Kết quả qua 03 năm triển khai Đề án phát triển du lịch, tốc độ tăng trưởng bình quân từ năm 2011-2014 đạt 23%/năm. Năm 2013, có hơn 800 ngàn lượt khách, doanh thu 459 tỷ đồng. Khách nghỉ lại các cơ sở lưu trú trong tỉnh chiếm 33% tổng lượt khách. Đã đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch thuộc chương trình mục tiêu quốc gia 62 tỷ đồng; đầu tư tôn tạo di tích văn hóa - lịch sử 71 tỷ đồng; đầu tư cơ sở kỹ thuật kinh doanh du lịch 26 dự án với tổng vốn đăng ký 4.110 tỷ đồng, thực hiện đến nay đạt 864 tỷ đồng. Ngoài ra, còn đầu tư 20 điểm du lịch nông thôn, đưa số điểm du lịch toàn tỉnh lên 65 điểm; đầu tư mới 17 cơ sở lưu trú du lịch, nâng lên 57 cơ sở với 1.302 phòng. Đặc biệt, Đề án đã tập trung xây dựng 02 điểm du lịch đặc thù của tỉnh là Dự án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển tại Bến Tre, đã thi công giai đoạn I, vốn thực hiện 24 tỷ đồng; Dự án khu Forevergreen Resort làm điểm nhấn phát triển du lịch các xã ven sông Tiền, đã hoàn thành giai đoạn I với tổng kinh phí 384 tỷ đồng, đang triển khai giai đoạn II. Công tác đào tạo nguồn nhân lực và xúc tiến du lịch cũng được chú trọng. Các sở, ngành tỉnh, các huyện, thành phố cũng đã tăng cường hỗ trợ đầu tư, hình thành các tour, tuyến, điểm du lịch mới. Trong năm 2014, Bến Tre cũng đã ký kết hợp tác liên kết phát triển du lịch cụm duyên hải phía Đông vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm 04 tỉnh: Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long và Trà Vinh. Đây là cơ hội để các tỉnh trong cụm liên kết phát triển sản phẩm du lịch mới, tạo chương trình tham quan du lịch hấp dẫn, định vị được thương hiệu du lịch của mình "Bốn địa phương một điểm đến".
Du khách quốc tế rất thích thú khi được trải nghiệm du lịch sinh thái miệt vườn tại Bến Tre (Ảnh: TTXTDL)
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre, địa phương đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 sẽ đón khoảng 1 triệu lượt khách, doanh thu đạt khoảng 700 tỷ đồng tăng trưởng bình quân 23%/năm trở lên; có 1 khu du lịch đạt chuẩn về cơ sở vật chất, 67 điểm du lịch, 58 cơ sở lưu trú với 1.354 phòng. Để đạt được mục tiêu này, ngành Du lịch tỉnh Bến Tre đã phân tích, đánh giá thực trạng phát triển du lịch Bến Tre những năm qua, tiềm năng du lịch cần được phát huy và khai thác phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Theo đó, tỉnh Bến Tre đặt mục tiêu trong những năm tới đây, sẽ hình thành hệ thống sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút khách tạo nguồn thu du lịch, đưa ngành du lịch phát triển, góp phần vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu tham quan, khám phá, nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí của người dân trong và ngoài tỉnh, góp phần bảo tồn và khai thác có hiệu quả các di tích văn hóa- lịch sử, các giá trị di sản văn hóa, giá trị môi trường sinh thái, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu. Trên cơ sở đó, xây dựng thương hiệu du lịch Bến Tre. Trong đó, ưu tiên tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch như du lịch tham quan du lịch sông nước miệt vườn, du lịch văn hóa- lịch sử, du lịch làng nghề, du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng.
Được biết, Bến Tre là địa phương có tiềm năng du lịch đa dạng, với những vườn cây ăn trái chuyên canh hiệu quả có thương hiệu từ nhiều năm qua, được mệnh danh là "Vương quốc trái cây, cây giống và hoa kiểng" nổi tiếng với nhiều loại trái cây ngon như: Sầu riêng, măng cụt, bưởi da xanh,… Cùng với đó hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, con người Bến Tre thân thiện và mến khách, với những cù lao nổi trên sông hấp dẫn du khách như: Cồn Phụng, cồn Quy, cồn Ốc, cồn Phú Đa,… Ngoài ra, Bến Tre còn có những làng nghề nổi tiếng như: Làng nghề cây giống- hoa kiểng Cái Mơn- Chợ Lách, làng nghề sản xuất kẹo dừa, làng nghề chỉ sơ dừa An Thạnh và Khánh Thạnh Tân, làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng- bánh phồng Sơn Đốc (Giồng Trôm), làng nghề sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa, làng nghề đan giỏ cọng dừa Hưng Phong (Giồng Trôm),… Những di tích văn hóa- lịch sử độc đáo, nhiều danh nhân nổi tiếng như: Nguyễn Đình Chiểu, Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký, Võ Trường Toản, Nguyễn Thị Định,…và có những điều kiện khá thuận lợi để hình thành các loại hình sản phẩm du lịch- dịch vụ, trong đó du lịch sinh thái sông nước miệt vườn là một thế mạnh.
Vườn kiểng thú ở Chợ Lách. Ảnh L.V
Hiện nay, hệ thống các cơ sở kinh doanh du lịch của tỉnh Bến Tre bao gồm các đơn vị kinh doanh lữ hành; các đơn vị kinh doanh cơ sở lưu trú và các đơn vị kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí đều được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại. Nhiều mô hình du lịch nghỉ dưỡng ở Bến Tre thu hút khách du lịch như: Khu Forevergreen Resort, khu nghỉ dưỡng Mỹ An, khu du lịch sinh thái vườn trái cây Phú An Khang,...Du lịch sinh thái của tỉnh Bến Tre hiện nay chủ yếu được tổ chức theo các hình thức chính là du lịch sinh thái miệt vườn; du lịch sinh thái kết hợp trải nghiệm tham quan tìm hiểu làng nghề, du lịch tham quan các di tích văn hóa- lịch sử, du lịch homestay,…
Thú vui bắt cá tại khu du lịch sinh thái Phú An Khang Ảnh T.A
Đến nay, tỉnh Bến Tre bước đầu đã khai thác tiềm năng du lịch để hình thành các sản phẩm du lịch tương đối đa dạng, tuy nhiên Bến Tre vẫn chưa khai thác triệt để tiềm năng thế mạnh về du lịch của mình, một số dự án du lịch chưa thu hút được các nhà đầu tư. Hy vọng, trong thời gian tới, với sự quyết tâm cao nhất của toàn Đảng, toàn dân, và toàn hệ thống chính trị thì ngành du lịch tỉnh nhà sẽ ngày càng phát triển mạnh, thu hút nhiều du khách trong nước và du khách quốc tế.
Phương Lê