Site banner

Lời ru và khát vọng: Nỗi niềm lời ru

Sau năm 1975, xứ Dừa - Bến Tre là tỉnh yếu kém "toàn diện" về cơ sở hạ tầng, về giao thông đường bộ tại đồng bằng sông Cửu Long. Đây là lực cản lớn nhất đối với trên 1,3 triệu người Bến Tre trong nỗ lực vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế - xã hội.

Từ sau năm 1975 đến nay, với phong trào "Nhà nước và nhân dân cùng làm", bộ mặt giao thông đường bộ và giao thông nông thôn nói riêng ở Bến Tre có những chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội từ thành thị đến nông thôn, là nền tảng xây dựng nông thôn mới.        

Lần theo lời ru con của mẹ: "Ầu ơi… Ví dầu cầu ván đóng đinh, cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi… Khó đi mượn chén ăn cơm, mượn ly uống rượu, mượn đàn kéo chơi…" là hình ảnh khắc họa toàn cảnh giao thông nông thôn ở Bến Tre sau năm 1975. Khi đó, đi đâu ở nông thôn Bến Tre hầu như đều mắc phải cầu khỉ, các cháu học sinh, nông dân làm ra sản phẩm, những ca bệnh cấp cứu… đều phải vượt qua những cây cầu "đau khổ" rồi còn phải lụy đò! Nguyên Giám đốc Sở Giao thông vận tải Phạm Văn Long nhớ lại: "Bối cảnh chung bấy giờ là dựa vào giao thông đường thủy. Từ huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú, Chợ Lách và các xã vùng sâu khác, người dân muốn đến thị xã Bến Tre đều phải đi bằng đò. Những chiếc đò khách chở chật ních người, ngột ngạt, đưa khách ban ngày lẫn ban đêm..."

Thật vậy, trong đêm, không đón được đò là phải chờ đêm sau. Họ đón đò bằng những cây đuốc lá dừa. Đuốc lá dừa huơ sáng khắp bên bờ sông…

Ông Phạm Văn Long cho biết: "Những cây cầu bê-tông đầu tiên được xây dựng tại Bến Tre vào những năm đầu sau giải phóng là cầu Ba Lai (đường liên tỉnh Bến Tre - Tiền Giang, Quốc lộ 60 hiện nay), cầu Mỏ Cày (tỉnh lộ 888, Quốc lộ 57 hiện nay), cầu Chẹt Sậy (tỉnh lộ 885, thành phố Bến Tre - Giồng Trôm - Ba Tri)…

 Cầu tạm trước đây tại xã Châu Bình (Giồng Trôm). Ảnh: PLHH

Năm 2002, Hội Khoa học kỹ thuật (KHKT) cầu đường Bến Tre được thành lập, đã góp phần mở ra "kỷ nguyên" mới cho phát triển giao thông nông thôn tại Bến Tre. Ông Trịnh Văn Y (Mai Sơn) được bầu làm Chủ tịch Hội. Ông Trịnh Văn Y hồi tưởng: "Khi chưa về hưu, 10 năm làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh (1991-2000), tôi đã đi khắp các vùng nông thôn Bến Tre và thấu hiểu cảnh con cháu đến trường đò ngang cách trở, cảnh người dân lo thắt ruột khi nhà có người bệnh hoạn… Rồi khi có chục dừa, buồng chuối không biết bán cho ai vì chợ thì xa mà đường sá đi lại quá khó khăn…" Đã về hưu, nhưng với ông Trịnh Văn Y, hình như ông chưa hề nghỉ. Từ khi làm Chủ tịch Hội, ông đã dành hết phần đời còn lại của mình đi vận động các nguồn tài trợ, hợp cùng với công sức của nhân dân tại nông thôn, quyết lòng xây cầu, đường cho dân đi.

Lớp 6 bên kia sông!

Xã vùng sâu Mỹ An (Thạnh Phú) được bao bọc bởi sông Hàm Luông và sông Băng Cung. Đây là một ốc đảo với giao thông đường bộ trắc trở nhất của huyện biển Thạnh Phú. Thời chiến tranh, vùng đất này nổi tiếng với các địa danh như An Bườn Lớn, An Bườn Bé, Đám lá tối trời, cù lao Quốc tế… và là vùng căn cứ của Huyện ủy Thạnh Phú.

