Cảnh sát giao thông phát tờ rơi tại Bến xe khách Bến Tre. Ảnh: Hữu Trí
Tai nạn từ việc không chấp hành pháp luật
Hiện nay, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về đảm bảo TTATGT, cũng như hậu quả của tai nạn giao thông (TNGT) được thực hiện rộng khắp, với hình thức đa dạng, phong phú: Từ tuyên truyền trực quan, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng xã hội đến tuyên truyền trực tiếp đối với người TGGT. Bên cạnh đó, công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm cũng được tổ chức thường xuyên; qua đó, đã giúp đại bộ phận người TGGT nâng cao hiểu biết và ý thức tự giác chấp hành. Tuy nhiên, vẫn còn không ít người TGGT vi phạm các quy định, quy tắc an toàn làm ảnh hưởng xấu đến tình hình TTATGT và nhiều trường hợp trong số đó đã dẫn đến TNGT, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 151 vụ TNGT đường bộ, làm 106 người chết và 69 người bị thương. Số vụ tai nạn và thiệt hại về người tuy có giảm hơn so với cùng kỳ năm 2018 nhưng vẫn còn ở mức cao. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ tai nạn này là do người điều khiển phương tiện đã uống rượu, bia, không làm chủ tay lái, đi không đúng làn đường, phần đường quy định, tránh vượt không đảm bảo an toàn… Các lỗi này đều xuất phát từ sự chủ quan, không chấp hành pháp luật về TTATGT của những người có liên quan. Thực tế này cho thấy, chính từ hành vi vi phạm luật giao thông đã dẫn đến những vụ tai nạn thương tâm, để lại nỗi đau cho gia đình và xã hội.
Ý thức thượng tôn pháp luật
Ngoài những trường hợp vi phạm đã dẫn đến TNGT, cũng trong 9 tháng qua, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã phát hiện, xử phạt gần 33.000 trường hợp vi phạm luật giao thông. Con số này tuy chưa phản ánh được tất cả các trường hợp vi phạm nhưng cũng đã cho thấy vẫn còn rất nhiều người TGGT không chấp hành các quy định về đảm bảo ATGT đường bộ. Hiện nay, khi đi trên đường, chúng ta thường bắt gặp nhiều phương tiện phóng nhanh, vượt ẩu, giành đường, lấn tuyến, tránh vượt tùy tiện. Các hành vi này vừa gây phản cảm, vừa mất ATGT, thể hiện sự thiếu ý thức của những người điều khiển phương tiện. Đây là hồi chuông cảnh báo cho những vụ TNGT tiếp theo có thể xảy ra mà mọi người cần nhận thức rõ để điều chỉnh hành vi khi TGGT nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người.
Càng đáng phê phán, lên án hơn là nhiều trường hợp không chỉ đơn thuần vi phạm các quy định về đảm bảo TTATGT mà người vi phạm còn có hành vi chống đối, xúc phạm lực lượng làm nhiệm vụ. Điều này thể hiện thái độ xem thường pháp luật, cách hành xử thiếu văn hóa. Trong xu thế phát triển chung của xã hội văn minh thì những hành vi ứng xử thiếu văn hóa này là không thể chấp nhận.
Theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng hay internet, chúng ta nhận thấy ý thức chấp hành luật giao thông của công dân ở nhiều quốc gia khác rất nghiêm túc. Người TGGT rất ít khi phạm luật, xe cộ lưu thông trật tự, đi đúng làn đường, phần đường quy định, không phóng nhanh, vượt ẩu. Thậm chí khi xảy ra TNGT, những người có liên quan thường bước xuống quay phim, chụp hình hiện trường và gọi điện thoại cho cảnh sát, không có cảnh xô xát đánh nhau, gây náo loạn đường phố. Số liệu thống kế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, tỷ lệ người bị TNGT ở Việt Nam cao gấp 5,2 lần so với Nhật Bản và 6,8 lần so với Singapore. Điều này chủ yếu xuất phát từ ý thức tôn trọng pháp luật và cách cư xử văn minh của công dân nước sở tại. Đây là điều chúng ta cần phải học hỏi và xây dựng.
Trước tình trạng vi phạm luật giao thông vẫn còn xảy ra phổ biến và tình hình TNGT ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, để đảm bảo TTATGT, cùng với sự nỗ lực của các ngành chức năng, mọi người cần tự rèn luyện ý thức thượng tôn pháp luật và hành xử đúng mực trên đường. Làm tốt điều này là để bảo vệ an toàn cho bản thân và những người cùng TGGT, đồng thời cũng là thể hiện nét đẹp văn minh, văn hóa của mỗi công dân.
Đăng Khoa