Site banner

Tiệm Tôm hình thành thị trấn biên giới biển

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ X, những năm qua, Đảng bộ và nhân dân huyện Ba Tri tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng và khá toàn diện trên các lĩnh vực, kinh tế phát triển ổn định, đời sống nhân dân không ngừng tăng cao, bộ mặt nông thôn không ngừng khởi sắc. Trong chiến lược phát triển của địa phương, Ba Tri luôn khẳng định thế mạnh của một huyện ven biển, trong đó mục tiêu hướng đến sẽ trở thành vùng kinh tế biển trọng điểm của tỉnh Bến Tre.

Để thực hiện mục tiêu trên, những năm qua, huyện Ba Tri đã tập trung đầu tư phát triển mạnh lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và phát triển đô thị khu vực ven biển. Trong đó phát triển khu vực đô thị Tiệm Tôm thuộc địa bàn xã An Thủy là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ 10 của huyện đã đề ra.

Một góc thị trấn Tiệm Tôm

Sau nhiều năm phấn đấu nỗ lực, tháng 9 năm 2012, Tiệm Tôm đã được UBND tỉnh công nhận là đô thị loại 5 của huyện. Đây còn xem là bước chạy đà hoàn hảo để Tiệm Tôm tiến lên trở thành thị trấn biên giới biển của tỉnh Bến Tre vào năm 2014.

Theo đề án, khu vực dự kiến phát triển thị trấn Tiệm Tôm có tổng diện tích tự nhiên là 953,93 hecta, với 3.206 hộ gia đình và dân số là 11.054 người, trên cơ sở tách ra từ diện tích và dân số của các xã An Thủy, An Hòa Tây và Tân Thủy. Về vị trí địa lý giới hạn, thị trấn Tiệm Tôm được hình thành, phía Đông giáp rạch Bắc Kỳ xã An Thủy, phía Tây giáp Kênh Mới xã An Hòa Tây, phía Nam giáp sông Hàm Luông phía Bắc giáp xã An Hòa Tây, Tân Thủy và An Thủy.

Sự hình thành thị trấn biên giới biển Tiệm Tôm sẽ là trung tâm kinh tế xã hội của khu vực tiểu vùng 1, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân bố lao động, sắp xếp phát triển sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh đầu tư phát triển toàn diện. Đặc biệt sẽ chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, thương nghiệp và dịch vụ. Mục tiêu thành lập thị trấn Tiệm Tôm còn tạo tiền đề cho phát triển ổn định, bền vững trên cơ sở tổ chức không gian phù hợp, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đất đai, biển, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường và cân bằng sinh thái, đồng thời nâng cao điều kiện sống của nhân dân, thông qua việc đầu tư cải thiện dịch vụ hạ tầng kỹ thuật, kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo và góp phần thực hiện định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị huyện Ba Tri trong giai đoạn mới.

Khai thác đánh bắt thủy sản

Có thể nói, dựa trên nền tảng của quá trình xây dựng đô thị loại 5, đến nay Tiệm Tôm tiếp tục có những bước chuyển mình đi lên mạnh mẽ và hướng tới mục tiêu đạt chuẩn các tiêu chí của thị trấn Tiệm Tôm trong năm 2013. Trong lĩnh vực kinh tế, những năm qua, khu vực dự kiến thành lập thị trấn Tiệm Tôm tiếp tục chuyển dịch mạnh theo hướng giảm dần khu vực 1 và tăng dần khu vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Trong đó phát triển ngành nuôi trồng và khai thác thủy sản là mục tiêu quan trọng của thị trấn ven biển. Hiên tại khu vực dự kiến thành lập thị trấn Tiệm Tôm có tổng thu nhập bình quân đầu người là 23 triệu đồng/ năm cao hơn mức bình quân chung của huyện.

Từ những kết quả đạt được, có thể nói đây là một cố gắng, nỗ lực rất lớn của các cấp chính quyền huyện Ba Tri trong thời gian dài, phấn đâu xây dựng khu vực Tiệm Tôm tiến lên trở thành thị trấn biên giới biển của tỉnh. Qua kết quả khảo sát bước đầu của huyện, đến thời điểm này, có thể nói quá trình xây dựng thị trấn Tiệm Tôm đã cơ bản hoàn thành.

Chế biến thủy sản

Căn cứ các tiêu chuẩn của Nghị định 62 năm 2011 của Chính phủ về quy định thành phố thuộc tỉnh, thị xã, quận, phường, thị trấn, đồng thời dựa trên các phân tích, đánh giá thực trạng của khu vực có thể khẳng định: Tiệm Tôm đã hội đủ các tiêu chuẩn trở thành thị trấn biên giới biển của tỉnh.

- Theo phân tích từng tiêu chí cụ thể cho thấy tiêu chuẩn thứ nhất về chức năng đô thị: Tiệm Tôm đáp ứng các yêu cầu là trung tâm hành chính, kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng của khu vực vùng ven biển của huyện. Đặc biệt nơi đây còn là trung tâm đầu mối phân phối các mặt hàng thủy sản trong và ngoài tỉnh.

