Site banner

Nhớ biển ...

Háo hức với nghề câu mực, anh Đinh Văn Đảng nhớ lại: Biển những ngày trời sắp có trăng là lúc đàn mực bắt đầu nhút nhát dưới ánh đèn của các tàu câu mực. Những khi đó, anh Đảng thường đứng trước mũi tàu nhìn trăng, nhìn sao rồi quay người về hướng cabin tàu, lệnh: "Trăng đã lên, thôi về…".

Ảnh: CTV

Biển những ngày không trăng

Trước năm 2000, nhiều người thân của tôi ở xã Vĩnh An (Ba Tri) và An Thạnh (Thạnh Phú) Bến Tre đều sống nghề đi câu mực trên biển cả. Nghề câu mực xuất hiện tại đây khoảng năm 1988 rồi phát triển mạnh dần lên đến năm 1997. Đến cuối năm 1997, khi ngư dân  gặp đại nạn từ cơn bão Linda (bão số 5 – tháng 11-1997), nghề đi câu mực bắt đầu đi xuống. Nhiều bạn thân của tôi lần lượt bỏ nghề. Trong đó có ngư dân Đinh Văn Đảng, một chủ tàu câu mực ở chợ Bến Vinh (xã An Thạnh).

Theo thống kê của Sở Thủy sản các tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long lúc xảy ra bão Linda, số tàu đi câu mực bị đắm chìm giữa biển Đông chiếm trên 90% trong tổng số tàu bị bão dữ quật ngã, nhất là tàu câu mực xuất xứ từ Cà Mau. Sau bão thế kỷ, chưa hết bàng hoàng, thì những chủ tàu đi câu mực lại đối mặt với biển thất liên miên. Giá mực khô xuất khẩu cũng rớt dần từ 120.000 đồng/kg xuống còn 70.000 – 80.000 đồng/kg!...

Anh Đảng kể: "Với nghề câu mực, có thể coi đây là dấu ấn của bước phát triển nghề đánh bắt xa bờ. Tất cả thật mới lạ. Một người không đủ sức sắm một con tàu câu mực thì nhiều người hùn lại rồi mướn bạn (ngư dân đi câu mực) cùng ra khơi, ăn chia với nhau…".

Chuẩn bị thực phẩm cho một chuyến ra khơi. Ảnh: PLHH

Thủ thuật của nghề câu mực là dùng ánh đèn ống típ trên mỗi con tàu với hàng chục bóng, chông rọi xuống mặt biển, biến biển đêm thành một vùng sáng trắng quanh tàu. Đó là một hình thức dụ mực đến, vì giữa biển đêm, đàn mực rất thích "trửng giỡn" dưới ánh đèn. Lúc ấy, ngồi trên tàu, các bạn tha hồ mà thả cần câu câu mực. Đêm nào trời giông bão, biển động, mực "rong chơi" càng nhiều. Anh Đinh Văn Đảng kể tiếp: "Câu mực khỏi phải móc mồi như câu cá. "Mồi" câu mực là những đoạn dây kim tuyến đủ sắc màu. Màu càng sặc sỡ càng hấp dẫn chúng…".

Tiễn cha đi câu mực. Ảnh: PLHH

Để câu được mực, những đoạn dây kim tuyến kia được buộc vào sợi dây gân và phía dưới đó là những lưỡi câu bén ngót. Giữa biển đêm, qua ánh đèn từ trên tàu chiếu xuống biển, mực bám theo những sợi kim tuyến nhiều sắc màu lung linh mà cứ ngỡ là mồi lạ, chúng sáp vào. Lúc mực vừa sáp vào, người câu liền giựt mạnh cần câu, thế là mực dính vào lưỡi câu. Trong ba thủ thuật câu mực gồm hình thức: "câu nổi, câu đáy, câu vịn", các ngư dân đều sử dụng bằng… "mồi kim tuyến" để tóm mực. Sáng tạo ra cách tóm mực độc đáo này thuộc các "thầy" câu mực ở vùng duyên hải miền Trung truyền lại cho ngư dân ven biển đồng bằng sông Cửu Long.

Anh Đảng vỗ đùi: "Từ năm 1990 đến 1995, đi câu mực vừa trúng mực vừa trúng giá. Như tàu của tôi, một chuyến ra khơi, cỡ chót cũng kiếm trên 4 tạ (400 kg) mực khô. Lúc này Trung Quốc ăn hàng mực rất dữ. 1 kg mực khô loại một luôn ở mức 120.000 đồng. Như vậy mỗi chuyến ra khơi, sau khi trang trải các thứ, trung bình mỗi tàu thu vào ít nhất 30 triệu đồng. Mê lắm…".

