Ngoài thời gian làm nhiệm vụ canh giữ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc hay những buổi cực nhọc ở thao trường, các anh lính hải đảo còn có những giây phút rất đời thường.
Đó là những phút trải lòng cùng nhau, những buổi sinh hoạt nhóm, những lá thư, dòng thơ được thể hiện rất mộc mạc và chân tình gửi về hậu phương… tất cả đã làm toát lên chất lính của anh Bộ đội Cụ Hồ.
Đảo là nhà, biển cả là quê hương" - đó chính là phưong châm sống của lính đảo Trường Sa. Và trong mái nhà chung ấy, mọi người tề tựu về để cùng hỗ trợ nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ và đồng thời chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, làm chỗ dựa tinh thần cho nhau. Có tận mắt chứng kiến, chúng ta mới cảm nhận được hết tinh thần đoàn kết, keo sơn gắn bó của các chiến sĩ nơi đây, từ việc hỗ trợ nhau để hoàn thành tốt nhiệm vụ cho đến giúp đỡ nhau những công việc thường nhật, như: chăm sóc vườn rau, cho gia súc ăn, cắt tóc "vần công", cùng nhau vui chơi thể thao… Hay những lúc có thời gian rảnh rỗi, các chiến sĩ hải quân lại quây quần cùng nhau với cây đàn guitar và cất lên những bài ca về biển đảo, như phần nào làm vơi bớt nỗi nhớ nhà, nhớ người yêu.
Dưới cây phong ba, Trung úy Hoàng Anh Tuấn (ngồi giữa) cùng với đồng đội sinh hoạt văn nghệ.
Tại đảo Sơn Ca, hòa trong tiếng gió vi vu và tiếng sóng biển rì rào, chúng tôi nghe thoang thoáng âm bổng trầm của đàn guitar với lời hát ngân nga: "Gửi ra Trường Sa những ngày biển động/Gửi ra Trường Sa đêm trăng quê nhà/Gửi ra Trường Sa, tuổi trẻ của chúng tôi, những người lính ở trong đất liền, vẫn đêm ngày cùng các anh canh giữ biển đảo biên cương…" Cũng như một số đồng đội khác, Trung úy Hoàng Anh Tuấn thường bầu bạn với cây đàn guitar vào những thời gian rảnh rỗi. Anh Tuấn cho biết: Ngoài những giờ làm nhiệm vụ hay tập luyện ở thao trường, anh em chúng tôi thường ngồi với nhau để bầu bạn, ca hát… cùng chia sẻ những vui buồn như phần nào vơi đi nỗi nhớ nhà. Tuy mọi người đến từ mỗi nơi khác nhau nhưng khi về đây, thì chúng tôi đều xem nhau như anh em. Mỗi khi có chuyện gì vui thì kể cho nhau nghe, hay những lúc có chuyện buồn, chúng tôi chia sẻ với nhau. Hoạt động mà anh em chúng tôi thích nhất là được ngồi dưới cây phong ba hay cây bàng vuông, anh em sum vầy lại rồi cất lên tiếng đàn, giọng hát. Bài hát mà chúng tôi yêu thích và thường hay hát nhất là "Gửi đồng đội nơi đảo xa" của nhạc sĩ Nguyễn Khánh Trình. Theo tôi, đây là một trong những bài hát rất hay viết về biển đảo quê hương cũng như những người đang công tác bảo vệ vùng trời, vùng biển của Tổ quốc. Sau mỗi lần hát bài hát này, anh em chúng tôi lại cảm thấy tinh thần phấn khởi, tươi vui, như được nạp thêm "năng lượng" để góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Dưới tượng đài Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, các chiến sĩ hải quân đảo Song Tử Tây thường tụ họp để sinh hoạt ngoại khóa hay trao đổi những thuận lợi, khó khăn đối với những tân binh khi bắt đầu làm quen với cuộc sống biển đảo. Chiến sĩ Trương Minh Phúc bày tỏ: Mọi người ở đây đều rất thương yêu, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau. Người đi trước luôn sẵn sàng chỉ dẫn người đi sau, chính vì thế mà các tân binh đến đây đều nhanh chóng bắt kịp với môi trường trong quân đội cũng như trong sinh hoạt hàng ngày. Điều tôi rất thích - mà ở trong đất liền khó có thể bắt gặp, là hình ảnh anh em ở đây hớt tóc vần công cho nhau. Hầu như mỗi cụm chiến đấu trên đảo đều có vài người thợ hớt tóc "bất đắc dĩ" để chăm lo chuyện đầu tóc cho các chiến sĩ, vì thế mà chiến sĩ hải quân thêm phần tươm tất.
Những hoạt động vui chơi thể thao hay những buổi sinh hoạt ngoại khóa đã phần nào tiếp thêm nguồn sinh lực giúp người chiến sĩ hải quân vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhưng có lẽ, trong góc khuất của mỗi tâm hồn, người lính biển đảo đều có riêng tâm trạng, nhất là khi nghĩ về "người em gái hậu phương" đang dõi mắt trông chờ những cánh thư. Theo chiến sĩ Trương Minh Phúc, xa nhà, xa người yêu thì chẳng ai muốn nhưng vì tình yêu quê hương, yêu biển đảo nên anh đã lên đường làm nhiệm vụ. Những lúc nhớ người yêu, Minh Phúc lại mượn đến vần thơ để thể hiện cung bậc cảm xúc của mình. Từ đảo xa gửi về em câu hát/Biển một nửa, một nửa là tình em - đó là những dòng thơ trong bài thơ "Gửi em" đã được Minh Phúc viết khi mới ra đảo làm nhiệm vụ được 5 tháng. Phúc đã biến nỗi nhớ ấy thành niềm tin, sức mạnh, chắc tay súng để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Lính Trường Sa là thế đấy! Các chiến sĩ hải quân luôn dũng cảm trước kẻ thù xâm phạm vùng biển, vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc, đồng thời họ cũng thật gần gũi đối với đồng chí và cũng thật lãng mạn trong tình yêu đôi lứa.
Bài, ảnh: Quốc Hùng