- Tiêu chuẩn thứ hai về quy mô dân số, khu vực dự kiến thành lập thị trấn Tiệm Tôm có trên 11.000 dân, trong khi Nghị định 62 của Chính phủ quy định từ 4.000 dân trở lên là đạt yêu cầu.

- Tiêu chuẩn thứ ba là mật độ dân số. Do Tiệm Tôm thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng viên giới biển nên theo quy định chỉ cần mật độ trên 1.000 người /km2 là đạt theo yêu cầu đề ra, trong khi mật độ dân số thực tế của Tiêm Tôm hiện nay là 6.455 người/ km2.

- Tiêu chí thứ tư là tỷ lệ lao động phi nông nghiệp. Theo phân tích đánh giá của huyện, khu vực dự kiến thành lập thị trấn Tiệm Tôm có tỷ lệ lao động phi nông nghiệp là 81,56%, trong khi Nghị định 62 của Chính phủ quy định chỉ cần đạt 65% trở lên là đạt yêu cầu.

- Tiêu chuẩn thứ năm là hệ thống các công trình hạ tầng đô thị. Đây là một tiêu chí khá quan trọng trong quá trình xây dựng thị trấn. Tuy nhiên trong quá trình xây dựng Tiệm Tôm trở thành đô thị loại 5 trong những năm trước đây, thì tiêu chí xây dựng hệ thống các công trình hạ tầng đô thị ở Tiệm Tôm đã được xây dựng hoàn chỉnh đúng theo các tiêu chuẩn quy định tại khoản 5 Điều 14 Nghị định số 42/2009/NĐ-CP. Trong đó đánh giá về diện tích sàn nhà bình quân đầu người và tỷ lệ nhà kiên cố, bán kiên cố của khu vực cho thấy Tiệm Tôm đều vượt xa quy định đề ra. Ngoài ra các tiêu chuẩn về đất xây dựng công trình công cộng, đất dân dụng, cơ sở giáo dục đào tạo, trung tâm thể dục thể thao, trung tâm thương mại dịch vụ đầu đạt theo yêu cầu. Đối với quy định về hệ thống giao thông, khu vực Tiệm Tôm cũng đáp ứng được các tiêu chí về diện tích đất giao thông nội thị, đầu mối giao thông, mật độ đường trong nội thị và tỷ lệ phục vụ vận tải hành khách công cộng. Về hệ thống cấp nước, Tiệm Tôm cũng đạt yêu cầu tiêu chuẩn cấp nước trong khu vực nội thị và tỷ lệ dân số được cấp nước sạch sinh hoạt. Về hệ thống thoát nước, hiện tại khu vực Tiệm Tôm có đường cống thoát nước dài 3.140 mét, với diện tích xây dựng 1.570 mét vuông, bao gồm hệ thống thoát nước theo hai bên trục lộ 885, khu vực chợ, cảng cá và các khu vực có mật độ dân cư đông đúc. Về tỷ lệ nước sinh hoạt được xử lý, Tiệm Tôm có 2 hệ thống xử lý nước thải với công suất 400 mét khối/ngày, đêm. Về cơ sở sản xuất kinh doanh, Tiệm Tôm cũng có 70% cơ sở có phương án xử lý nước thải. Riêng lượng nước thải sinh hoạt trong nhân dân cũng có tỷ lệ qua xử lý trên 30%, đảm bảo đạt yêu cầu so với quy định đề ra. Bên cạnh đó các tiêu chí về hệ thống cấp điện và chiếu sáng công cộng, hệ thống thông tin và bưu chính viễn thông, các chỉ tiêu về cây xây và thu gom chất thải đều đáp ứng yêu cầu theo Nghị định 62/2011 của Chính phủ.

- Tiêu chuẩn thứ sáu là thời gian xây dựng đồng bộ từ 1 năm trở lên. Căn cứ quyết định của UBND tỉnh Bến Tre về việc công nhận khu vực Tiệm Tôm đạt đô thị loại 5 vào tháng 9/2012, thì đến nay quá trình xây dựng khu vực Tiệm Tôm tiến lên thành lập thị trấn đã đảm bảo các tiêu chuẩn về thời gian quy định.

Hiện tại, Đảng bộ và chính quyền huyện Ba Tri đã tập trung huy động mọi nguồn lực, phấn đấu đưa Tiệm Tôm phát triển toàn diện về mọi mặt, trên cơ sở phát huy những tiềm năng, lợi thế; đẩy mạnh đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, quyết tâm xây dựng thị trấn Tiệm Tôm phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, xứng tầm là đô thị vệ tinh và là trung tâm kinh tế quan trọng của huyện và các địa phương trong tỉnh.

Bài, ảnh: Thiện Tài