Là thương binh hạng 2/4, thường hay đau nhức mỗi khi trái gió trở trời cộng với hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, vất vả sau ngày giải phóng, nhưng bằng ý chí và nghị lực của người lính, ông đã vượt qua tất cả, vươn lên phát triển kinh tế gia đình, có nhiều đóng góp tích cực vào các phong trào hành động cách mạng ở địa phương. Người chúng tôi muốn nói đến là thương binh Huỳnh Văn Vốn, tên thương gọi là Vũ Trường, sinh năm 1938 ở ấp An Huề, xã An Qui, huyện Thạnh Phú.
Tham gia cách mạng từ năm 14 tuổi trong vai trò du kích địa phương, cứu thương, chàng thanh niên Huỳnh Văn Vốn với tinh thần dũng cảm, luôn nêu cao tinh thần chiến đấu vì quê hương, đất nước đã nhanh chóng được đứng vào hàng ngũ của đoàn hai năm sau đó. Ngày Bến Tre tổ chức khởi nghĩa đồng loạt, ông tham gia đốt bót Quảng Sấm – An Qui. Tháng 10/1961, ông được rút về làm phó ban quân y huyện, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1962, về quân y tỉnh vào năm 1963. Tháng 10/1967, ông bị bắn xuyên chân trong một lần máy bay địch quần thảo ở xã Thành Thới, huyện Mỏ Cày. Ông được điều trị tại Mỏ Cày, sau chuyển về điều dưỡng ở xã Thạnh Phong, tiếp tục tham gia cách mạng cho đến ngày hòa bình lập lại.
Trở về địa phương với thương tật trên đôi chân và cánh tay trái, hoàn cảnh gia đình lúc bấy giờ của cựu chiến binh Huỳnh Văn Vốn khá khó khăn, lại phải nuôi ba người con còn nhỏ. Khi lập gia đình năm 1959, cha mẹ cho được 7 công đất để trồng lúa nhưng không hiệu quả. Ông cùng vợ lặn lội xuống tận Giao Thạnh mua lá dừa nước về chầm bán kiếm tiền, có khi quên cả bữa ăn... Vất vả là vậy, nhưng ông không ngại khó, dành dụm tích góp được khoản tiền mua thêm đất.
Nuôi bò - một trong những mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao của thương binh Huỳnh Văn Vốn.
Cuộc sống gia đình đi lên từ những năm 1990, khi phong trào nuôi tôm sú bắt đầu phát triển. Vào thời điểm đó, ngoài việc học hỏi kinh nghiệm của những người nuôi xung quanh, ông còn thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nuôi tôm do huyện, xã tổ chức. Do áp dụng có hiệu quả nên mỗi năm ông thu lãi hơn 30 triệu đồng từ 5.000m2 đất mặt nước nuôi tôm. Cùng diện tích trên, đến nay, ngoài tôm sú ông còn thả thêm tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh thu lãi gần 50 triệu đồng mỗi năm. Đối với diện tích 10.000m2 đất ruộng, từ năm 2009 trở lại đây, ông tiến hành thay dần các giống lúa mùa địa phương bằng giống lúa lai F1, năng suất bình quân 6 tấn/ha, thu về 36 triệu đồng một vụ.
Tận dụng các bờ bao xung quanh ruộng, ông còn trồng cỏ, đầu tư mua bò về nuôi để tăng thu nhập kinh tế gia đình. Từ năm 2006 đến nay, ông đã xuất bán được 15 con bò, thu về gần 200 triệu đồng. Gần đây, ông xuất bán thêm 4 con, thu về 60 triệu đồng. Ngoài ra, nguồn thu nhập từ nuôi dê cũng đem lại cho gia đình ông khoảng 20 triệu đồng. Năm 1998, ông cất được ngôi nhà khá khang trang với kinh phí gần 200 triệu đồng. Đến nay, tất cả 7 người con của ông đều đã lập gia đình và có cuộc sống ổn định.
Nhận xét về ông, ông Lê Văn Oanh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã An Qui cho biết: Thương binh Huỳnh Văn Vốn luôn khắc ghi lời Bác Hồ dạy "thương binh tàn nhưng không phế", vượt qua khó khăn, chí thú làm ăn, đến nay có nhiều mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả. Là một cựu chiến binh gương mẫu, không chỉ đi đầu trong hỗ trợ, giúp đỡ anh em hội viên vươn lên phát triển kinh tế, chú Vốn còn tích cực tham gia các phong trào hành động cách mạng ở địa phương như đóng góp các loại quỹ, hỗ trợ xây dựng giao thông nông thôn. Bên cạnh đó, chú còn tích cực vận động gia đình và người dân trong ấp xây dựng các thiết chế gia đình văn hóa, xã văn hóa, tham gia xây dựng nông thôn mới... được người dân trong ấp tin yêu và quý mến. Tới đây, mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả của chú sẽ được Hội Cựu chiến binh xã nhân rộng trong hội viên, nhất là những hội viên có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên thoát nghèo...
Ông được Ủy ban nhân dân xã An Qui khen thưởng hoàn thành xuất sắc công tác Hội nhiều năm liền, được Hội CCB tỉnh và huyện Thạnh Phú công nhận cựu chiến binh sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Riêng trong quá trình tham gia cách mạng, ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất cùng nhiều giấy khen; huy hiệu 40 năm và 50 năm tuổi Đảng...
Tin rằng trong thời gian tới, ông Huỳnh Văn Vốn sẽ có thêm nhiều cách làm hay, sáng tạo trong phát triển kinh tế, tiếp tục có những đóng góp cho các phong trào ở địa phương, góp phần cùng chính quyền địa phương xây dựng thành công xã nông thôn mới.
Bài, ảnh: Quốc Vinh