Nằm trên trục Quốc lộ 57, Cảng cá Thạnh Phú cách thị trấn Thạnh Phú 10 km và cách thành phố Bến Tre 50 km. Cảng có vị trí khá thuận lợi trong giao thương - vận tải và nằm trong vùng nguyên liệu nuôi trồng thủy sản của địa phương.
Cảng chính thức đi vào hoạt động vào đầu tháng 9 năm 2013, với tổng diện tích 7,74 ha, trong đó diện tích đất 7,35 ha, diện tích vùng nước 0,39 ha; tổng vốn đầu tư trên 39 tỷ đồng, gồm các hạng mục, cơ sở vật chất được đầu tư khá khang trang.
Tàu, thuyền cập bến tại cảng (Ảnh NT)
Sau hơn 03 năm thành lập, với sự nỗ lực, phấn đấu của Ban lãnh đạo Cảng, sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương, cùng với các chính sách ưu đãi kêu gọi đầu tư của tỉnh, Cảng cá Thạnh Phú đi vào hoạt động ổn định, góp phần thúc đẩy ngành thủy sản của địa phương phát triển, đặc biệt là khai thác xa bờ, giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động, đánh thức thế mạnh tiềm năng kinh tế biển, đưa giá trị sản xuất thủy sản và dịch vụ của huyện nhà tăng trưởng khá, góp phần phát triển kinh tế - xã hội gắn với giữ vững an ninh - quốc phòng biên giới biển.
Mặc dù, điều kiện dịch vụ hậu cần tại Cảng hiện nay chưa hoàn thiện, nhưng Cảng vẫn đảm bảo cung ứng kịp thời các nhu cầu thiết yếu, phục vụ cho các tàu, thuyền ra khơi đánh bắt và xuống hàng tại bến. Bên cạnh đó, các cơ sở hoạt động trong Cảng góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 150 lao động tại hai xã An Nhơn và Giao Thạnh với mức thu nhập bình quân từ 2,5 đến 03 triệu đồng/người/tháng. Hiện tại, Cảng có 09 nhà đầu tư đang hoạt động, với tổng vốn trên 10 tỷ đồng, trong đó có: 03 cơ sở sơ chế biến thủy sản; 01 cơ sở sản xuất nước đá; 01 cơ sở kinh doanh xăng dầu; 01 cơ sở hoạt động xẻ gỗ, đóng sửa vỏ tàu; 01 cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng và 02 cơ sở dịch vụ ăn uống, tạp hóa, ngư lưới cụ…
Thu phí, dịch vụ hàng năm của Cảng đạt và vượt kế hoạch đề ra, năm 2015 tổng thu ước trên 650 triệu đồng, đạt 100 % kế hoạch, tăng 10% so cùng kỳ. Số lượng tàu, thuyền cập bến tăng đáng kể từ 150 chiếc năm 2013 lên 750 chiếc năm 2015. Sản lượng hàng hoá qua Cảng hàng năm trên 1.200 tấn, với nhiều chủng loại thủy, hải sản đa dạng có giá trị kinh tế cao như: tôm, mực, cá,…Đặc biệt trong những tháng cuối năm 2015, số lượng tàu thuyền cập bến tại cảng tăng vượt bậc, hàng tuần có trên 15 tàu, thuyền cập cảng lên xuống hàng.
Bên cạnh các chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn, thuận lợi của Cảng là kết nối với khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu cá trên sông Eo Lói (có khả năng phục vụ cho tàu neo đậu tránh, trú bão trên 1.000 chiếc); từ đó, giảm áp lực cho cầu tàu 400CV mỗi khi tàu về cảng nhiều, nên việc luân chuyển hàng hóa thuận lợi, không bị ách tắc, đảm bảo được chất lượng hàng thủy sản.
Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của các Cảng cá trên địa bàn tỉnh, Cảng cá Thạnh Phú vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác và đánh thức. Số lượng tàu, thuyền cập bến vẫn còn hạn chế, một phần do tập quán của các tàu thường tiêu thụ tại nơi khai thác gần nhất, bên cạnh đó, số lượng cơ sở thu mua hàng thủy, hải sản tại Cảng chưa đáp ứng yêu cầu; vì vậy việc phát triển các dịch vụ hậu cần chưa có sự thu hút đối với các nhà đầu tư.
