Site banner

Tài liệu định hướng công tác tuyên huấn về Biển đảo - Kỳ 1

Kỳ 1: Khái quát tình hình Biển Đông

  1. Khái quát về Biển Đông

Biển Đông (Xem hình số 1) là một biển nửa kín, rộng xấp xỉ 3,5 triệu km2, được bao bọc bởi chín nước là Việt Nam, Trung Quốc (bao gồm cả Đài Loan), Phi-líp-pin, Ma-lai-xi-a, Bru-nây, In-đô-nê-xi-a, Thái Lan, Căm-pu-chia và Xinh-ga-po.

Biển Đông là tuyến vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai thế giới sau tuyến Địa Trung Hải với khoảng 150-200 tàu trọng tải lớn qua lại mỗi ngày. Các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Nhật Bản phụ thuộc nhiều vào tuyến hàng hải qua Biển Đông(70% dầu lửa nhập khẩu của Trung Quốc qua Biển Đông). Biển Đông giàu tài nguyên như dầu, khí đốt và nhiều loại khoáng sản có giá trị cao như sắt, ti tan, cát thủy tinh, đặc biệt có loại khí đốt gọi là băng cháy với trữ lượng được đánh giá tương đương với trữ lượng dầu khí; nguồn tài nguyên thủy sản to lớn (với hơn 1.000 loài cá, trong đó có hơn 20 loài có giá trị cao). Biển Đông đem lại cho các quốc gia ven Biển Đông những điều kiện tự nhiên thuận lợi to lớn để xây dựng và phát triển kinh tế.

Biển Đông có vị trí chiến lược quan trọng, nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương và Ấn Độ Dương và được quốc tế quan tâm vì liên quan đến vấn đề tự do, an ninh, an toàn hàng hải. Biển Đông cũng là nơi tồn tại tranh chấp chủ quyền lãnh thổ hết sức phức tạp, liên quan đến nhiều nước như giữa Việt Nam và Trung Quốc (đối với quần đảo Hoàng Sa); giữa Việt Nam, Trung Quốc (bao gồm cả Đài Loan), Phi-líp-pin, Ma-lai-xi-a, Bru-nây (đối với quần đảo Trường Sa).

Quần đảo Hoàng Sa nằm trong khu vực biển khoảng từ 15o45’ đến 17o15’ vĩ độ Bắc, 111o đến 113o kinh độ Đông, gồm trên 30 đảo, đá, cồn san hô, đá ngầm và bãi cạn được chia thành hai nhóm (nhóm An Vĩnh ở phía Đông và nhóm Lưỡi Liềm ở phía Tây), cách đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam khoảng 120 hải lý. Diện tích toàn bộ phần đất nổi của quần đảo khoảng 10 km2 và đảo lớn nhất là đảo Phú Lâm, diện tích khoảng 1,5 km2. Quần đảo Trường Sa nằm trong khu vực biển khoảng từ 6o50’ đến 12o vĩ độ Bắc, 111o30’ đến 117o20’ kinh độ Đông, gồm hơn 100 hòn đảo, đá, cồn san hô và bãi cát, cách Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) khoảng 248 hải lý, cách đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) khoảng 203 hải lý; trong đó có một số đảo quan trọng như đảo Trường Sa, An Bang, Ba Bình, Nam Yết, Loại Ta, Thị Tứ, Song Tử Đông, Song Tử Tây v.v… Diện tích toàn bộ phần đất nội cùa quần đảo khoảng 3 km2, trong đó đảo Ba Bình lớn nhất, rộng khoảng 0,5 km2.

Việt Nam có bờ biển dài hơn 3.260 km, có hơn 3.000 hòn đảo nằm trên thềm lục địa và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Hầu hết các ngành kinh tế mũi nhọn của nước ta đều gắn với biển như dầu khí, du lịch, thủy sản, giao thông vận tải, đóng tàu v.v…, giá trị thu được từ các ngành kinh tế biển chiếm trên 40% GDP của cả nước. Do vậy, Biển Đông là vấn đề liên quan mật thiết đến tình hình an ninh, chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

