Từ thế kỷ 16 - 17 đến nay, tàu thuyền của các nước phương Tây đi qua Biển Đông ngày càng tấp nập. Họ đến đây không chỉ để mở rộng giao thương mà còn để truyền giáo và truyền bá văn hoá phương Tây.
Trong quá trình qua lại Biển Đông, các nhà hàng hải và các nhà truyền giáo phương Tây đã viết và vẽ rất chi tiết về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa bằng kỹ thuật hiện đại nhất với mục tiêu là tránh rủi ro cho các chuyến hành trình trên biển mà những bãi đá trong 2 quần đảo này có thể gây ra. Để làm được điều đó, họ đã phải nghiên cứu rất kỹ về vùng biển và các quần đảo ở Biển Đông.
Bản đồ do Jodocus Hondius vẽ năm 1613 cho thấy quần đảo HoàngSa và Trường Sa thuộc về Việt Nam. Nguồn: Trần Đức Anh Sơn
Hiện tại các trung tâm lưu trữ trên thế giới còn lưu giữ nhiều bản đồ cổ, trong đó thể hiện 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Việt Nam. Đây là sự thừa nhận của quốc tế về sự quản lý, khai thác của nhà nước phong kiến Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Trong một công trình của mình, nhà nghiên cứu M.G Dumoutier đã đề cập đến một tập bản đồ Việt Nam vẽ vào cuối thế kỷ 15 gồm 24 mảnh, trong đó có mảnh thứ 19 đã thể hiện rõ ràng ở ngoài khơi tỉnh Quảng Ngãi có một bãi cát trải dài 500 - 600 hải lý mang tên Bãi Cát Vàng.
Trong rất nhiều bản đồ cổ giai đoạn thế kỷ 16, 17, 18 và 19 của các nhà truyền giáo, hàng hải Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan… đều đã vẽ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thành một dải liền nhau, hình lá cờ đuôi nheo nằm trải dài ngoài khơi dọc theo bờ biển miền Trung Việt Nam, trong đó có rất nhiều chấm nhỏ biểu thị các hòn đảo, bãi cát với hàng chữ Isle de Pracel. Điển hình là bản đồ: Livro da marinharia – fm Piinto năm 1560; Sinensis Oceanus (Biển Đông) của anh em Van Langren người Hà Lan in năm 1595; bản đồ Indiae Orientalis (bản đồ Đông Ấn) của nhà hàng hải Meccato in năm 1606 tại Amsterdam - Hà Lan; bản đồ hàng hải Châu Âu thế kỷ 15 - 16; bản đồ Đông Dương của Danvilleen vẽ năm 1735. Trong các bản đồ này trên bờ biển ở khu vực Đà Nẵng hiện nay đều có ghi dòng chữ Costa de Pracel nghĩa là bờ biển Pra - xen; 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được thể hiện như hình cờ đuôi nheo.
Năm 1838, Linh mục người Pháp Jean Louis Taberd(thông dịch viên của vua Minh Mạng) đã cho xuất bản cuốn từ điển La tinh – An Nam với sự đối chiếu khá đầy đủ ngữ và nghĩa từ tiếng Việt sang tiếng La tinh, trong đó đã sử dụng tấm bản đồ tên là An Nam Đại Quốc Họa Đồ kèm theo, thể hiện một phần của quần đảo Hoàng Sa nằm ngoài khơi các đảo gần bờ của An Nam với các tên Paracels seu Cat Vang (Pracel là tên người phương Tây đặt cho quần đảo Cát Vàng ở Biển Đông thuộc Việt Nam hay còn gọi là Hoàng Sa, trên bản đồ có ghi seu Pracel, seu trong tiếng La tinh được hiểu là "có nghĩa là", còn Hoàng Sa tất nhiên là từ Hán Việt chỉ "cát màu vàng").
Ông Taberd đã có dịp đi nhiều nơi, chính vì vậy ông đã dựa trên chứng cứ lịch sử cho ra đời tấm bản đồ có tên là An Nam Đại Quốc Họa Đồ. Đây là công trình mang tính xác thực nhất đầy đủ nhất về địa lý của Việt Nam thời kỳ bấy giờ, và là một minh chứng về chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa. Điều này phản ánh sự hiểu biết sâu sắc rất chính xác của người phương Tây về mối quan hệ giữa quần đảo Hoàng Sa và nước Đại Việt từ thế kỉ 16 đến đầu thế kỷ 19.
