Site banner

Bình Đại: Vùng ven xã Thạnh Phước lao đao tìmnước ngọt sinh hoạt

Hiện nay, thời tiết hạn hán đã lên đến đỉnh điểm và xâm nhập mặn sâu vào nội đồng trên địa bàn huyện Bình Đại, gây thiệt hại nặng nề trong sản xuất và sinh hoạt của người dân, riêng tại xã vùng ven Thạnh Phước, người dân địa phương đang phải lao đao tìm nước ngọt sinh hoạt.

Theo nhiều người dân địa phương cho biết, những năm gần đây, tình hình xâm nhập mặn tiến vào sâu trong nội đồng, gây nhiều khó khăn về nước ngọt sinh hoạt cho người dân. Được sự quan tâm của chính quyền, nhà máy nước dẫn nguồn nước ngọt từ sông Ba Lai về địa phương, giúp người dân giải quyết tình trạng khan hiếm nước ngọt vào mùa khô. Tuy nhiên, trong mùa khô năm nay, thời tiết khá khắc nghiệt, hạn hán kéo dài, xâm nhập mặn sớm hơn trong nội đồng. Nguồn nước máy được dẫn từ sông Ba Lai cũng lại nhiễm mặn khiến cho người dân xã Thạnh phước chưa hết vui mừng nay đã phải đối mặt với tình trạng thiết hụt nước ngọt sinh hoạt nghiêm trọng.

Hộ nghèo phải thắt chặt chi tiêu để đổi nước ngọt sinh hoạt 

Tại hộ ông Lê Văn Dũng, ấp Tân Long chia sẽ: Xã Thạnh Phước là xã ven biển, đất đai bị nhiễm mặn dần, người dân ngày càng không có nước ngọt sinh hoạt. Hơn năm trước, cây nước máy được kéo ống về xã để đem nước ngọt phục vụ nhân dân địa phương, người dân vui mừng, hứng khởi. Nhưng niềm vui chưa được bao lâu thì năm nay, đất đai tại địa phương bị nhiễm mặn gần hết, cây nước máy cũng bị mặn và thường xuyên bị đục, không thể đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của gia đình, khiến cho nhiều hộ gia đình phải khổ sở vì không có nước ngọt sinh hoạt.

Đi bộ khoảng trăm mét đến nhà ông Nguyễn Văn Hạnh, cũng thuộc ấp Tân Long, là hộ thuộc diện kinh tế khó khăn, nên việc loay hoay tìm nước ngọt sinh hoạt cho cả gia đình là một bài toán không hề dễ. Do kinh tế gia đình thấp nên ông không có khả năng xây dựng ống hồ chứa nước mưa để dành vào mùa khô. Mùa khô năm nay, gia đình ông Hạnh phải thắt chặt chi tiêu để dành tiền đi đổi nước ngọt từ xe máy cày vì theo ông nguồn nước máy bị mặn và đục không thể dùng được trong sinh hoạt. Giá 2 khối nước ngọt sinh hoạt từ xe máy cày có giá khoảng 100 ngàn đồng và còn tùy vào xa, gần. Để tiết kiệm nước sinh hoạt, ông Hạnh dùng nước máy bị nhiễm mặn để rửa chén, giặt giũ các nước đầu rồi sau đó đem tráng lại nước ngọt đổi từ xe máy cày. Với 2 khối nước, gia đình ông tiết kiệm nước tối đa cũng được 1 tuần lễ.

Ông Phạm Thanh Sang – Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Phướccho biết: “Xã Thạnh Phước có khoảng 2.500 hộ dân, vào thời điểm hiện nay, xã có khoảng 60% hộ dân thiếu nước ngọt sinh hoạt. Và theo tính toán của chính quyền địa phương, nếu hạn hán và xâm nhập mặn kéo dài hơn 1 tháng nữa thì số hộ gia đình lao đao vì thiếu nước ngọt, nước sạch sinh hoạt sẽ lên đến hơn 90%. Trước vấn đề này, chính quyền cũng đã triển khai nhiều phương pháp phòng chống hạn, mặn ngay từ đầu cuối mùa mưa năm trước như: Tuyên truyền hộ gia đình dữ trữ nước mưa, nước ngọt sinh hoạt, chuyển đổi cây trồng vật nuôi phù hợp. Vận động hộ khá xây hồ chứa nước mưa, vận động xã hội hóa, các nguồn dự án hỗ trợ đổ ống hồ cho người dân khó khăn. Tuy nhiên, do yếu tố khách quan như thiên nhiên ngày càng khắc nghiệt, dù chủ động phòng chống hạn, mặn nhưng số hộ dân thiếu nước ngọt của địa phương ngày càng tăng. Kiến nghị với cấp trên sớm xây dựng nhà máy nước tại xã nhằm phục vụ đầy đủ nước sinh hoạt cho người dân, tăng cường hỗ trợ nguồn vốn cho người dân xây hồ chứa nước ngọt”.

Nhìn chung, xã Thạnh Phước là một trong nhiều địa phương trên địa bàn huyện đang phải gồng mình để tìm phương án nước ngọt sinh hoạt cho người dân. Vì vậy, rất mong sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền sớm có giải pháp hợp lý nhằm giải quyết tình trạng thiếu ngọt, nước sạch cho người dân địa phương nói riêng.

Tuyết Mai