Sáng ngày 28-5-2019, tại xã Quới Điền, Ủy ban nhân dân huyện Thạnh Phú tổ chức Tọa đàm thống nhất giải pháp quản lý việc sử dụng phương tiện phát âm thanh trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng cho các xã tiểu vùng 1, tiểu vùng 2 của huyện.
Chủ trì tọa đàm có ông Nguyễn Ngọc Tân – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thạnh Phú, cùng đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công an tỉnh, lãnh đạo Phòng Văn hóa và Thông tin của huyện.
Theo báo cáo, toàn huyện Thạnh Phú hiện có 250 dàn nhạc sống đã đăng ký kinh doanh và có khoảng 500 thùng loa di động. Từ cuối năm 2014, Ủy ban nhân dân huyện đã có nhiều văn bản, chỉ đạo cấn chỉnh việc sử dụng các phương tiện phát âm thanh trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Cấp huyện, xã đã tiến hành kiểm tra 23 lượt, nhắc nhở và xử phạt 40 trường hợp. Tuy nhiên, thời gian qua việc sử dụng phương tiện phát âm thanh trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng gây nhiều bức xúc trong nhân dân.
Quang cảnh buổi tọa đàm
Tại xã Quới Điền, việc quản lý việc sử dụng phương tiện phát âm thanh trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng được địa phương này quan tâm. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phạm Văn Diệu cho biết, tháng 12/2016 xã đã thành lập Câu lạc bộ nhạc sống với mục đích tuyên truyền ngắn gọn các quy định của pháp luật về loại hình này như đảm bảo giờ giấc, tiếng ồn theo quy định,... và mỗi chủ giàn nhạc, mỗi nhạc công là một tuyên truyền viên của câu lạc bộ.
Đại biểu nêu ý kiến bàn giải pháp quản lý phương tiện phát âm thanh
Tại buổi tọa đạm, có 15 ý kiến của lãnh đạo ngành huyện, đại biểu các xã và người dân. Các ý kiến nêu bật những mặt được và những hạn chế, khó khăn trong công tác quản lý việc sử dụng phương tiện phát âm thanh trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, đồng thời đề xuất những giải pháp cụ thể để công tác quản lý đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú Nguyễn Ngọc Tân phát biểu kết luận tọa đàm
Phát biểu kết luận buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Ngọc Tân cho rằng vai trò của văn hóa, văn nghệ có ý nghĩa đặc biệt đến đời sống văn hóa, tinh thần của mỗi người dân, do đó cần giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp. Các ngành, địa phương cần nhận diện cho đúng thực trạng sử dụng phương tiện phát âm thanh để chỉ ra những hạn chế, yếu kém nhất định trong công tác quản lý, tuyên truyền, vận động, quá trình xử lý,... Việc quản lý việc sử dụng phương tiện phát âm thanh cần sự tham gia đồng bộ, nhịp nhàng, quyết liệt của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân để tạo sựu chuyển biến căn cơ, hiệu quả; các xã tập trung siết chặt công tác quản lý, tăng cường kiểm tra về sử dụng các phương tiện phát âm thanh theo quy định./.