Site banner

Rau mùa nước nổi

Vào khoảng cuối tháng 7 đầu tháng 8 âm lịch, những vùng đất bưng biền, đìa, vũng, ao, vùng nước ngập, nước nổi có những loại rau vùng nước nổi rất "độc chiêu". Mùa nước nổi, khi các loài rau trên cạn bị ngập nước, khan hiếm, các loại rau đặc trưng mùa nước nổi mọc ở đầm, đìa, mương… ở vùng Thạnh Phú lại phát triển mạnh mẽ. Lúc còn nhỏ tôi vẫn thường cùng các chị bơi xuồng đi hái rau mọc trên Bàu Giá (Giá là một loại cây mọc ở Bàu) về ăn cá kho, mắm kho.

Bông Súng là loại rau nước cọng tròn, có khi dài hàng chục mét dưới các ao, đầm, lung, bàu. Bông súng tước vỏ nấu canh chua, bóp gỏi, ăn sống rất ngon. Nói đến ăn bông súng, tôi lại nhớ ba tôi, những lúc đi đắp bờ ruộng tới trưa hai cha con ngồi bờ đìa ăn cơm. Ông thường vói tay ngắt mấy cọng rau muống, xong tước vỏ ăn liền, ngon ơi là ngon. Đặc biệt, bông súng ăn với mắm kho hoặc lẩu mắm thì ngon trên cả tuyệt vời.

Ảnh: S.T

Lại trở lại chuyện bơi xuồng hái rau trên vùng Bàu Giá, thú vị vô cùng. Loại rau "độc chiêu" trên vùng Bàu Giá và Bàu Sen quê tôi - đó là bông điên điển, loại bông vàng nghín, tươi tắn, mọc vàng cả đầu Bàu quê tôi và khắp cả Bàu Giá. Điên điển bông nhỏ, chuyên mọc dưới ao, đầm, bàu, rất tươi tắn bởi màu vàng rực rỡ. Bông điên điển mà đem ăn sống, làm gỏi, chấm mắm kho, cực kì tuyệt diệu. Hái xong bông điên điển, lúc trở về, chị Bảy - nay đã hi sinh trong kháng chiến chống Mĩ, nhà bác Hai gái có bà là Bà Mẹ Anh hùng đã bắt sẵn nước sôi. Thế là mấy chị em, người đi dở bung, dở lộp, người rửa rau, thoáng chốc cả nhà bác Hai và chúng tôi đã ngồi vào mâm cơm Tàu Hương ăn thật ngon, vui như Tết.

Điên điển là loại rau và rau đặc trưng trong mùa nước nổi ở vùng sông Tiền và sông Hậu, vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đây là loại hoa, loại rau mà mỗi lần ở xa nhắc đến quê nhà, lòng của tôi cứ nghe rưng rức, nhói lên trong tim nỗi nhớ nhà, nhớ quê không thể nào khuây.

Ảnh: S.T

Rau mác, lục bình là loại rau dân dã, rất đổi gần gũi với cư dân vùng đồng bằng sông Cửu Long từ thời mở đất khai hoang cho đến tận bây giờ. Rau mác hơi giống lục bình nhưng thân và lá trắng sáng hơn. Lá rau mác có đầu nhọn hình tam giác cân. Người ta tước lấy phần non nằm trong ruột của rau mác để chấm mắm kho, ăn sống hoặc nấu canh chua. Bông lục bình màu tím, một màu nhớ thương da diết. Được tước khỏi thân lục bình, bông lục bình ăn như rau sống rất ngon. Lục bình được dân ở sát sông sử dụng làm dụng cụ chống sạt lỡ bờ sông. Thân phơi khô, lục bình được dùng làm phân và hiện nay được đan thảm sử dụng thành mặt hàng xuất khẩu rất đẹp.

Ảnh: S.T

Chúng ta không thể nào quên bông so đũa khi mùa cá linh lại về. Bông so đũa trổ bông vào giữa tháng 10 âm lịch. Bông so đũa cũng ăn sống như rau và đặc biệt tuyệt vời khi nấu canh chua tép, canh chua cá lóc, canh chua cá linh… Ngày nay, người ta không ưa bông so đũa tím nữa mà phải là bông so đũa trắng. Những trái so đũa non, mọc so kè như đũa đang chờ so nên gọi là so đũa. Trái so đũa non xào tép ăn ngon không kém gì đậu bún, đậu cô ve.

Các loại rau mùa nước nổi còn nhiều nữa, nói chung vùng đồng bằng sông Cửu Long và nói riêng vùng đất ba cù lao Bến Tre không sợ thiếu rau trong các bữa ăn thanh đạm mà ngon đến tuyệt vời.

Nguyễn Việt Dân.