Thăng trầm nghề câu mực

 "Vậy rồi sao anh lại bỏ nghề?..."- tôi vô tình ném vào ký ức anh Đảng viên đá nhọn. Anh Đảng đáp giọng buồn buồn: "Cái hên là trong cơn bão số 5 tàu của tôi không bị đắm dù đang đi câu tận ngoài biển Côn Đảo. Thế nhưng sau bão thế kỷ, bước vào năm 2000, đi câu mực bắt đầu thất bát, giá mực khô lại tuột xuống thê thảm. Đi câu mực không còn đủ sở hụi!".    

Giống như anh Đảng, anh Trương Văn Trắc (Chín Trắc) gốc xã Vĩnh An, từng là chủ một tàu câu mực nhưng do thua lỗ, anh sang tàu lại cho đứa em vợ (Năm Được) rồi ra Côn Đảo lập nghiệp.

Ra khơi. Ảnh: PLHH

Mỗi tháng một lần, Năm Được ghé vào Côn Đảo thăm Chín Trắc, tiện thể cho các bạn (thuyền viên) xả hơi sau những đêm thức trắng cùng biển. Năm Được cho biết, từ lúc Chín Trắc… buông con tàu cách đây gần 3 năm, Năm Được đi câu mực ở vùng biển gần Côn Đảo luôn luôn trúng. Nhiều chủ tàu đã nghỉ nghề trước đó nay cũng đã quay lại với nghề. Nghe Năm Được nói, Chín Trắc đâm ra tiếc nuối làm sao…

Đêm trên đất lạ Côn Đảo, tôi cùng các ngư dân đồng hương ngồi quay quần bên nhau uống rượu nếp Phú Lễ (Bến Tre) do tôi mang theo với "mồi bén"- khô mực Côn Đảo. Khô mực vùng biển Côn Đảo ăn rất ngọt, bắt ngây, ngọt hơn bất cứ loại mực ở đâu mà tôi đã ăn. Anh Năm Được khà khà: "Trước đây, vào mùa giông bão từ tháng 7 đến tháng 11 âm lịch, đi câu mực mới có nhiều mực. Nhưng bây giờ thì gần như quanh năm suốt tháng." Tôi hỏi:"Trung bình tàu của anh Năm mỗi chuyến câu được bao nhiêu mực?". "20 âm lịch tàu tôi đi, mùng 8 – 10 tàu về, tôi cân hết được khoảng 3 tạ mực khô (300 kg), có khi hơn.  Khô mực loại 1 hiện bán cho vựa 165.000 đồng/kg. Tàu tôi gồm 10 bạn cùng là anh em họ hàng, trang trải các thứ, mỗi bạn kiếm khoảng 2 triệu đồng/chuyến (câu nhiều hưởng nhiều), còn lại chủ tàu chừng 15 triệu đồng".

Ảnh: CTV

Nhưng đến năm 2010 -2011, đi câu mực bắt đầu thất bát trở lại, trong khi giá dầu mỡ, vật tư, nước đá, thực phẩm cái gì cũng nhích lên. Đáng quan tâm là bước vào năm 2012, Trung Quốc gần như không mua mực xuất khẩu của ta nữa. Đến Tết Quý Tỵ 2013, giá mực khô bán nội địa có nhích lên nhưng cũng chỉ khoảng 250.000 đ/kg, trong khi đó đi câu mực chuyến thất chuyến trúng, chi phí một chuyến đi tiếp tục tăng cao.

Một thời, nghề câu mực thu hút đông đảo ngư dân ven biển đồng bằng sông Cửu Long vào cuộc, giải quyết công ăn việc làm cho hàng vạn lao động lúc nông nhàn. Thế nhưng theo năm tháng, nghề này cũng lắm thăng trầm, không ít chủ tàu đã bỏ nghề tìm cuộc mưu sinh khác hoặc chuyển lên đi lưới đèn. Đeo đuổi nghề câu mực không nổi nữa, anh Tùng, một chủ tàu tại An Thạnh vừa bán con tàu của mình cho người khác, thổ lộ: "Mà muốn ra nghề lưới đèn thì phải đầu tư bạc tỷ, tụi này đâu đủ sức". Chiều tà, đứng trên bến đò chợ Bến Vinh, đôi mắt anh Tùng buồn rượi khi trông về biển…

Phan Lữ Hoàng Hà