, huyện có 7 nhà máy cấp nước có tổng công suất là 1.910m3/giờ, cung cấp trung bình 3,332 triệu m3/năm; tăng tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh đạt 95,4%, tăng 17,3% so với năm 2010.

Hoàn thành và đưa vào sử dụng công trình đường dây 110 KV từ Giồng Trôm đến Bình Đại và Trạm biến áp 110KV Bình Đại, đảm bảo nguồn điện cho sản xuất và sinh hoạt. Các công trình cải tạo, nâng cấp sửa chữa điện ở các tuyến tiếp tục thực hiện, từ đó nâng tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 99,78%.

Sản lượng khai thác thủy sản tăng theo từng năm

Bên cạnh đó, phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp gắn với  dịch vụ là một trong những ngành nghề không thể không chú trọng phát triển trong kế hoạch phát triển kinh tế biển của huyện. Ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ là những ngành nghề quan trọng, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, giảm nhẹ nguồn vốn do nguồn nguyên liệu dồi dào, tạo công ăn việc làm cho người dân tại địa phương.

Công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp phát triển từ 1.178 cơ sở vào năm 2010 tăng lên 1.872 cơ sở, giá trị sản xuất tăng bình quân 22,1%/năm, 2 làng nghề chế biến cá khô và đánh bắt thủy sản mang lại hiệu quả thiết thực. Thương mại, dịch vụ phát triển nhanh từ 3.466 cơ sở năm 2010 đến nay, toàn huyện có 5.240 cơ sở, giá trị sản xuất bình quân tăng 23,98%/năm.

Thời gian qua, ngành đóng tàu phát triển về quy mô, chất lượng, toàn huyện hiện có 7 doanh nghiệp, cơ sở đóng tàu với công suất 8-12 chiếc/năm/cơ sở. Để phục vụ cho ngành đánh bắt, chế biến thủy sản trong những năm qua đã hình thành phát triển mới 9 doanh nghiệp sản xuất nước đá với công suất từ 100-200 tấn/ngày, tổng sản lượng trung bình hàng năm 270.000 tấn/năm, 26 cơ sở thu mua nguyên liệu từ các tàu khai thác. Ngoài ra, huyện còn phát triển các loại hình dịch vụ hậu cần nghề cá như: Tổ đan lưới, đánh dây, cơ khí, xăng dầu, cưa xẻ gỗ,…hiện nay có 16 tàu chuyển tải sản phẩm từ biển vào đất liền để phục vụ cho những tàu khai thác xa bờ,  bám biển dài ngày.

Nhằm tạo điều kiện cho ngư dân đóng mới, cải hoán, nâng cao công suất tàu thuyền, cải tiến trang thiết bị phục vụ nghề đánh bắt, khai thác thủy sản, ngành ngân hàng trên địa bàn huyện  đã tạo điều kiện cho ngư dân được tiếp cận nguồn vốn vay. Đến nay, tổng dư nợ của hộ ngư dân tham gia đắnh bắt, khai thác thủy sản của các chi nhánh ngân hàng đóng trên địa bàn huyện trên 320 tỷ đồng. Qua đầu tư phát triểnkết cấu hạ tầng, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế biển, khai thác có hiệu quả các ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, kinh tế biển huyện ngày càng phát triển. Trong đó, diện tích nuôi thủy sản ổn định hơn với 16.000ha, đối tượng nuôi và hình thức nuôi ngày càng đa dạng, phong phú. Sản lượng khai thác tăng theo từng năm, cụ thể năm 2011: 55.000 tấn tăng lên 70.000 tấn năm 2015. Sản lượng chế biến thủy sản hàng năm trên 2.500 tấn sản phẩm khô các loại. Nhìn chung, thời gian qua, ngành kinh tế biển của huyện phát triển đã góp phần đáng kể trong giữ vững tốc độ tăng trưởng GDP đạt trên 13,11%/năm. Đời sống người dân từng bước được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người đạt 28,8 triệu đồng/người/năm phần lớn là do nguồn lợi từ kinh tế biển tạo ra, trật tự khu biên giới biển ngày càng được củng cố ổn định hơn.

MT