Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là một chương trình tổng thể phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh quốc phòng ở các địa phương. Chúng tôi đã trao đổi với thạc sĩ Cao Minh Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm Phó Ban chuyên trách Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới và đời sống văn hóa tỉnh Bến Tre về xây dựng nông thôn mới tại Bến Tre.
Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", xây dựng nông thôn mới chính là một cuộc cách mạng phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của người dân, giúp người dân nhận thức rõ trách nhiệm, quyền lợi nhằm chủ động tham gia, tích cực thực hiện xây dựng nông thôn mới. Xin ông cho biết các giải pháp trọng tâm để hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới bền vững tại Bến Tre?
Ông Cao Minh Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Ảnh: PLHH
Như các bạn biết: Bến Tre nằm trên địa bàn sông rạch chằng chịt, các xã kề nhau, ranh giới giáp nhau như bàn cờ. Tuy nhiên, nhờ vào hệ thống giao thông nông thôn phát triển, đó là một trong những tiền đề thuận lợi khi Bến Tre bắt tay vào xây dựng nông thôn mới. Bến Tre có 164 xã, phường (nhiều xã sẽ thuộc thị xã, thị trấn), xây dựng nông thôn mới đến năm 2020 gồm 124 xã, phấn đấu đến 2015 có 25 xã điểm đạt chuẩn (19 tiêu chí).
Xin khái quát hơn: Qua 2 năm thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy Bến Tre về xây dựng nông thôn mới, tổng huy động các nguồn lực thực hiện chương trình này trên địa bàn 124 xã của tỉnh là trên 4.500 tỷ đồng, trong đó vốn trung ương 237 tỷ đồng, vốn tỉnh trên 1.000 tỷ đồng, vốn huyện trên 252 tỷ đồng, vốn xã trên 266 tỷ đồng và vốn của các doanh nghiệp (trên 1.000 tỷ đồng), vốn tín dụng (trên 67 tỷ đồng), vốn nhân dân (1.000 tỷ đồng), vốn lồng ghép (126,5 tỷ đồng) và các nguồn vốn khác (449 tỷ đồng)… Các địa phương đã, đang tập trung đẩy mạnh công tác đầu tư phát triển sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật, thành lập các tổ hợp tác liên kết trong sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm…
Cầu Ván – đường về xã Thạnh Phong (Thạnh Phú) – đang khẩn trương thi công – ảnh: PLHH.
Những mô hình phát triển kinh tế và xã hội mà tỉnh đã triển khai thực hiện, thưa ông?
- Đã triển khai 138 mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả tại các địa phương. Nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân như mô hình tổ hợp tác bưởi da xanh, các tổ hợp tác cây giống hoa kiểng, các mô hình trồng xen, nuôi xen trong vườn dừa, mô hình Cánh đồng mẫu sản xuất lúa, dừa… Nhiều dịch vụ tại địa phương cũng phát triển cả về số lượng, lẫn chất lượng, góp phần nâng cao mức sống của nhân dân, làm thay đổi diện mạo nông thôn. Đã tổ chức 532 lớp dạy nghề, trên 1.000 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản và chăn nuôi. Phong trào xây dựng giao thông nông thôn được mọi người hưởng ứng tích cực. Nhiều gia đình tự nguyện hiến đất, mở rộng mặt đường trong các xóm ấp... Đầu tư xây dựng, tu bổ sửa chữa, nâng cấp cống, trạm bơm, nạo vét kênh mương phục vụ tưới tiêu. Đầu tư trên 564 tỷ đồng cho hệ thống lưới điện trong tỉnh. Xây mới và nâng cấp 25/125 chợ của 124 xã xây dựng nông thôn mới.
Ảnh: N.Hải
Đến nay, 100% xã đều có bưu điện khu vực hoặc bưu điện văn hóa xã. Sửa chữa, nâng cấp trên 300 phòng học các cấp và các công trình về cơ sở vật chất văn hóa nhằm thúc đẩy các hoạt động thể dục - thể thao quần chúng. Trong công tác giáo dục đào tạo ở khu vực nông thôn, tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở, 132/529 trường đạt chuẩn quốc gia. Bên cạnh, tỉnh cho chủ trương nhà thầu ứng vốn để xây dựng các trạm y tế của 25 xã điểm đạt chuẩn quốc gia….
Tiến độ thực hiện xây dựng nông thôn mới tại Bến Tre?
- Số tiêu chí các xã đạt được đều thấp so với quy định theo bộ tiêu chí. Số xã đạt 19 tiêu chí chưa có, số xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí có 1 xã, số xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí có 15 xã, số xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí có 105 xã, đáng quan tâm là có 3 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Tính đến năm 2013, có 5 xã điểm nông thôn mới đạt 10-16/19 tiêu chí là xã Châu Bình (cao nhất, đạt 16/19 tiêu chí), Sơn Định, Quới Sơn, Hữu Định và Phú Nhuận.
Xin ông nêu vài "vướng mắc" trong thực hiện các tiêu chí?
- Như hệ thống giao thông nông thôn tại Bến Tre tuy phát triển rộng khắp nhưng không đủ tiêu chuẩn và bị xuống cấp nhiều. Điện áp phục vụ sản xuất và sinh hoạt chất lượng thấp. Thiếu quỹ đất công để quy hoạch, xây dựng các các công trình công cộng. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, sản xuất nông nghiệp còn manh mún, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh hàng hóa thấp. Tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp, hộ nghèo thiếu đất sản xuất, thiếu vốn, không có nghề nghiệp còn khá lớn.
Bến Tre có kiến nghị gì?
- Để việc xây dựng xã nông thôn mới nhanh, đúng tiến độ, các bộ, ngành trung ương sớm ban hành các văn bản hướng dẫn về thực hiện các tiêu chí nông thôn mới và quy trình xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới để địa phương triển khai thực hiện, đảm bảo tính thống nhất chung. Có kênh tín dụng riêng cho Chương trình xây dựng nông thôn mới đối với các xã điểm và có chính sách hỗ trợ về lãi suất để người dân và doanh nghiệp vay vốn phát triển sản xuất, xây dựng kết cấu hạ tầng đến năm 2015.
Xin cám ơn ông!
Phan Lữ Hoàng Hà (thực hiện)