Site banner

Tín hiệu khới sắc từ Cảng cá Thạnh Phú

Cảng cá Thạnh Phú (Cảng cá An Nhơn), tọa lạc tại xã An Nhơn, huyện Thạnh Phú có vốn đầu tư xây dựng ban đầu 39 tỷ đồng, được bàn giao cho Ban quản lý Cảng cá (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) quản lý từ ngày 1-2-2012. Sau thời gian củng cố, kiện toàn về tổ chức, Cảng cá Thạnh Phú hoạt động có hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của huyện.

Những tín hiệu khởi sắc

Ông Võ Hoàng Đông - Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá cho biết: "Cảng cá Thạnh Phú chính thức hoạt động từ tháng 9-2012. Thời gian gần đây, hoạt động của Cảng có tín hiệu khởi sắc. Cảng đang thực hiện các chính sách ưu đãi đối với khách hàng và kêu gọi đầu tư về cơ sở hạ tầng". Cảng có diện tích 7,35ha, trong đó, có hơn 1,4ha đã được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật: văn phòng, phòng bảo vệ, hệ thống cấp nước, nhà lồng, hệ thống xử lý nước thải, cơ sở dịch vụ ăn uống - giải khát. Hiện tại, có 9 doanh nghiệp đầu tư khai thác tại Cảng, với vốn đầu tư ban đầu khoảng 10 tỷ đồng; chủ yếu thu mua, sơ chế hàng thủy sản (3 cơ sở), còn lại là dịch vụ ăn uống, ngư lưới cụ, dịch vụ cung cấp nước đá, cung cấp xăng dầu, cưa xẻ gỗ - sửa chữa vỏ tàu, kinh doanh vật liệu xây dựng.

Trong 7 tháng đầu năm 2014, có 372 lượt tàu cập Cảng để lên xuống hàng (176 lượt tàu thủy sản, 196 lượt tàu tải), với hơn 762 tấn hàng thủy sản và trên 931 tấn hàng hóa khác; tổng phí thu được trên 420 triệu đồng (đạt trên 74% kế hoạch năm). Theo lãnh đạo Cảng cá Thạnh Phú, thời gian qua, số lượng tàu cập cảng ngày càng nhiều hơn. Nếu so với tổng thu của năm 2012 là 170 triệu đồng, năm 2013 là 614 triệu đồng thì mức thu của cảng trong 7 tháng năm 2014 là có bước phát triển khá. Hiện nay, tại Cảng có Cơ sở sơ chế biến các mặt hàng thủy, hải sản Thuận Thành mỗi ngày sản xuất được từ 4 đến 6 tấn thành phẩm (khô, tươi) các loại, giải quyết việc làm cho khoảng 100 lao động địa phương (lúc cao điểm khoảng 150 người). Cơ sở này đang có kế hoạch mở rộng, phát triển ngành nghề kinh doanh.

Ông Trần Việt Thiểm - Trưởng Cảng cá Thạnh Phú cho biết: Hiện mức lương bình quân của nhân viên tại Cảng từ 2,5 triệu đồng đến 3 triệu đồng/người/tháng. Khoảng hơn tháng nay, số lượng tàu cập bến khá nhiều (10 đến 15 tàu/ngày), chủ yếu là tàu đánh bắt của ngư dân Thạnh Phú, lượng hàng thủy sản tại Cảng cũng nhiều hơn. Cảng cá Thạnh Phú đã lập kế hoạch xây dựng, tổ chức nhân công bốc xếp (khoảng 10 người dân địa phương) thành đội, nhóm để phục vụ nhu cầu của khách hàng.

Chuyển hàng thủy sản tại bến cảng.

Cần sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của ngành chức năng

Theo ông Võ Hoàng Đông, để kêu gọi các nhà đầu tư vào Cảng cá Thạnh Phú, Ban Quản lý Cảng đã vận dụng các chế độ ưu tiên, thu hút đầu tư theo Nghị quyết số 19/2011 của HĐND tỉnh: Giảm tiền sử dụng mặt bằng trong vòng 10 năm (giảm 70% trong 2 năm đầu, giảm 50% cho 3 năm tiếp theo, giảm 30% cho 5 năm còn lại); giảm tiền thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm đầu cho các doanh nghiệp (DN); hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho các DN đầu tư liên quan đến lĩnh vực thu mua và chế biến thủy sản. Đồng thời, Ban Quản lý Cảng cá đã có văn bản đề xuất với ngành chức năng về việc đề xuất chính sách hỗ trợ Cảng cá Thạnh Phú.

Hiện tại, Cảng cá Thạnh Phú đang có những thuận lợi cơ bản để phát triển: được sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền các cấp về các mặt như an ninh trật tự, an toàn phòng, chống cháy nổ, vệ sinh môi trường; Cảng cá đang tiến hành xây dựng các chương trình quản lý chất lượng (GMP), quy trình vệ sinh chuẩn (SSOP); ngày càng có  nhiều khách hàng đánh bắt thủy sản và các nhà đầu tư chú ý tới tiềm năng dồi dào của khu vực cảng biển này.

Tuy nhiên, Cảng cá Thạnh Phú đang gặp phải những khó khăn nhất định như: tuyến đường bộ (theo quốc lộ 57), xe có tải trọng lớn không thể qua cầu Tân Huề và cầu An Qui được, gây khó khăn trong vận chuyển hàng hóa và ảnh hưởng tới giá thành sản phẩm; hệ thống đường thủy từ sông Eo Lói (tại Cảng) qua rạch Cừ (về Ba Tri) còn có nhiều hàng đáy trên sông, gây khó khăn cho tàu thuyền lưu thông; khoảng thông thuyền cầu An Điền thấp, khiến cho tàu đánh bắt bị vướng cần cẩu (lúc nước lớn), hoặc vướng chân vịt (lúc nước ròng); chưa có xe thu gom chất thải rắn của huyện tới Cảng, hiện tại, Cảng xử lý chất thải bằng cách đốt hoặc chôn; hệ thống nước ngọt cung cấp cho Cảng chưa đủ mạnh.

Để khai thác hiệu quả và phát triển tiềm năng, Cảng cá Thạnh Phú cần có sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của ngành chức năng về đầu tư thực hiện san lấp mặt bằng khu vực ngoài vòng rào hiện hữu của Cảng (khoảng 5,9ha), nhằm kêu gọi đầu tư lớn vào Cảng; đầu tư hạ tầng kỹ thuật, xây dựng bờ kè cặp theo sông Eo Lói, mở rộng và tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền cập cảng; ban hành một số chính sách đầu tư như: thuế, vốn tín dụng, ưu đãi kinh doanh…

"UBND huyện Thạnh Phú rất quan tâm và tạo điều kiện để Cảng cá phát triển. Sắp tới, các ngành chức năng huyện sẽ phối hợp vận động các hộ dân di dời các hàng đáy cặp sông Eo Lói, tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền lớn cập Cảng; vận động thành lập các tổ đội đánh bắt xa bờ; hỗ trợ Cảng trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh thuộc thẩm quyền của địa phương. Huyện rất mong được UBND tỉnh, ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ nâng cấp hệ thống đường bộ, tạo điều kiện cho Cảng vận chuyển các mặt hàng thủy sản sơ chế".

(Ông Lâm Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú)

Theo baodongkhoi.com.vn