Site banner

Mỹ kêu gọi Trung Quốc ngừng xây dựng trên biển Đông

Sau hội đàm kéo dài hơn 4 giờ tại Bắc Kinh, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm qua kêu gọi Trung Quốc ngừng cải tạo bãi đá, ngừng xây dựng trái phép trên khu vực tranh chấp ở biển Đông.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: Xinhua

Cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng John Kerry và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị được cả hai bên mô tả là “mang tính xây dựng” và “thực chất”, cho dù họ đưa ra những quan điểm trái ngược nhau về vấn đề biển Đông, khi Bắc Kinh vẫn tiếp tục những lý lẽ không được cộng đồng quốc tế công nhận.

Ông Kerry thừa nhận “những khác biệt sẽ tiếp tục thử thách chúng ta”, nhưng nhấn mạnh rằng, thế giới hưởng lợi khi Mỹ và Trung Quốc có thể làm việc cùng nhau, như trong thỏa thuận hạt nhân Iran và biến đổi khí hậu. “Tôi  nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tìm kiếm quan điểm chung giữa các nước liên quan và tránh vòng luẩn quẩn gây bất ổn hoặc leo thang căng thẳng”, AP dẫn lời ông Kerry phát biểu sau hội đàm. Ông Vương Nghị tiếp tục đưa ra luận điệu rằng, Trung Quốc “không làm gì khác ngoài việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ”, và cũng bác bỏ việc Mỹ và các nước khác lên án Bắc Kinh quân sự hóa khu vực, không muốn một giải pháp hòa bình cho tranh chấp chủ quyền biển đảo.

Trước khi sang Bắc Kinh, Ngoại trưởng Mỹ dừng chân tại Lào và Campuchia nhằm thúc đẩy ASEAN đoàn kết để hành xử mạnh mẽ hơn với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp ở biển Đông.

Mỹ chỉ trích kế hoạch thăm đảo Ba Bình của lãnh đạo Đài Loan

Chính quyền Mỹ hôm qua chỉ trích việc nhà lãnh đạo Đài Loan sắp mãn nhiệm Mã Anh Cửu có kế hoạch ra thăm đảo Ba Bình (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Đài Loan đang chiếm giữ). Mỹ khẳng định, hành động này “cực kỳ vô ích”.

Văn phòng của ông Mã trước đó thông báo lãnh đạo Đài Loan hôm nay (28/1) sẽ bay ra đảo Ba Bình để chúc Tết những người trên đảo, trong bối cảnh lo ngại về căng thẳng trên biển Đông ngày càng tăng. Hành động này vấp phải phản đối từ Viện Mỹ tại Đài Loan (AIT). Trên thực tế, AIT đóng vai trò cơ quan đại diện ngoại giao của Mỹ tại Đài Loan, vì hai bên không có quan hệ ngoại giao chính thức. “Chúng tôi thất vọng khi ông Mã Anh Cửu có kế hoạch thăm đảo Ba Bình”, phát ngôn viên AIT Sonia Urbom nói vớiReuters. “Hành động như vậy cực kỳ vô ích và không đóng góp vào giải pháp hòa bình cho những tranh chấp trên biển Đông”, bà Urbom nói.

Ông Mã định thực hiện chuyến thăm đảo Ba Bình sau khi đảng đối lập Dân Tiến (DPP) chiến thắng trong cuộc bầu cử gần đây. Hôm 16/1, bà Thái Anh Văn, Chủ tịch DPP, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử người đứng đầu chính quyền Đài Loan. Văn phòng của ông Mã nói rằng, họ đã mời bà Thái Anh Văn cử đại diện cùng ra đảo Ba Bình, nhưng DPP nói họ không định làm như vậy.

Reuters dẫn lời ông Dustin Wang, một học giả Đài Loan chuyên nghiên cứu biển Đông, nói rằng, một trong những mục đích của ông Mã khi thực hiện chuyến thăm này là nhằm nhấn mạnh hòn đảo được sử dụng vào các mục đích dân sự. Khoảng 180 người, gồm 150 người thuộc lực lượng bảo vệ bờ biển Đài Loan, đang canh giữ hòn đảo rộng 46 ha này kể từ năm 2000. Gần đây, Đài Loan hoàn tất việc nâng cấp cảng với mức đầu tư 100 triệu USD trên đảo Ba Bình và xây một ngọn hải đăng trên đó, sau khi hoàn thành đường băng, bệnh viện và nguồn cung cấp nước ngọt trên đảo.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình tháng trước lên án việc xây dựng các công trình trên đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ông Bình tuyên bố, Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hoạt động của các bên tại khu vực này mà không được sự chấp thuận của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị. 

Ngoài vấn đề biển Đông, Ngoại trưởng Mỹ và Trung Quốc cũng bất đồng về vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Ông John Kerry nói, Mỹ muốn Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có biện pháp mới để trừng phạt Bình Nhưỡng sau vụ thử hạt nhân đầu tháng này và gây sức ép để họ trở lại bàn đàm phán từ bỏ vũ khí hạt nhân. Ông Vương Nghị nói Trung Quốc đồng ý rằng, cần có một nghị quyết mới, nhưng Bắc Kinh sẽ không ủng hộ các biện pháp trừng phạt mới. Giới chuyên gia cho rằng, Trung Quốc lo ngại nếu Triều Tiên xảy ra vấn đề sẽ dẫn đến một làn sóng người tị nạn chạy sang Trung Quốc.

Nguồn Vietnam.vn