Sáng ngày 24/9/2018, Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Ba Tri tổ chức hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết số 03/NQ-TU của Tỉnh ủy về xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025; Chương trình 10-CTr/TU của Tỉnh ủy về Đồng Khởi khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp trên địa bàn huyện. Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Văn Tuấn – Bí thư Huyện ủy, ông Nguyễn Văn Trai - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, ông Dương Minh Tùng – Chủ tịch UBND huyện chủ trì hội nghị.
Thực hiện Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy, huyện Ba Tri chọn 5 loại sản phẩm chủ lực để xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm gồm: con bò, tôm, nghêu, Tôm- cá khô và rau sạch. Sau 2 năm triển khai xây dựng, hiện chuỗi giá trị sản phẩm bò được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu Chứng nhận “Bò Ba Tri”; thành lập được 1 Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp; hiện nay dự án phát triển đàn bò sữa trên địa bàn huyện phát triển tốt, toàn huyện hiện có 1.374 bò sữa, trong đó có 170 con đang cho sữa, sản lượng 1.700kg/ngày, giá bán từ 8.000 đến 14.000 đồng/kg, các hộ tham gia dự án có thu nhập ổn định.
Đối với chuỗi giá trị sản phẩm tôm biển, huyện đã thành lập được HTX nuôi tôm thâm canh xã Vĩnh An; HTX đã ký kết được hợp đồng với các công ty thủy sản bao tiêu sản sẩm đầu vào và đầu ra.
Chuỗi giá trị sản phẩm rau an toàn, diện tích sản xuất rau màu hàng năm của huyện khoảng 2.600 hecta, sản lượng khoảng 40.000 tấn; huyện đã thành lập được 1 HTX sản xuất nông nghiệp Phú Ngãi, với 21 hộ nông dân tham gia, diện tích 6,8 hecta, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu tập thể “Rau Phú Nghĩa”. Hiện nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đang triển khai mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn Viet GAP cho các thành viên trong HTX.
Riêng hai chuỗi giá trị sản phẩm nghêu và tôm-cá khô đang trong gia đoạn hình thành, 3 HTX nghêu trên địa bàn hoạt động hiệu quả; làng nghề truyền thống chế biến cá khô An Thủy hoạt động ổn định, sản lượng hàng năm đạt 1.200 tấn sản phẩm cá khô các loại; huyện đang tiến hành thành lập HTX sản xuất tôm- cá khô trên địa bàn xã An Thủy….
Tuy nhiên trong quá trình xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực, Ba Tri còn một số hạn chế đó là: trong 5 chuỗi giá trị sản phẩm, thì chưa có chuỗi giá trị nào hoàn thiện, các chuỗi chỉ dừng lại ở mức độ hoạt động HTX, nhưng hoạt động của các HTX cũng chưa thực sự mang lại hiệu quả và còn nhiều hạn chế(chưa thực hiện được liên kết đầu vào, đầu ra sản phẩm của HTX; số thành viên, cũng như nguồn vốn còn thấp; chưa xây dựng được mối liên kết bền vững giữa nông dân với doanh nghiệp….)
Sau 2 năm thực hiện Chương trình 10 của Tỉnh ủy về Đồng Khởi khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp, toàn huyện Ba Tri đã thành lập mới được 84 doanh nghiệp (trong đó có 19 doanh nghiệp là hộ kinh doanh cá thể phát triển lên, 6 doanh nghiệp khởi nghiệp); phát triển mới 1.252 hộ kinh doanh; thành lập 215 Tổ hợp tác, 7 HTX và 1 Quỹ tín dụng nhân dân. Nâng tổng số toàn huyện có 14 HTX.
Bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện còn một số khó khăn, hạn chế như: số doanh nghiệp thành lập mới, tỷ lệ hộ kinh doanh cá thể phát triển lên doanh nghiệp còn thấp so với chỉ tiêu; hoạt động truyền thông khởi nghiệp trong thanh niên tuy được thực hiện nhưng kết quả chưa cao; thanh niên trên địa bàn huyện còn tâm lý ngại thất bại, thiếu tính sáng tạo, năng động trong sản xuất; việc tiếp cận nguồn quỹ khởi nghiệp để thực chương trình Khởi nghiệp thoát nghèo và thực hiện Đề án sinh kế còn gặp nhiều khó khăn…
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND huyện Ba Tri Dương Minh Tùng yêu cầu các ngành, các xã, thị trấn phải nghiêm túc đánh giá những kết quả đạt được, qua đó đề ra các giải pháp khắc phục hiệu quả những khó khăn, hạn chế trong thực hiện Nghị quyết 03 và Chương trình 10 của Tỉnh ủy. Định hướng, giải pháp trong thời gian tới Chủ tịch UBND huyện đề nghị tập trung thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm sau: Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng vật nuôi theo hướng chất lượng, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, quan tâm chuyển đổi cây trồng, vật muôi thuộc nhóm sản phẩm chủ lực của địa phương; quan tâm hỗ trợ HTX, THT xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh phù hợp; đây nhanh tiến độ hoàn thiện 5 chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của huyện.
Tiếp tục thống kê, rà soát, đẩy mạnh công tác vận động hộ kinh doanh đủ điều kiện phát triển lên doanh nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các chính sách về khởi nghiệp- phát triển doanh nghiệp; tập trung triển khai, thực hiện các Chương trình, đề án giảm nghèo trên địa bàn một cách có hiệu quả ./.