Ở các xã ven biển như Thừa Đức, Thới Thuận (Bình Đại), công việc cào nghêu được người dân nơi đây xem như là một cái "nghề gia truyền" và cứ thế mà "nối nghiệp" nhau từ đời này sang đời khác. Nghề cào nghêu tuy có nhiều vất vả nhưng cũng lắm niềm vui và đồng thời nó cũng góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình. Đặc biệt, công việc này đã thu hút được nhiều chị em phụ nữ tham gia.
Theo con số thống kê của Hội LHPN huyện Bình Đại, toàn huyện có khoảng 40% chị em phụ nữ tham gia công việc cào nghêu, trong đó tập trung nhiều nhất là ở sân nghêu xã Thới Thuận và Thừa Đức. Ngoài nguồn thu nhập từ việc tham gia các tổ nghề nghiệp như: đan giỏ, đan ghế, tách hạt điều… thì công việc cào nghêu cũng góp một phần đáng kể cho thu nhập gia đình. Hiện, hai sân nghêu ở xã Thới Thuận và Thừa Đức do HTX Rạng Đông và Đồng Tâm quản lý. Người được thuê cào nghêu sẽ được HTX phát phiếu.
Người dân cào nghêu
Chị Nguyễn Thị Hiệp - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thừa Đức cho biết: Toàn xã có trên 3.000 phụ nữ tham gia công việc cào nghêu. Vào mỗi đợt thu hoạch nghêu, mỗi lao động kiếm được từ 200.000 đến 400.000 đồng. Công việc này đã góp phần tạo điều kiện cho chị em phụ nữ địa phương có công ăn việc làm, tăng nguồn thu nhập, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn Thừa Đức - xã vùng biển còn nhiều khó khăn. HTX thuê người cào nghêu thông qua việc phát phiếu đã đảm bảo mọi hộ gia đình trong xã đều có việc làm và có thu nhập ngang nhau từ việc cào nghêu.
Vào thời điểm này, tại các sân nghêu trên địa bàn huyện Bình Đại, cứ mỗi lần con nước ròng là người dân địa phương lại tập trung đông đúc để cào nghêu. Có người thì mới ra nghề nhưng cũng có người đã gắn bó gần cả cuộc đời mình với con nghêu. Tại các sân nghêu, không khí nhặt "lộc biển" luôn hối hả và không kém phần náo nhiệt. Mỗi người cứ tập trung vào công việc của mình nhưng thỉnh thoảng cũng không quên buông vài câu hỏi thăm "đồng nghiệp" về chuyện gia đình, chồng con…
Trên bãi nghêu rộng hàng chục hecta ở ấp Thừa Lợi (xã Thừa Đức), người dân cào nghêu đã tập trung nơi đây từ sớm để tranh thủ con nước ròng. Nhìn từ xa, bãi nghêu thật đẹp! Ánh nắng bình minh soi rọi xuống mặt biển tạo nên những ánh sáng long lanh như những đóm mắt hỏa châu và hình ảnh của những người cào nghêu cứ thoăn thoát đôi tay để nhặt "lộc trời". Tất cả đã tạo nên một bức tranh sinh động về một vùng đất ven biển được thiên nhiên ưu đãi.
Hầu hết người tham gia cào nghêu đều có điểm chung là nước da đen sạm. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi khi "dấn thân" vào cái "nghiệp nghêu" thì phải chấp nhận với cái nắng, cái gió của biển. Nghề cào nghêu tuy không có trường lớp nhưng hầu như người bản địa thì chẳng có ai mà không biết. Người đi trước hướng dẫn người đi sau và cứ thế mà thạo nghề. Chị Lê Thị Mỹ Chi (ngụ ấp Thừa Lộc, xã Thừa Đức) đã có 10 năm gắn bó với nghề cào nghêu. Với ngần ấy thời gian đã đúc kết cho chị được nhiều kinh nghiệm trong nghề.
Với gương mặt sạm nắng đã phần nào làm nổi bật lên những chiếc răng trắng mỗi khi chị nở nụ cười tươi. Chị cho biết: Bắt nghêu có 3 kiểu, tương ứng với 3 mực nước khác nhau. Nếu như nước cạn thì gọi là cào khô, tức là lấy niềng cào rồi lượm; nếu như nước cao tới ngực thì gọi là cào, lấy niềng lặng xuống cào và khi ấy thì niềng được gắn với một túi lưới để chứa nghêu; nếu như nước tới bụng thì gọi là chập, tức ngồi xuống rồi lấy chân nhịp nhịp cho nghêu trồi lên và bắt. Trong 3 kiểu bắt như thế, khó nhất vẫn là cào. Bởi cào cần phải có 2 người và phải ăn ý với nhau…
Bước vào nghề cào nghêu từ năm 15 tuổi, đến nay chị Võ Thị Tuyến Nhung đã có 9 năm "lăn lộn" với công việc bắt nghêu. Sinh ra và lớn lên ở vùng đất ven biển xã Thới Thuận, Tuyết Nhung chưa từng nghĩ có một ngày nào đó mình sẽ từ bỏ công việc này, bởi đây chính là nghề "gia truyền" mà chị là thế hệ thứ 3. Tuyết Nhung chia sẻ: Công việc bắt nghêu đã có từ đời ông bà, vì thế mà khi tôi sinh ra và lớn lên đã sớm làm quen với nó. Mẹ là người đầu tiên dẫn và chỉ tôi cách bắt nghêu. Bắt nghêu tuy có những lúc vất vả, bán mặt cho biển, bán lưng cho trời, nhưng tôi chưa bao giờ có ý định sẽ bỏ công việc này. Bởi đây không chỉ là truyền thống mà nó còn là nét đặc trưng ở một vùng biển được thiên nhiên ưu đãi.
Nhìn những nụ cười trên những gương mặt sạm nắng, những đôi bàn tay có phần thô kệch của những con người đã và đang từng ngày nhặt "lộc trời" như phần nào nói lên tính chịu thương, chịu khó của người dân nơi đây. Họ đã không ngần ngại khi gắn cả cuộc đời mình với biển, với sân nghêu như người con bám lấy quê hương, đất nước.
Bài, ảnh: Quốc Hùng