Sơ chế thủy sản tại cảng (Ảnh NT)
Khó khăn hiện nay của Cảng là một số cầu trên tuyến đường bộ Quốc lộ 57 có trọng tải thấp, gây hạn chế cho việc vận chuyển hàng hóa từ Cảng đi các nơi khác và ngược lại. Bên cạnh đó, một số công trình hạ tầng phục vụ cho các cơ sở đầu tư khu vực phía ngoài tường rào Cảng cũng chưa được đầu tư đồng bộ.
Để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho Cảng Thạnh Phú phát huy tiềm năng, lợi thế, giải pháp cấp thiết hiện nay là tăng cường sự phối hợp, hỗ trợ của chính quyền địa phương, các ngành tỉnh trong việc tạo lưu thông thuận lợi cho tàu thuyền vào cập bến tại Cảng, cũng như nâng tải hệ thống cầu trên tuyến đường Quốc lộ 57. Song song đó, xúc tiến đầu tư một số hạng mục công trình để hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất. Ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện chính sách phát triển thủy sản trên địa bàn huyện theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ.
Trao đổi về định hướng phát triển trong thời gian tới, ông Võ Hoàng Đông, Trưởng Cảng cá Thạnh Phú cho biết: Để phát huy lợi thế so sánh, trong thời gian tới Cảng cá Thạnh Phú tăng cường phối hợp chặt chẽ với địa phương và các sở, ngành tỉnh trong công tác kêu gọi đầu tư, nhất là các vựa cá trong và ngoài tỉnh có tiềm lực về tài chính và đầu ra ổn định để nâng giá thu mua hàng thủy sản, thu hút tàu về Cảng. Theo kế hoạch năm 2016, trong khu vực hàng rào Cảng sẽ có 08 cơ sở thu mua, 03 cơ sở chế biến, 01 cửa hàng xăng dầu, 01 cửa hàng ăn uống - tạp hóa, 01 cơ sở cung ứng ngư cụ; phía ngoài rào sẽ có 01 cơ sở sản xuất nước đá, với công suất 1.500 cây/mẻ, 01 cơ sở cưa xẻ gỗ - sửa vỏ tàu. Hiện nay đang thương thảo với Công ty TNHH Công Thành để đầu tư 01 nhà máy chả cá surimi, 01 nhà máy chế biến bột cá, 01 nhà máy nước đá. Nếu như doanh nghiệp chấp nhận đầu tư, mặt bằng Cảng cá sẽ được lấp đầy, giải quyết trên 1.000 lao động, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Cảng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bên cạnh đó, Cảng sẽ tăng cường thực hiện tốt công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn; khai thác lợi thế khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu cá trên sông Eo Lói, dự kiến đưa vào sử dụng trong tháng 01 năm 2016. Xây dựng hệ thống chuyển tải thông tin từ Cảng cá đến tàu cá trên biển kịp thời, chính xác về thời tiết, về dự báo ngư trường, giá một số mặt hàng thu mua tại Cảng để tàu cá chủ động trong việc tiêu thụ sản phẩm và đưa tàu về Cảng cá Thạnh Phú. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với địa phương và các đơn vị ngành Nông nghiệp vận động ngư dân tích cực tham gia xây dựng tổ đội khai thác để hoạt động có hiệu quả, đảm bảo an toàn và góp phần bảo vệ an ninh vùng biển; triển khai các giải pháp đảm bảo về môi trường, an toàn về an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ, tạo sự yên tâm cho các tổ chức và cá nhân khi đầu tư vào Cảng cá Thạnh Phú.
Tin rằng, với quyết tâm cao, Cảng cá Thạnh Phú sẽ sớm đánh thức được tiềm năng, vươn mình phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về Chiến lược biển đến năm 2020, Kế hoạch số 2898/KH-UBND ngày 18/7/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh, phát huy mạnh mẽ tiềm năng kinh tế biển của địa phương.