Site banner

Việt Nam nói gì về hoạt động của tàu chiến Anh, Nhật ở Biển Đông?

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: Việt Nam tôn trọng các quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông của các quốc gia phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế...


Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng.

Ngày 20/9, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi liên quan đến việc tàu chiến Anh hoạt động trên Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng một lần nữa khẳng định Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp luật pháp quốc tế.

Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Việt Nam tôn trọng các quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông của các quốc gia phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, đồng thời đề nghị các quốc gia đóng góp thiết thực và có trách nhiệm vào việc duy trì trật tự, hòa bình và thượng tôn pháp luật ở Biển Đông”.

Về việc tàu ngầm Nhật Bản lần đầu diễn tập trên Biển Đông, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, phía Nhật Bản đã có phát biểu chính thức về việc này. 

 “Với tư cách là quốc gia thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 và là quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam khẳng định lập trường nhất quán về quyền tự do hàng hải, hàng không được thực hiện phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982", bà Hằng nhấn mạnh. 

Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết thêm: “Việt Nam tiếp tục đề nghị các nước đóng góp tích cực và thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế và nghĩa vụ pháp lý liên quan, thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương”.

Hôm 17/9, Bộ Quốc phòng Nhật Bản thông báo, tàu ngầm điện-diesel SS-596 Kuroshio, lớp Oyashio cùng tàu sân bay trực thăng JS Kaga đã tiến hành cuộc tập trận trên Biển Đông vào ngày 13/9. Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, đợt diễn tập là một phần trong các hoạt động của lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản kéo dài 2 tháng ở Đông Nam Á và Ấn Độ Dương.

Trước đó, ngày 31/8, tàu tấn công đổ bộ HMS Albion 22.000 tấn của Hải quân Hoàng gia Anh đã tiến gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi lý trên Biển Đông.

Theo nguồn tin Reuters, tàu HMS Albion đã không tiến vào vùng 12 hải lý xung quanh quần đảo Hoàng Sa, tuy nhiên, hành động của tàu Anh lại khẳng định rằng London không công nhận bất cứ tuyên bố hàng hải quá đáng nào. Hành động này diễn ra khi HMS Albion đang trong hành trình cập cảng tại TP. Hồ Chí Minh (Việt Nam) vào ngày 3/9./.a

Nguồn Vietnam.vn