Site banner

Viết như thế thì còn gì hình ảnh "trỗi dậy hòa bình"?

Báo chí Trung Quốc đăng nhiều bài viết công kích, xuyên tạc việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển Việt Nam, với lời lẽ làm tổn thương lòng tự tôn dân tộc của nhân dân Việt Nam. Bài viết trên báo Nhà báo và công luận dưới đây, với nhan đề Viết lách như thế thì còn gì hình ảnh một nước Trung Quốc đang "trỗi dậy hòa bình"?, làm rõ bản chất vấn đề và tính chất sai trái của những lời lẽ nói trên.

 

Việc Luật Biển Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thể hiện lập trường nhất quán của Việt Nam

Việc xây dựng và ban hành Luật Biển là hoạt động lập pháp cần thiết đối với Việt Nam, một quốc gia ven biển, một thành viên luôn tôn trọng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982), để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của Việt Nam, phục vụ cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển kinh tế biển của Việt Nam, phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình hội nhập quốc tế và hợp tác với các nước vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.

Dư luận rộng rãi đều hiểu rõ điều này để việc khai thác, quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong các vùng biển của mình, thực thi quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình một cách có hiệu quả nhất, các quốc gia ven biển cần phải có luật về biển của mình. Các nước ven biển Đông khác đã lần lượt thông qua các luật về biển.

Trung Quốc có luật năm 1992 về lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải, luật năm 1996 về đường cơ sở, luật năm 1998 về thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế và luật năm 2009 về bảo vệ hải đảo. Indonesia có luật năm 1983 về vùng đặc quyền kinh tế và luật năm 1996 về lãnh hải, vùng nước quần đảo và nội thủy. Malaysia có luật năm 1966 về thềm lục địa (sau đó được sửa đổi vào các năm 2000, 2008) và luật năm 1984 về vùng đặc quyền kinh tế. Philippines có luật năm 2009 về đường cơ sở.

Vậy mà, trước và sau khi Luật Biển Việt Nam được thông qua, báo chí Trung Quốc, kể cả một vài báo lớn, chính thống, đã đăng tải nhiều bài viết công kích, xuyên tạc việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển Việt Nam với những lời lẽ xúc phạm, làm tổn thương lòng tự tôn dân tộc của nhân dân Việt Nam, gây bức xúc trong dư luận Việt Nam.

Với tất cả sự kiềm chế, hết sức tránh để không làm tổn hại tới quan hệ Việt – Trung và tình hữu nghị mà các thế hệ nhân dân hai nước đã dày công vun đắp, chúng ta cũng không thể không lên tiếng để những người có lương tri hiểu rõ về bản chất vấn đề và tính chất sai trái của những lời lẽ trong nhiều bài viết trên báo chí Trung Quốc những ngày qua.

Thứ nhất, một vài tờ báo Trung Quốc vu cáo Việt Nam "âm mưu giành những gì không phải của mình" khi Luật Biển Việt Nam khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cần làm rõ rằng mặc dù luôn nói hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là "của Trung Quốc" nhưng phía Trung Quốc không thể đưa ra các bằng chứng về việc nhà nước Trung Quốc đã thực hiện chủ quyền đối với hai quần đảo một cách hòa bình, thường xuyên và liên tục, một điều kiện tiên quyết để có thể yêu cầu công nhận chủ quyền theo luật pháp quốc tế.

Sử sách và bản đồ cổ của Trung Quốc đến đầu thế kỷ XX đều thể hiện đảo Hải Nam là điểm cực Nam của Trung Quốc. Trong khi đó, Việt Nam có các bằng chứng chỉ rõ ít nhất từ thế kỷ XVII, nhà nước Việt Nam đã thực hiện các hoạt động chủ quyền với tư cách nhà nước đối với hai quần đảo và Nhà nước Việt Nam đã thực hiện chủ quyền đối với hai quần đảo một cách hòa bình, thường xuyên và liên tục. Luật Biên giới quốc gia  của Việt Nam năm 2003 đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Việc Luật Biển Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo này là thể hiện lập trường nhất quán của Việt Nam. Một thực tế mà mọi người đều rõ là Trung Quốc đã dùng vũ lực để xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa và một số bãi đá trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Vậy thì ai mới là người thực sự "âm mưu giành lấy thứ thuộc về người khác"?

Thứ hai, một vài tờ báo Trung Quốc cho đăng những bài báo cho rằng, "Việt Nam làm trái Thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, Công ước Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông năm 2002" và "làm phức tạp tình hình biển Đông". Đây là những ý kiến hoàn toàn vô căn cứ. Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc nhân chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 10/2011) nêu rõ, trước khi tranh chấp được giải quyết dứt điểm, hai bên cùng gìn giữ hòa bình, ổn định trên Biển Đông, không có hành động làm phức tạp hóa, mở rộng tranh chấp, đồng thời hai bên nỗ lực thực hiện Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc.
Nhân dân các nước trong khu vực và trên thế giới đều thấy rõ tình hình biển Đông đang trở nên phức tạp và căng thẳng hơn là do Trung Quốc tăng cường các hoạt động nhằm thực hiện yêu sách "đường lưỡi bò" phi lý. Trung Quốc cản trở và bắt giữ ngư dân Việt Nam đánh cá ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, nơi hàng trăm năm nay, ngư dân Việt Nam vẫn hoạt động nghề cá bình thường.

Nghiêm trọng hơn, bất chấp lẽ phải, bất chấp các cam kết và quy định của Công ước Luật Biển năm 1982, ngày 21/6/2012, phía Trung Quốc công bố thành lập thành phố Tam Sa với phạm vi quản lý bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Ngày 23/6/2012, phía Trung Quốc lại mời thầu quốc tế thăm dò ở 09 lô dầu khí hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Những việc làm đó của Trung Quốc là minh chứng cho thấy chính phía Trung Quốc mới là bên vi phạm Thỏa thuận cấp cao Việt Nam - Trung Quốc, Công ước Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông, làm cho tình hình Biển Đông căng thẳng hơn, phức tạp hơn.
Một số cơ quan báo chí của Trung Quốc lớn tiếng: "Việt Nam cực kỳ lố bịch khi phản đối ngược lại Trung Quốc", "các đại biểu Quốc hội Việt Nam không quan tâm tới hòa bình, thịnh vượng", "Việt Nam tạo sóng ở biển Đông" và đe dọa "mũi giáo và đối tượng chính cần nhằm vào là Việt Nam", "Trung Quốc có thừa các biện pháp đáp trả", "Hải quân Trung Quốc đã sẵn sàng chờ lệnh", "Trung Quốc sẵn sàng áp dụng những biện pháp cứng rắn hơn, bao gồm bảo vệ chủ quyền bằng vũ lực khi cần thiết"…

Việt Nam là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, tự do và công lý, sống hòa hiếu với láng giềng, với bạn bè. Chúng ta luôn trân trọng tình hữu nghị lâu đời và mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc. Nhưng nhân dân Việt Nam từ ngàn đời nay luôn kiên cường bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Nhân dân Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Trung Quốc và mong muốn phát triển mối quan hệ hợp tác đối tác chiến lược toàn diện Việt – Trung vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực. Cho nên, hai bên cần thực hiện nghiêm túc Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, giải quyết những vấn đề tồn tại, bất đồng bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế.  /.

Nguồn: vietnam.vn