Từ năm 2000, Mỹ An được tách ra từ xã Mỹ Hưng và An Thạnh, thành lập xã mới trên nền tảng giao thông nông thôn rất yếu kém. Trước năm 2005, khi chưa có chiếc cầu bê-tông từ xã Mỹ Hưng bắc qua sông Băng Cung để đến trung tâm xã Mỹ An như hiện nay, trên đất Mỹ An hầu như chỉ có xe đạp. Những chiếc xe đạp chạy loanh quanh những xóm nông dân nghèo vì nơi đây cũng chưa có chợ xã.

Đường sá đi lại trắc trở, khó khăn, nên tỷ lệ học sinh bỏ học ở đây thuộc hàng cao nhất tỉnh.

Sau khi giao thông thôn tại đây từng bước được đầu tư xây dựng (từ nhiều nguồn, đặc biệt là các chiến dịch Mùa hè xanh của sinh viên Trường Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh), bậc học tiểu học ở đây bắt đầu phát triển, song với bậc trung học cơ sở thì vẫn còn rất nhiều khó khăn. Khi các học sinh ở Mỹ An lên lớp 6, để tiếp tục việc học, các em phải qua sông Băng Cung bằng những chiếc trẹt để học lớp 6 ở xã An Thạnh. Do đi lại khó khăn, mất nhiều thời gian, nhiều em đeo đuổi việc học không lâu đã đành bỏ học!

Chuyện về cô Hằng Ni, 20 tuổi, bị bệnh tim nặng ở Mỹ An kể ra cũng thật cảm động và đã kết thúc có hậu. Năm 2006, khi đường đến các ấp của Mỹ An còn nhiều trắc trở, vậy mà, ông Huỳnh Văn Cam (Lê Huỳnh) - Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Bến Tre - đã tìm đến nơi heo hút tận nhà cô Hằng Ni rồi đưa cô đi mổ tim miễn phí. Sau mổ tim, sức khỏe của cô phục hồi nhanh, hiện cô đã có chồng và một con. Tình người ở đây đã vượt qua những trắc trở từ giao thông nông thôn ngày ấy.

Giờ đây, xe ô-tô chạy một mạch là có thể đến trung tâm xã vùng sâu Mỹ An. Tại trung tâm xã này, dù còn rất khiêm tốn nhưng một khu chợ xã cũng đã hình thành, địa phương đang xây dựng một con đường khá rộng dẫn ra bờ sông Hàm Luông để từ đó, qua phà, đi huyện Ba Tri. Ngược lại, dân Mỹ An có bệnh hoạn, cần cấp cứu thì kêu xe ôm vượt qua cầu Mỹ Hưng, chở thẳng lên Bệnh viện Đa khoa huyện Thạnh Phú. Còn với cô Hằng Ni, khi những ân nhân trước đây đã giúp cô mổ tim trở lại Mỹ An thăm gia đình cô, cô vẫn có thể bồng con ra tiễn khách nơi dưới chân cầu Mỹ Hưng.

 Ở một ấp "vô địch" cầu nông thôn

Đó là ấp Vĩnh 2, xã Đa Phước Hội, huyện Mỏ Cày Nam. Có thể nói đây là một ấp có mật độ cầu nông thôn dày đặc nhất ở Việt Nam. Để khắc họa vùng sông nước trắc trở này, những người kháng chiến cũ gọi nơi đây là "vùng ba bước lội" và họ đã đặt thơ: "Không đi thì nhớ thì trông/Đi rồi lại mắc cái sông không cầu/Không đi cũng nhớ cũng rầu/Đi thì lại không có cầu qua sông".

Tại đây, qua đầu tư của Nhà nước và vận động của Hội KHKT cầu đường Bến Tre, đến năm 2010, ấp này đã xây dựng tất cả 107 cây cầu nông thôn. Những chiếc cầu cáp treo, cầu bê-tông xi-măng và những con đường nông thôn liên hoàn tại ấp do ông Toni Ruttimann (người Thụy Sĩ), Quỹ Schmitz (Đức), các tổ chức từ thiện tôn giáo và nhân dân ấp Vĩnh 2 đóng góp công sức xây dựng. Bộ mặt đời sống, văn hóa của người dân nơi đây nay thay đổi rất nhiều.

(Còn tiếp)

Theo baodongkhoi.com.vn