Site banner

Sức bật Châu Bình (Giồng Trôm)

Châu Bình – Xã “Nông thôn mới” hôm nay quả có khác. Và, càng ấn tượng hơn để các địa phương khác trân trọng, học tập, đó là xã đầu tiên của tỉnh năm 2014 được công nhận danh hiệu danh giá này. Dù điểm xuất phát rất thấp, nhưng nay đang được xếp tốp đầu về mọi mặt trong huyện. Song Châu Bình không dừng lại ở đó, Châu Bình còn tham vọng chinh phục những đỉnh cao khác.

Hằng năm, đôi ba lần tôi về thăm Châu Bình, là mỗi lần niềm cảm xúc luôn tươi mới. Những con đường làng mang tên Trần Văn Cuộc, 19 tháng 5, ... đầy hoa kiểng, rực rỡ sắc màu. Đi qua đây tôi có cảm giác như đang đi trên các cung đường của T.p Đà Lạt. Duy có mỗi điều là nơi này không có đồi dốc. Đổi lại, những vườn dừa bạc ngàn gần 2000ha, lẫn trong những vườn cây ăn trái, chiếm hàng trăm ha trù phú. Với nhiều con đường bê-tông rộng mở, thông thoáng cho hằng ngày lũ học trò bon bon trên xe đạp điện lên trường huyện. Ngoài ra, có chừng 30 chiếc xe tải lớn nhỏ và 20 chiếc xe khách, xe con của người địa phương. Điển hình như anh Ba Hiệp, có đến ba chiếc xe loại 16 chỗ ngồi, hằng ngày lăn bánh đến từng xóm ấp phục vụ việc đi lại cho bà con. Và những chiếc xe tải, chở hàng nông sản ở đây đi khắp nơi. Cũng như chở các mặt hàng khác cho các cửa hàng vật liệu xây dựng, tạp hóa... ở đây phục vụ nhu cầu cho người tiêu dùng.

Anh Võ Lâm Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân xã, từng là Chủ tịch UBND xã Châu Bình, nên anh thuộc nết đất, nết người ở đây như  lòng bàn tay mình. Anh cho biết, sở dĩ Châu Bình có được hệ thống giao thông nông thôn tốt không bị sạt lở, phải tôn tạo lại  như nhiều địa phương khác là vì nhiều đời lãnh đạo ở đây đều có tầm nhìn xa và trăn trở về vấn đề này. Ý thức về tầm quan trọng của giao thông, nên qui hoạch mở rộng đường ngay lúc đầu. Cũng như việc trường lớp, giáo dục, vì đây là hai trong 19 tiêu chí then chốt để Châu Bình sớm được công nhận xã “Nông thôn mới”. Bởi anh cùng nhiều cán bộ lãnh đạo ở đây hơn hai mươi năm trước, hằng ngày, bốn giờ sáng đã phải thức dậy, “lục cơm nguội”  ăn mà cuốc bộ lên thị trấn Giồng Trôm,  xa hàng chục cây số để chắt chiu đãi từng con chữ thời học phổ thông. Hay như ở Châu Bình có người bệnh, không cách nào khác là năm bảy người đàn ông thay phiên nhau, hối hả khiên bằng võng lên bệnh viện huyện. Đồng thời cùng lắm điều gian khó khác mà Châu Bình phải gánh chịu bởi chiến tranh và điều kiện phong thổ, nước mặn. Giai đoạn ấy dân Châu Bình muốn lên huyện phải “đi ké” con đường đất xẻ qua cánh đồng của Trại giam K20 vừa mới xây dựng. Mùa mưa lầy lội. Nếu có xe thì cũng không thể nào lăn bánh.

