Site banner

Việt Nam tích cực triển khai Công ước Lao động hàng hải

Công ước MLC được xây dựng trên cơ sở tập hợp 68 công ước về lao động hàng hải đã được ILO thông qua từ năm 1919. MLC quy định tiêu chuẩn về quyền và lợi ích của thủy thủ, phù hợp với Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng con người trên biển (SOLAS) cũng như Công ước quốc tế về tiêu chuẩn huấn luyện, đào tạo, cấp chứng chỉ chuyên môn và trực ca của thuyền viên (STCW) và Công ước quốc tế về phòng ngừa ô nhiễm dầu từ tàu biển (MARPOL).

Công ước Lao động Hàng hải (MLC 2006) của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) chính thức có hiệu lực từ ngày 20/8/2013 mở ra một kỷ nguyên mới đảm bảo việc làm bền vững cho khoảng 1,5 triệu thuyền viên trên toàn thế giới và xây dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa đẳng giữa các chủ tàu hoạt động trong ngành vận tải biển.

(Ảnh minh họa: Internet)

Việt Nam là nước thứ 37 đã phê duyệt công ước này và đang ráo riết triển khai thực hiện công ước.

Việt Nam triển khai thực hiện Công ước

Theo số liệu Cục Hàng Hải Việt Nam, hiện nay có khoảng 32.000 sỹ quan, thuyền viên được cấp chứng chỉ, trong đó có khoảng 27.000 người đang làm việc trên đội tàu trong nước và các tàu nước ngoài. Đội tàu của Việt Nam có 1.700 chiếc và đáp ứng được khoảng 1/10 lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam và gần một nửa số hàng hóa vận chuyển trong nước.

Công ước MLC 2006 sẽ góp phần bảo vệ quyền lợi của các thuyền viên và chủ tàu Việt Nam khi tham gia vào các hoạt động trong ngành vận tải biển trong nước và quốc tế. Vì vậy, Việt Nam trở thành nước thứ 37 phê duyệt công ước vào tháng 5/2013. Sau đó, ngày 25/7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ban hành Quyết định 1221/QĐ-TTg thông qua kế hoạch thực hiện Công ước MLC 2006.

Theo quyết định, Thủ tướng yêu cầu đến năm 2015 phải hoàn thiện luật pháp về lao động hàng hải; kiểm tra và cấp giấy chứng nhận cho đội tàu của Việt Nam và thiết lập một cơ chế tham vấn ba bên có đại diện của chính phủ, chủ tàu và thuyền viên trong năm 2013. Đồng thời, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phúc lợi, thông tin và giải trí ở cảng biển cũng cần được hoàn thành từ nay đến năm 2020.

Giám đốc ILO tại Việt Nam, ông Gyorgy Sziraczki nhận định: "Việt Nam đã có những nỗ lực đáng ghi nhận trong việc nâng cao đội tàu trong nước lên tầm quốc tế và thể hiện mạnh mẽ cam kết bảo vệ thuyền viên."

Ông Gyorgy Sziraczki cam kết ILO sẽ đồng hành với Việt Nam, giúp nâng cao năng lực và hỗ trợ kỹ thuật để Công ước có thể đi vào cuộc sống.

Luật bảo vệ quyền của thuyền viên và chủ tàu

Công ước Lao động Hàng hải (MLC 2006) là một mặt tập hợp những tiêu chuẩn quốc tế tối thiểu nhằm đảm bảo việc làm bền vững cho thuyền viên, mặt khác giúp tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các chủ tàu đạt chuẩn của các nước đã phê duyệt Công ước, thúc đẩy cạnh tranh thông qua việc đảm bảo hiệu quả và tăng độ tin cậy trong vận tải biển. Mục tiêu bao trùm của Công ước là đảm bảo điều kiện làm việc song song với cạnh tranh bình đẳng.

Tổng Giám đốc ILO, ông Guy Ryder, cho biết: "Công ước này là một mốc quan trọng trong lịch sử hàng hải. Đây là sản phẩm của cơ chế đối thoại ba bên và hợp tác quốc tế, thúc đẩy việc tạo điều kiện sống và làm việc đảm bảo, bền vững cho thuyền viên, trên cơ sở cạnh tranh bình đẳng giữa các chủ tàu trong một ngành mang tính toàn cầu hóa cao."

(Ảnh minh họa: Internet)

 Để có hiệu lực từ ngày 20/8, Công ước này đã cần sự tham gia của ít nhất 30 nước thành viên ILO (chiếm hơn hơn 33% tổng lượng hàng hóa vận chuyện qua đường hàng hải của cả thế giới). Đến nay, hơn 45 nước thành viên ILO đã phê duyệt Công ước, những nước này ước tính vận chuyển khoảng 75% tổng lượng hàng hóa vận tải biển toàn cầu.

Công ước MLC 2006 nhận được sự đồng thuận cao từ Liên đoàn Lao động Vận tải Quốc tế (ITF)-tổ chức đại diện cho thuyền viên và Hiệp hội Chủ tàu Quốc tế (ISF). Mặt khác, công ước này cũng được Tổ chức Hàng hải Quốc tế IMO (đại diện cho ngành vận tải biển toàn cầu, chiếm khoảng 90% khối lượng hàng hóa vận chuyển toàn cầu) ủng hộ mạnh mẽ.

Liên minh Châu Âu cũng đã phê duyệt một số hướng dẫn thúc đẩy việc hiệu lực hóa Công ước này. Trong khi đó, các tổ chức khu vực về kiểm tra của chính quyền cảng (port State control) là Paris-MOU và Tokyo-MOU cũng đã phê duyệt các nguyên tắc được đưa ra trong Công ước MLC 2006 nhằm tăng cường kiểm tra và giám sát của các chính quyền tại bến cảng.

"Công ước MLC 2006 có hiệu lực là một sự kiện đáng chú ý trong lịch sử luật hàng hải quốc tế. Giờ đây nhiệm vụ của tất cả chúng ta là đưa cơ sở pháp lý này vào luật và thực tiễn để thuyền viên có thể được bảo vệ và các chủ tàu đạt chuẩn có thể thực sự hưởng lợi từ công ước," bà Cleopatra Doumbia-Henry, trưởng bộ phận Tiêu chuẩn Lao động Quốc tế của ILO nói./.

(Vietnam+)
Nguồn: vietnam.vn