Jean Louis Taberd ghi chép rất rõ ràng về Paracels Seu Cat Vang như sau "…Chúng tôi không đi vào việc liệt kê những hòn đảo chính yếu của xứ Cochinchine. Chúng tôi chỉ xin lưu ý rằng, từ hơn 34 năm nay, quần đảo Paracels (Hoàng Sa) mà người Việt gọi là Cát Vàng gồm rất nhiều hòn đảo nhỏ chằng chịt với nhau, lởm chởm những đá nhô lên giữa những bãi cát đã được người Việt xứ Đàng Trong khai thác. Địa thế này khiến những người đi biển phải kinh sợ…"
Rõ ràng bản đồ này là bằng chứng mà người Phương Tây khẳng định rằng Hoàng Sa là của Việt Nam, chứ không thể như Trung Quốc gọi là Tây Sa khi nói về quần đảo này.
Nếu đem so sánh với các bản đồ cổ của Việt Nam cùng thời như Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ (1840) thì hầu hết các bản đồ của các nước trên thế giới đều vẽ quần đảo Pracel hay Cát Vàng (gồm cả Hoàng Sa lẫn Trường Sa) đúng với hình dáng và vị trí của Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa do Quốc sử quán triều Minh Mạng công bố.
Bên cạnh đó, tại các trung tâm lưu trữ của Đức và Hà Lan hiện đang lưu giữ rất nhiều cuốn sách địa lý, từ điển, bản đồ vẽ mô tả Hoàng Sa, Trường Sa liền một dải hình lá cờ đuôi nheo hoặc chuôi dao. Nhiều tài liệu trong số đó còn ghi rõ hai quần đảo thuộc vương quốc An Nam. Tại Hà Lan hiện đang lưu giữ 10 tập bản đồ của Công ty Đông Ấn vẽ trong thế kỷ 17 – 18, trong đó có tấm bản đồ vùng bờ biển Vương quốc Đàng Trong và Đàng Ngoài, gồm cả quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được phác thảo năm 1695.
Tấm bản đồ của John Tallis (1851) được in trong cuốn Early maps times to the mid - 19th century của R.T.Fell do nhà xuất bản Đại học Oxford ấn hành tại Singapore năm 1988. Bản đồ này gần giống với các bản đồ Đông Nam Á hiện đại, trong đó các quần đảo ở Biển Đông đã được thể hiện riêng biệt. Quần đảo Hoàng Sa được ghi là Paracels, thu lên phía Bắc ngoài khơi Biển Đông. Bản đồ phân biệt một cách rạch ròi Paracels (Hoàng Sa) với Maccelesfield Bank và nhóm đảo thuộc quần đảo Spratlys (Trường Sa) ở phía Nam.
"Chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa đã được thế giới và cả người Trung Quốc từ xưa khẳng định qua các đồ bản từ hàng trăm năm trước"
Tấm bản đồ Châu Á của Heinrich Kiepert (1818 - 1899). Nguyên bản được khắc in trong tập bản đồ của Kiert vào năm 1860 tại Berlin (Đức) và in lại trong cuốn Asia in maps from acient times to the mid - 19th century xuất bản tại Leipzig (Đức) năm 1989. Đây là tấm bản đồ giữa thế kỷ XIX vẽ hình thể Châu Á, trong đó có Đông Nam Á khá hoàn chỉnh, chính xác, gần giống với bản đồ ngày nay. Ngoài khơi Biển Đông có ghi quần đảo Paracels và phân biệt với các đảo phía nam (khoảng phía trên vĩ tuyến 10º).
Những tấm bản đồ của phương Tây về 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trong hơn hai thế kỷ qua hoàn toàn phù hợp với những nội dung đã được ghi chép lại trong các văn kiện pháp lý, sử sách và bản đồ cùng thời của Việt Nam; là nguồn tư liệu quý củng cố một cách vững chắc các cơ sở pháp lý về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cũng cần nhấn mạnh rằng, trong thời gian này, các tài liệu nước ngoài không hề nhắc đến bất kỳ dấu hiệu nào dù là nhỏ nhất về chủ quyền, hay thậm chí là yêu sách của Trung Quốc đối với 2 quần đảo này.
Một điều rất thú vị là trong các bản đồ của Trung Quốc cho đến đầu thế kỷ 20 thể hiện lãnh thổ Trung Quốc kết thúc ở đảo Hải Nam Trung Quốc, không có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong số đó có tấm bản đồ Hoàng Triều Trực Tỉnh Địa Dư Toàn Đồ do Triều Thanh xuất bản năm 1904 mà Tiến sĩ Mai Hồng đã trao tặng cho Bảo tàng Lịch sử Việt sử Việt Nam năm 2012.