Châu Bình có bốn khung trường thì đã có ba khung đạt chuẩn. Đạt tỉ lệ 75%. Từ trong báo cáo cũng như tìm hiểu trong dân, không hề nghe có trẻ em bỏ học, vượt tỉ lệ cho phép. Tôi choáng ngợp trong niềm vui bởi sức bật của Châu Bình ít nơi sánh kịp. Đồng thời, hầu như không có lao động trẻ. Hằng ngày, người dân muốn tìm người làm các công việc phổ thông rất khó. Tất cả được học hành. Đi làm việc, hoặc làm công nhân ở các khu công nghiệp. Bên cạnh, không ít gia đình có điều kiện cho con em đi lao động xuất khẩu, mang về một lượng ngoại tệ đáng kể. Góp phần vào sự phồn thịnh cho quê hương. Và từ xã “Nông thôn mới”, mỗi ngày càng có thêm nhiều người con của quê hương thành đạt. Họ là cán bộ giảng dạy các trường đại học. Hoặc ra trường làm việc ở khắp nơi. Đơn cử trường hợp vợ chồng anh Nguyễn Văn Khai. Anh chị nhổ lông vịt mướn. Vậy mà có hai người con đều là bác sĩ đang công tác tại  hai bệnh viện lớn tại Tp. Hồ Chí Minh.

Ở đây rất nhiều người thông thạo về sử dụng máy vi tính. Cụ thể như anh Trận, anh Toàn. Qua kinh nghiệm, trồng bưởi rép phải xây mô cao hơn bưởi bó nhánh. Đất xẻ rãnh để tránh ngập nước, không tạo điều kiện cho tuyến trùng gây tổn thương rễ cây, dẫn đến cây có hiện tượng “ngủ ngày”. Hay khi cây bị nấm kháng thư, rệp sáp... hoặc  loại côn trùng gây hại sự phát triển của bưởi, phải xử lý loại thuốc nào. Họ thuộc lòng những “bài thuốc” trị chúng một cách triệt để. Điều đó đã nói lên xã “Nông thôn mới” được công nhận bắt đầu từ những việc nhỏ như thế. Như việc anh Hai Toàn mang túi phân thỏ  xa đến cả cây số để bón cho cây bưởi vườn nhà. (“Quả là “Gom từng tí phân/ Nhặt từng cọng cỏ/ Ta nâng niu gom góp dựng cơ đồ” như thơ Tố Hữu). Điều khả quan là trong diễn trình xã “Nông thôn mới”, giúp cho Chính quyền vốn đã quyết tâm càng quyết tâm hơn. Cũng như suy tư, nhằm tìm ra hướng đi cho nông dân. Gần đây Châu Bình đã thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp. Trước mắt, chủ yếu về mặt dịch vụ. Hiện đã có 156 thành viên tham gia. Ông Hồ Văn Hùng, Giám đốc Hợp tác xã đã ký họp đồng với Khu Công nghiệp Giao Long về cung cấp dừa Xiêm (dừa uống nước) và Công ty dừa Lương Quới, về dừa khô (dừa lấy dầu). Lâu nay bà con bán dừa cho thương lái vườn với giá khá thấp. Nay mặt hàng nông sản này được Chính quyền địa phương tổ chức “thu về một mối”, bán có giá hơn, nên bà con rất phấn khởi. Hy vọng với năng lực và tấm lòng của ông Hùng – Người con của Châu Bình từng làm lãnh đạo ở đây, một ngày không xa, tìm thị trường cho loài cây ăn trái như: bưởi da xanh, chanh, quít... cũng có đầu ra như vậy. Ít nhiều, bằng cách này cách khác giúp cho 11 hộ nghèo còn lại trong xã có công việc tốt, rút dần khoảng cách với những hộ khá, giàu. Qua đó nhằm ổn định hơn danh hiệu xã “Nông thôn mới”.

Châu Bình có đến hai ngôi chợ xã. Chợ Châu Bình và chợ Bình Long. Điều kiện tốt này là một lợi thế, thúc đẩy cho Châu Bình phát triển lên từng ngày. Chợ Bình Long hai mươi năm trước chỉ là “chợ chồm hổm”. Dăm ba người mua bán cá tép lẻ ở dưới dốc cầu K20. Chợ phát triển dần theo nhu cầu đi lên của xã hội. Mặt khác, khi có chủ trương  xây dựng “Nông thôn mới” , Chính quyền có kế hoạch hỗ trợ cho bà con tiểu thương về nhiều mặt, vận động thực hiện tiêu chí “Nông thôn mới” trong kinh doanh. Đồng thời chợ này tọa lạc gần ngã tư vòng xoay, giao lộ chính của xã, đi nhiều nơi trong huyện, cũng như các xã của Ba Tri, nên việc mua bán rất sầm uất. Dù là chợ không nằm ngay trung tâm như chợ Châu Bình, lại ở vùng quê, nhưng hàng hóa đầy đủ chẳng thua kém gì chợ Giồng Trôm. Từ  đó giá đất mặt tiền cũng “bò theo”. Anh Võ Lâm Sơn chia vui với tôi, anh vừa tậu mảnh đất mặt tiền chưa đầy 100m2  để xây nhà ở, với giá ba trăm triệu đồng. Như vậy “đất vàng” ở đây chẳng kém gì so với đất ở thị trấn Giồng Trôm. Từ đó không ít người ở các địa phương khác đua nhau về đây sang đất để tìm cơ hội.

