Site banner

Thạnh Phú công bố nhãn hiệu tập thể “Lúa sạch Thạnh Phú”

Ngày 20/01/2017, tại Hội trường UBND xã An Nhơn, Sở Khoa học và công nghệ tỉnh phối hợp với UBND huyện Thạnh Phú tổ chức lễ công bố nhãn hiệu tập thể “Lúa sạch Thạnh Phú”. Ông Nguyễn Quốc Bảo, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh; ông Nguyễn Văn Vưng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ tỉnh; ông Mai Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện đến dự.

  Tại buổi lễ, các đại biểu được giới thiệu về sản phẩm lúa sạch của huyện, được nghe phổ biến các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu. Lãnh đạo Sở Khoa học và công nghệ đã công bố và trao giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho đại diện Tổ Hợp tác “Lúa sạch Thạnh Phú” ở ấp An Hòa, xã An Nhơn.

Ảnh: Trao giấy chứng nhận cho đại diện Tổ hợp tác

Thời gian qua, UBND huyện tăng cường chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với Tổ hợp tác lúa sạch ở ấp An Hòa, xã An Nhơn tiến hành lập hồ sơ đề nghị công nhận nhãn hiệu tập thể “Lúa sạch Thạnh Phú”. Qua thời gian xem xét, đến ngày 21/9/2016 Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và công nghệ ký quyết định cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Lúa sạch Thạnh Phú”. Thời hạn sử dụng 10 năm, sau đó đăng ký tái công nhận nhãn hiệu.

“Lúa sạch” là lúa vụ mùa mỗi năm chỉ làm một vụ, trong thời gian trồng lúa có thể kết hợp nuôi tôm, hoặc làm một vụ lúa một vụ tôm. Cũng do nuôi tôm nên nông dân không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học để bón cho lúa góp phần tạo ra những sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, từ đó nâng cao giá trị hàng hóa cho cả con tôm và cây lúa.

Ảnh: Nông dân thu hoạch lúa

Trước đây, nông dân thường trồng các giống lúa mùa truyền thống như Nàng Keo, Nhỏ Hương, Tép Trắng,...thời gian kéo dài khoảng 6 tháng. Từ năm 2013, các giống lúa ngắn ngày như: OM 6162, OM 4900, OM 5451, OM 3536,...được nông dân lựa chọn trồng nhằm tránh hạn mặn và đáp ứng nhu cầu của thị trường. Các giống lúa mới trồng từ tháng 7 âm lịch đến tháng 11 âm lịch thì thu hoạch, thời gian trồng được rút ngắn và cho năng suất cao hơn giống lúa mùa trước kia. Nếu trước đây làm lúa mùa chỉ đạt khoảng 3 tấn/ha, thì nay các giống lúa mới tăng lên trên 4 tấn/ha.

Ảnh: Đại biểu tham quan gạo sạch

Hiện nay, làm lúa kết hợp nuôi tôm được phổ biến rộng khắp trong các hộ trồng lúa ở huyện Thạnh Phú. Dựa vào điều kiện sản xuất tương đồng, UBND huyện chọn các xã: Mỹ An, An Thạnh, An Thuận, An Qui, An Điền, An Nhơn, Giao Thạnh, Thạnh Phong, Thạnh Hải, một phần các xã mỹ hưng, bình thạnh và Thị trấn Thạnh Phú… để xây dựng gần 30 Tổ hợp tác làm “lúa sạch”.

Với nhãn hiệu “Lúa sạch Thạnh Phú”, không chỉ 17 hộ nông dân thuộc Tổ hợp tác lúa sạch ở ấp An Hòa, xã An Nhơn mà toàn thể các hộ dân có canh tác lúa trong ao tôm với tổng diện tích hơn 6.500ha trên địa bàn huyện đều được hưởng lợi từ việc có nhãn hiệu khi bán ra thị trường.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Vưng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ tỉnh nhấn mạnh việc được cấp nhãn hiệu tập thể sẽ là điều kiện, cơ hội tốt cho Thạnh Phú thực hiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm lúa sạch của huyện ra thị trường và đẩy mạnh phát triển sản xuất theo quy hoạch, nâng cao chất lượng và gia tăng giá trị kinh tế, xã hội của huyện Thạnh Phú nói riêng và tỉnh Bến Tre nói chung. Đồng thời, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của tập thể, cá nhân về quyền sở hữu tập thể trong phát triển sản xuất và kinh doanh./.

Văn Minh