Site banner

Quản lý môi trường hồ chứa nước ngọt sông Ba Lai

                                 ảnh (sông Ba Lai đoạn giáp xã Tam Phước và Thị trấn Châu Thành)

Sông Ba Lai trọn vẹn trong địa phận tỉnh Bến Tre, có chiều dài 55 km, làm ranh giới tự nhiên giữa huyện Bình Đại với Giồng Trôm và Ba Tri, chảy từ ranh giới các xã Tân Phú và Phú Đức, huyện Châu Thành ra đến biển, cửa Ba Lai.

Xưa kia, sông sâu và rộng, nhưng từ những thập kỷ đầu thế kỷ XX, do phù sa sông Cửu Long bồi lấy ngày một nhiều ở phía cồn Dơi (vàm Ba Lai, xã Phú Đức) nên dòng sông cạn dần, và ngày nay, đoạn trên của sông Ba Lai tách hẳn ra khỏi sông Mỹ Tho. Từ xã Phú Đức đến xã An Hóa (dài 17 km) dòng sông cạn và hẹp. Từ kênh An Hóa đi về phía biển, lòng sông được mở rộng từ 200 – 300 m, độ sâu từ 3 – 5 m. Nước từ sông Mỹ Tho qua kênh An Hóa, chảy mạnh vào sông Ba Lai làm hạn chế quá trình lắng đọng phù sa của đoạn sông này.

Lúc kênh mới đào, chiều rộng chưa đầy 30 m, nhưng do dòng nước chảy xiết nên sông bị xói mòn nhanh và rộng dần ra cả trăm mét. Do nước chảy mạnh, dưới đáy sông lại có những cồn ngầm, cho nên vào mùa gió chướng thổi mạnh, mặt sông thường có sóng lớn, nước xoáy, gây nguy hiểm cho thuyền bè đi lại. Trên sông có các cồn như cồn Dơi, cồn Qui, cồn Bà Tam, cồn Thùng.

Hiện nay cửa sông Ba Lai bị lấp dòng bởi đập Ba Lai, và thay vào đó là cống Ba Lai. Cống đập Ba Lai có mục tiêu ngăn mặn, tạo nguồn ngọt, thau chua rửa phèn, cải tạo đất tự nhiên phía thượng nguồn, trong đó đất canh tác nông nghiệp, cung cấp nước sinh hoạt cho các huyện Bình Đại, Ba Tri, Giồng Trôm, Châu Thành và thị xã Bến Tre. Hệ thống cống đập này đặt tại khu vực xã Thạnh Trị (huyện Bình Đại) và xã Tân Xuân (huyện Ba Tri), được khởi công ngày 27 tháng 01 năm 2000, đưa vào sử dụng ngày 30 tháng 4 năm 2002. Đập Ba Lai dài 544 m. Cống Ba Lai gồm 10 cửa, khẩu độ 84 m, vận hành bằng van tự động 2 chiều.

Đợt hạn mặn lịch sử mùa khô năm 2019-2020, tỉnh Bến Tre có hàng chục nghìn hộ dân bị thiếu nước, phải sử dụng nước kém chất lượng hoặc nhiễm mặn. Nhiều khu vực phải sử dụng nước mặn trên dưới 5‰. Hàng nghìn ha vườn cây ăn trái, hoa màu, hoa kiểng bị thiệt hại do khô hạn, sông Ba Lai cũng bị xâm nhập mặn lên tới thượng nguồn.

Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường được Ủy ban nhân dân tỉnh giao chủ động phối hợp với các sở ngành và địa phương liên quan thực hiện đánh giá hiện trạng và đề xuất quản lý tổng hợp môi trường hồ chứa nước ngọt sông Ba Lai trong điều kiện biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn. Theo đó, trong hai năm 2021 và 2022 sẽ tiến hành thực hiện 5 nội dung chính gồm:

Tổng hợp, phân tích các thông tin, số liệu về điều kiện tự nhiên, hiện trạng và quy hoạch kinh tế – xã hội, quy hoạch sử dụng đất, sử dụng tài nguyên nước sông Ba Lai; Thu thập các thông tin số liệu về biến đổi khí hậu, tình hình xâm nhập mặn xảy ra trên địa bàn tỉnh; Điều tra khảo sát hiện trạng môi trường hồ chứa nước ngọt sông Ba Lai; Thực hiện đo đạc lưu lượng, mặt cắt sông và các kênh, rạch có lưu lượng lớn giao cắt và thông dòng với hồ chứa nước ngọt Ba Lai. Quan trắc và thu mẫu nước mặt trên sông Ba Lai và các kênh, rạch có lưu lượng lớn giao nhau với sông Ba Lai; Đánh giá diễn biến khí hậu và hiện trạng xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh ở thời điểm hiện tại, định hướng đến năm 2030. Đánh giá diễn biến chất lượng môi trường nước của hồ chứa nước ngọt Ba Lai và những ảnh hưởng do tác động của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn ở thời điểm hiện tại, định hướng đến năm 2030.

Từ đó đề xuất các giải pháp quản lý tổng hợp và sử dụng bền vững tài nguyên nước của hồ cấp nước ngọt sông Ba Lai ở thời điểm hiện tại và định hướng đến năm 2030.

 

TT-BCXB