Nhằm để không mang tiếng là “đánh trống bỏ dùi”, Ban chỉ đạo xây dựng “Nông thôn mới” luôn theo dõi thường xuyên chủ trương nâng chất 19 tiêu chí “Nông thôn mới”. Chỉ chín tháng đầu năm 2017, đã có kết quả thực hiện xây dựng nông thôn mới, thông qua bản báo cáo rất cụ thể. Tập thể lãnh đạo ở đây hầu như không có khái niệm ngày giờ làm việc. Minh chứng cho điều đó là ngay ngày chúa nhật tôi gọi điện cho anh Huỳnh Ngọc Chiến, Chủ tịch xã, hẹn ngày đến làm việc để thực hiện bài viết này, thì đang lúc anh đi khảo sát để công trình giao thông liên tổ. Anh phải gọi điện nhờ đến vị khác để tiếp tôi. Bà con ở đây vui vẻ cho biết cán bộ ở đây là như vậy. Mới hay giữ vững và phát huy xã “Nông thôn mới” không những bằng trách nhiệm mà cả tấm lòng của lãnh đạo địa phương và người dân. May thay, Châu Bình hiện có bốn cán bộ đã qua đại học. Nên họ bản lĩnh về chính trị hơn, ý thức sâu sắc về trách nhiệm để hoàn thành công việc.

Vị lãnh đạo xã Châu Bình nào cũng để lại dấu ấn. Từ ông Đào Công Huệ, Trương Văn Mách, Hồ Văn Hùng... . Đặc biệt, ông Đào Văn Hội, vị cựu Bí thư ở đây đã góp phần đưa Châu Bình đi lên từng ngày. Ông từng được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng II và nhiều bằng khen. Hiện ông đang là Bí thư của xã Bình Thành. Và xã này cũng được công nhận xã “Nông thôn mới”.

Trong các bản báo cáo của Châu Bình gần đây, thể hiện từng số liệu cụ thể. Qua đó cho tôi sự khái quát về năng lực, tuyên truyền, triển khai, chỉ đạo... cũng như theo dõi, duy trì như thế nào. Không ít người ở địa phương khác ghen tỵ, cho rằng Châu Bình được như hôm nay bởi sự ưu ái về đầu tư. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Đành rằng với có chính sách, quan tâm cho xã vùng sâu, vùng xa, lại ảnh hưởng rất lớn về chiến tranh. Song xét cho cùng vấn đề con người mới là yếu tố quyết định. Cũng từ kết quả nổi bật nên không ít người con của Châu Bình xa quê thành đạt, gửi tiền về hỗ trợ cho việc xây dựng giao thông nông thôn. Trong đó ông Khưu Thoại Sĩ là trường hợp điển hình. Ông đã “rót” cho Châu Bình bạc tỉ.

Tôi ví von với mọi người rằng: Một mặt nào đó, Châu Bình hôm nay như tập thể của đội bóng chuyền. Có điều kiện sân bãi tốt, lại có đầu tư đúng mức. Đồng thời có huấn luyện viên, trợ lý giỏi, đưa ra chiến thuật thi đấu hợp lý. Các cầu thủ đều gắn kết, nhìn về một mục tiêu, duy trì phong độ và vào ba bước theo phương lấy đà đúng bài bản để dốc hết sức bật, lên đập bóng, ắt sẽ mang về thắng lợi. Sự so sánh nào cũng khập khểnh, trường hợp của tôi vừa nêu cũng không khác. Song xã “Nông thôn mới” Châu Bình để các địa phương khác ngưỡng mộ là điều không có ai có thể phủ nhận được. Tôi đoan chắc như vậy.

Phạm Bội Anh Thuyên