Hành trình đến Trường Sa của chúng tôi có 10 ngày đêm trên biển. Những câu chuyện mà tôi góp nhặt được trong chuyến đi này không chỉ là những kỷ niệm chúng tôi dành cho nhau, đó còn là sự thể hiện của tình thương yêu, sự đoàn kết, sẻ chia, động viên nhau để tất cả cùng đến với Trường Sa.
Say sóng không bằng say đất
Hai ngày, ba đêm trên biển với gió và sóng cấp 4, cấp 5, con tàu 996 cứ lắc lư đã khiến nhiều thành viên trong đoàn say sóng khi chỉ mới vượt ra khỏi hải phận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhiều anh em có người "bỏ cơm" và động viên nhau dù ai cũng thấm đòn say sóng. Bản thân tôi cũng lắc lư nhưng khá hơn mọi người nên vẫn còn đi lại được. Tôi nhìn anh Đinh Minh Hùng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thạnh Phú - một người con của xứ biển, người lớn tuổi nhất trong phòng, vẫn còn tươi cười. Khi anh Ngọc - Quân y của tàu, đến khám, rồi đo huyết áp cho anh Hùng thì huyết áp của anh tăng lên hai bậc. Ấy vậy mà anh vẫn tỉnh, vẫn cười tươi.
Bàn cờ vua có đông trẻ em cùng chơi.
Đêm sau, tin từ phòng Đ23 (các anh: Hải Châu, Chín Tràng, Phê, Hữu, Chiến, Triết, Khanh) thì chị Nguyễn Thị Hồng Hoa - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng "vất vả với sóng biển". Ngày 26-4-2015, tôi và anh Minh Triết đi đảo Đá Nam, về lại xã đảo Song Tử Tây thì chị Hồng Hoa gặp tôi và bảo: "Trời ơi, ông Hùng lên đảo rồi mà đi không được". Quả là say sóng cũng không bằng say đất.
Bàn cờ có quá đông người chơi
Tàu cập cảng thị trấn Trường Sa Lớn gần giữa trưa ngày 28-4, dự kiến sáng ngày 29-4-2015 thì làm lễ mít-tinh kỷ niệm 40 năm Ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước. Chúng tôi được phép lên đảo tham quan. Tôi cầm hơn chục quả cam của quê nhà tìm tặng các cháu nhỏ ở đảo này. Đến căn nhà số 4 bắt gặp khá đông những gương mặt rất đáng yêu, đủ mọi lứa tuổi đang tụm đầu vào nhau bên một bàn cờ vua. "Em nghĩ chị nên đi con này". "Không, không, chị muốn đi con này cơ!". Rồi có người thứ ba xen vào: "Con này mới hay chứ!?". Kỳ thủ bên kia - có lẽ quá ít người cùng phe, nổi quạu: "Tóm lại chị đi con nào, sao chị đi quá nhiều con thế! Em chưa đi được con nào cả?". Rồi thì "xù" khi thằng em nhỏ tuổi nhất trong nhóm "không may" đưa chân gạt đổ bàn cờ. Tôi đứng nép mình bên hàng rào trước nhà, chờ đợi đến giây phút "tàn cuộc" định gọi để các cháu nhìn về phía mình rồi bấm máy nhưng "thằng em" nhỏ đã kịp nhận ra "người khách lạ". Thằng em nhỏ cười rất tươi và còn đưa hai ngón tay lên như thể bảo tôi "bấm máy đi chú". Tôi phát cho mỗi cháu một quả cam, người mẹ nhà số 4 cũng bước ra nhoẻn miệng cười: "Ở đây, tụi nhỏ là thế đấy chú, có gì thì cũng tổ chức chơi chung. Nam thì cũng nhảy dây như nữ; nữ cũng bắn bi, đá bóng như nam".
Đến đảo Sinh Tồn, gặp Võ Thanh Thạch, đang là học sinh lớp 1, tôi hỏi năm nay con học lớp mấy thì cháu trả lời rất gọn: "Còn một tháng nữa con lên lớp 2". "Ủa sao kỳ vậy?". "Thì bây giờ là tháng Bốn rồi, còn một tháng nữa là con vào học lớp 2". "Con học thầy nào?". "Thầy Hạ". Tôi giả vờ hỏi tiếp: "Thầy Mạ à?". "Không, thầy Hạ". "À, thầy Hà à?". "Không phải là Hà, mà là thầy Hạ - thầy Nguyễn Ngọc Hạ". Rồi cháu đánh vần "Hờ… a… ha… nặng… Hạ".
Đêm 28-4, chúng tôi lại thưởng thức một tiết mục văn nghệ có sự góp mặt của tất cả các cháu. Với chúng tôi, đó là một tiết mục ấn tượng, hay nhất với những ca từ, động tác biểu diễn ngây thơ: "Quê ngoại ở Sinh Tồn, con sinh ra ở Trường Sa, con là người của biển".
Đã hai lần đến với Trường Sa, tôi thật sự rất ấn tượng với lũ trẻ, các cháu rất ngoan, rất lễ phép. Mỗi lần gặp mọi người trong chúng tôi, các cháu đều cúi đầu chào: "Con chào các chú, các bác!".
Nguồn baodongkhoi.com.vn