Site banner

Mô hình sản xuất lúa chống chịu mặn mang lại hiệu quả

Vụ sản xuất lúa đông xuân năm nay, nước mặn xâm nhập sớm làm hàng ngàn hecta lúa ở huyện Ba Tri bị thiệt hại. Trong khi đó, tại xã An Hiệp, mô hình sản xuất lúa chống chịu mặn do Trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Bến Tre đầu tư đem lại hiệu quả khi độ mặn đo được tại đây là 5.

Trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Bến Tre đầu tư cho 16 nông dân sản xuất giống lúa OM 9921 với diện tích 5 hecta. Tham gia thực hiện mô hình này, nông dân được hỗ trợ lúa giống, 30% chi phí phân, thuốc, hướng dẫn quy trình sản xuất. Đây là giống lúa chịu mặn ở độ từ 3%o – 4%o, thời gian sinh trưởng từ 95 đến 100 ngày, cho năng suất 6 – 8 tấn/ha. Tuy nhiên do giống lúa này nhát phèn nên trong thời gian đầu sản xuất nông dân cần phải bón thêm phân lân nung chảy từ 15 – 20 kg/công.

Nông dân phấn khởi vì lúa MO 9921 sản xuất chịu mặn, phát triển tốt, cho năng suất cao

Các hộ thực hiện đúng quy trình sản xuất, cây lúa phát triển tốt, cho năng suất cao. Đến thời điểm này, nông dân đang chuẩn bị thu hoạch. Năng suất bình quân ước từ 300 kg đến 400 kg/1.000 m2, đặc biệt có diện tích lên đến 500 kg. Anh Trần Thanh Lên, ở ấp Giồng Nhựt, một trong những nông dân tham gia mô hình cho biết: “Tham gia mô hình, tôi được đầu tư sản xuất 3.000 m2. Qua quá trình sản xuất, tôi thấy lúa chịu mặn, phát triển tốt, cho năng suất cao. Trong vài ngày nữa, tôi sẽ thu hoạch. Năng suất ước được 300 kg/1.000 m2. Sản xuất giống lúa này tôi mừng lắm vì cho năng suất cao, trong khi nhiều bà con xung quanh sản xuất các giống lúa khác do ảnh hưởng nước mặn nên không hiệu quả”.

Ông Đào Văn Bình, Chủ tịch Hội nông dân xã An Hiệp cho biết: “Mô hình sản xuất lúa chống chịu mặn do Trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Bến Tre đầu tư tại xã An Hiệp đã mang lại hiệu quả. Sắp tới chúng tôi sẽ tuyên truyền cho nông dân trong xã biết, sử dụng giống lúa này trong sản xuất ở các vụ tới để nhân rộng mô hình. Bên cạnh đó, chúng tôi phối hợp với ngành chức năng chuyển giao kỹ thuật canh tác, quy trình sản xuất giống lúa này cho nông dân để áp dụng vào sản xuất. Qua đó giúp nông dân sản xuất mang lại hiệu quả, cho năng suất cao, tạo thu nhập trước sự xâm nhập mặn do ảnh hưởng của biến đổi của khí hậu”.

Hiện nay, tình hình xâm nhập mặn xảy ra ngày càng phức tạp, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp ở các huyện ven biển. Do đó mô hình sản xuất lúa chống chịu mặn do Trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Bến Tre đầu tư tại xã An Hiệp cần nhân rộng không chỉ cho nông dân tại địa phương mà cả các xã khác  trong huyện. Qua đó giúp nông dân sản xuất mang lại hiệu quả, tạo thu nhập, thích ứng với điều kiện khắc nghiệt của thiên tai và biến đổi khí hậu.

Trần Xiện