Hoàng Triều Trực Tỉnh Địa Dư Toàn Đồ do nhà xuất bản Thượng Hải, Trung Quốc in bằng chất liệu giấy, in màu, có bìa cứng ở ngoài, gấp gọn lại như một cuốn sách. Tấm bản đồ này gồm 35 miếng ghép, mỗi miếng ghép có kích cỡ 20 x 30. Tấm bản đồ còn khá nguyên vẹn. Đây là một công trình tiếp thu phông tư liệu đời Tần, đời Hán rồi được viết liên tục trong gần 2 thế kỷ từ thời vua Khang Hi đến thời vua Quang Tự ở Trung Quốc. Tấm bản đồ được đích thân các hoàng đế Nhà Thanh huy động lực lượng giáo sĩ, những người tài giỏi về thiên văn và toán pháp điền dã thực hiện.
Trong tấm bản đồ này, điểm cực Nam của lãnh thổ Trung Quốc được kết thúc ở đảo Hải Nam. Với tấm bản đồ của Nhà nước được vẽ rất chi tiết, cụ thể theo kỹ thuật phương Tây, với hệ kinh vĩ độ khá chuẩn xác, gần giống như bản đồ ngày nay, nhưng không hề đề cập đến Hoàng Sa và Trường Sa chứng tỏ các nhà nước phong kiến Trung Quốc không có bất kỳ biện pháp nào để thực hiện cái gọi là "chủ quyền của Trung Quốc" đối với 2 quần đảo này, thậm chí không hề quan tâm tới sự tồn tại của chúng.
Cực Nam lãnh thổ Trung Quốc dừng lại tại Nhai Châu (tận cùng của đảo Hải Nam).
Hoàng dư toàn lãm đồ, công trình do chính hoàng đế Khang Hi thứ 58 chủ trì,
hoàn thành năm 1719, ghi rõ.
Ngoài ra, còn rất nhiều bản đồ khác của Trung Quốc vẽ lãnh thổ Trung Quốc kết thúc ở đảo Hải Nam như: tấm Hoàng Triều Phủ Sảnh Châu Huyện Toàn Đồ năm 1856; tấm Hoàng Triều Nhất Thống Đồ năm 1910; tấm Quảng Đông Đồ năm 1910; Trung Hoa Dân Quốc Toàn Đồ….
Không chỉ những người trong nước mà những người Việt Nam sống ở hải ngoại cũng rất quan tâm đến việc sưu tầm các tấm bản đồ liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Tiêu biểu là ông Trần Thắng, Việt kiều đang sinh sống tại Hoa Kỳ. Ông Thắng đã dày công sưu tầm hàng trăm tấm bản đồ của các nước liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa và năm 2012, ông đã trao tặng cho Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế Đà Nẵng 150 tấm bản đồ, gồm nhiều tấm bản đồ của phương Tây, của Trung Quốc và 3 cuốn atlas của Trung Quốc.
Cuốn atlas Trung Quốc địa đồ xuất bản năm 1908 bằng tiếng Anh. Atlas này gồm 1 bản đồ tổng thể vẽ toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc và 22 bản đồ vẽ các tỉnh của Trung Quốc. Đây là cuốn atlas chính thức do The China Inland Missio có trụ sở ở Trung Quốc, Anh, Mỹ, Canada, Úc biên soạn và phát hànhới sự hỗ trợ của Tổng cục Bưu chính của nhà Thanh.
Cuốn atlas Trung Hoa bưu chính dư đồ, do Tổng cục Bưu chính, thuộc Bộ giao thông Trung Quốc xuất bản tại Nam Kinh năm 1919.
Cuốn atlas Trung Hoa bưu chính dư đồ, do Tổng cục Bưu chính, thuộc Bộ giao thông Trung Quốc xuất bản tại Nam Kinh năm 1933.
Những cuốn atlas này là sản phẩm của chương trình thiết lập bản đồ bưu chính trong phạm vi cả nước Trung Quốc, do nhà Thanh vạch ra vào năm 1906 và được chính phủ Trung Hoa Dân Quốc kế tục vào các năm sau đó. Trong các bản đồ của các cuốn atlas này, cương giới phía Nam của Trung Quốc giới hạn ở điểm cực Nam của đảo Hải Nam. Như vậy, có thể thấy rằng ngay các bản đồ của Trung Quốc đã khẳng định 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chưa bao giờ là lãnh thổ của Trung Quốc.
Như vậy, chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa đã được thế giới và cả người Trung Quốc từ xưa khẳng định qua các đồ bản từ hàng trăm năm trước./.
(Biendong.net)
Nguồn: vietnam.vn