  1. Thực trạng tranh chấp ở Biển Đông và quan điểm của các nước
  1. Tranh chấp ở Biển Đông

1.1 Tranh chấp Biển Đông trong thế kỷ 20

Từ xa xưa, ít nhất là từ thế kỷ 17, Việt Nam đã xác lập, thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách hòa bình, liên tục. Trung Quốc chỉ bắt đầu yêu sách quần đảo “Tây Sa” (Hoàng Sa) từ năm 1909 với sự kiện Đô đốc Quảng Đông Lý Chuẩn đưa 170 lính thủy đổ bộ chớp nhoáng lên một số đảo Hoàng Sa ít nhất từ mấy trăm năm trước đã là lãnh thổ của Việt Nam, không còn là đất vô chủ nữa. Sau khi đô hộ Việt Nam, Pháp đã nhân danh Việt Nam tiếp tục thực thi chủ quyền và quản lý hữu hiệu hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sau khi ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, Pháp đã chuyển giao hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Việt Nam Cộng hòa (chính quyền Sài Gòn). Đến năm 1956, Trung Quốc sử dụng vũ lực để chiếm đóng một số đảo, bãi lúc đó do Việt Nam Cộng hòa chiếm giữ tại quần đảo này và chính thức hiện diện tại quần đảo Hoàng Sa.

Từ những năm 70 của thế kỷ 20, tranh chấp chủ quyền biển, đảo ở Biển Đông trở nên căng thẳng hơn. Năm 1974, Trung Quốc sử dụng vũ lực đánh chiếm các đảo, bãi còn lại của quần đảo Hoàng Sa do Việt Nam Cộng hòa chiếm giữ và chiếm đóng toàn bộ quần đảo này kể từ đó tới nay. Trong thập niên 80, tình hình liên quan quần đảo Trường Sa xảy ra những sự kiện đột biến, phức tạp, đe dọa hòa bình và ổn định của khu vực với việc các nước đưa ra yêu sách chủ quyền và cho quân chiếm đóng các đảo, bãi tại quần đảo này. Đặc biệt, năm 1988, Trung Quốc sử dụng vũ lực đánh chiếm một số đảo, bãi ở quần đảo Trường Sa; và năm 1995, Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm bãi Vành Khăn lúc đó do Phi-líp-pin chiếm đóng.

1.2  Thực trạng tranh chấp ở Biển Đông

Tranh chấp ở Biển Đông hiện nay có 02 loại là tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ và tranh chấp về việc xác định ranh giới các vùng biển chồng lấn (lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa) của các bên liên quan, hay còn gọi là tranh chấp về phân định biển.

  1. Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông

Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông bao gồm tranh chấp đối với 02 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Quần đảo Hoàng Sa là đối tượng tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc (bao gồm cả Đài Loan). Quần đảo Trường Sa là đối tượng tranh chấp giữa 5 nước, 6 bên gồm Việt Nam, Trung Quốc, Phi-líp-pin, Ma-lai-xi-a, Bru-nây và một bên là Đài Loan.

Trung Quốc hiện đang chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Tại quần đảo Trường Sa, Việt Nam đang quản lý và đóng quân trên 21 đảo và bãi, Phi-líp-pin 9 đảo và bãi; Trung Quốc 7 đảo và bãi, Ma-lai-xi-a 5 đảo và bãi, Đài Loan 1 đảo (đảo Ba Bình là đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa). Bru-nây không chiếm giữ bất kỳ đảo, bãi nào.

  1. Tranh chấp các vùng biển

Theo công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam và các nước ven Biển Đông khác có quyền có vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý, thềm lục địa rộng tối thiểu 200 hải lý và có thể mở rộng ra đến 350 hải lý. Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên Biển Đông là biển nửa kín, chiều rộng của một số khu vực tính từ đường cơ sở của các quốc gia có bờ biển đối diện (Vịnh Bắc Bộ, khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, Vịnh Thái Lan v.v…) dưới 400 hải lý nên có sự chồng lấn về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia tại những khu vực này. Ở Biển Đông, Việt Nam có chồng lấn về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa với Trung Quốc trong Vịnh Bắc Bộ và ở khu vực ngoài cửa Vịnh; với Căm-pu-chia, Thái Lan và Ma-lai-xi-a trong Vịnh Thái Lan; và với In-đô-nê-xi-a ở phía Nam đã đàm phán và ký hiệp định phân định biển với các nước láng giềng (Xem phần B.III.4).

(còn nữa)

Bộ Ngoại giao - UB Biên giới Quốc gia