Đợt triều cường từ ngày 12 đến ngày 14/2/2017 đã làm sạt lở nghiêm trọng một phần đất phía ven biển ở Cồn Nhàn ấp Thạnh Hải xã Bảo Thuận huyện Ba Tri. Phần đất sạt lở dài trên 500 m và sâu vào trên 50m; Có đoạn vào sâu gần 100 m. Ngoài ra, nhiều đoạn cũng đang đứng trước nguy cơ sạt lở trước những cơn sóng cao trong đợt triều cường này. Sạt lở đã làm 1 căn nhà bị sụp móng, hư hỏng hoàn toàn; 500 m đê bao dân sinh và 250 m đường dân sinh bị sụp; nhiều trụ điện ngã đổ làm mất điện toàn khu vực….
Căn nhà của ông Hùng Văn Ngoặt bị hư hòng nặng sau đợt triều cường
Hai ngày nay, hộ ông Huỳnh Văn Ngoặt ngụ tại Cồn Nhàn ấp Thạnh Hải xã Bảo Thuận phải chịu cảnh “Màng trời chiếu đất” khi mà căn nhà 60 m2 của gia đình ông bị sóng biển làm sạt lở, gây hư hỏng hoàn toàn. Ông Ngoặt cho biết, hơn 30 năm sống ở đây chưa bao giờ ông thấy triều cường cao như thế. Con sóng cao nhất có thể trên hơn 10 m. Đây là điều lạ nhất từ trước đến nay. Bởi thường đỉnh triều cao nhất hàng năm là tháng 12 âm lịch, năm nay lại xảy ra ở tháng giêng âm lịch. Ông và nhiều người đã không ngờ đến nên khi xảy ra không kịp ứng phó.
Ông Ngoặt cho biết thêm, chỉ trong đêm 12/2, sóng biển đã làm lở sâu hơn 30 m, phá vỡ bờ kè và làm sụp một phần móng nhà ông. Đến đỉnh triều cường đêm 13/2, toàn bộ móng nhà bị sụp, tường bị xé, ngã đổ. Nhiều đồ đạc, vật dụng và hàng hóa của gia đình không kịp di dời đã bị nước cuốn trôi. Rất may là ông kịp thời sơ tán các thành viên trong gia đình nên không bị thiệt hại về người. Nhưng gần như toàn bộ tài sản mà cả đời tích góp đã bị nước cuốn đi. Và những ngày sắp tới, ông sẽ còn phải tiếp tục chịu cảnh “màng trời chiếu đất” trong cái lạnh của những cơn gió mùa Đông Bắc bất thường.
Triều cường cũng đã làm 2.000 m2 đất trồng rau màu của nông dân đang trong giai đoạn thu hoạch bị mất trắng chỉ sau 1 đêm. Không chỉ vậy, diện tích đất cũng bị sạt lở khá nhiều và khó có thể phục hồi, bồi đấp. Trước đó, nhiều hộ dân trong khu vực đã chủ động đấp bờ đê tạm. Nhưng do sóng quá mạnh, bờ đê tạm cũng bị sạt lở.
Một phần rừng phi lao chắn gió cũng bị sóng biển đánh đổ ngã. Đây là khu vực không có bờ bao nên bị ảnh hưởng trực tiếp từ các đợt sóng mỗi khi triều cường lên. Do vậy, nguy cơ sạt lở dài và sâu hơn là rất cao.
Triều cường cũng đã làm 1 trụ điện bị sụp, ngã đổ và nhiều trụ điện khác bị ảnh hưởng. Toàn bộ điện lưới khu vực bị mất. Hiện ngành điện lực huyện Ba Tri đang tập trung lực lượng khẩn trương khắc phục sự cố để sớm có điện trở lại cho nhân dân sinh hoạt, sản xuất.
Nhằm hạn chế đất bị sạt lở do sóng lớn, chính quyền địa phương và các hộ có đất ven biển đã tổ chức làm bờ đê tạm. Bờ đê được xây dựng bằng đất. Biện pháp trên tạm thời có thể chống chịu được qua đợt triều cường này. Riêng tuyến đê chống sạt lở ven biển đang được ngành chức năng khẩn trương thực hiện. Tuy nhiên, tuyến đê này sẽ còn khá lâu mới có thể hoàn thành. Do vậy, việc xây dựng đê tạm thời trong nhân dân giai đoạn này là phương án cấp thiết. Đồng thời cần thường xuyên kiểm tra tuyến đê tạm nhằm kịp thời phát hiện và gia cố những đoạn có nguy cơ sạt lở.
Hiện tại, Ủy ban nhân dân xã Bảo Thuận đang triển khai thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do triều cường gây ra. Một trong những công việc cần tập trung thực hiện ngay là vận động nhân dân, nhất là những hộ có người già, trẻ em và nhà nằm trong khu vực nguy cơ sạt lở cao cần di dời đến nơi an toàn. Các hộ có đất ven biển cũng cần thường xuyên tự kiểm tra và gia cố đê tạm. Các lực lượng công an, quân sự xã và Đồn biên phòng Hàm Luông phải đảm bảo trực sẵn sàng để ứng cứu kịp thời.