Site banner

Niềm vui cho người nghèo ở An Hiệp từ một dự án

Năm 2008, cùng với các địa phương trong huyện, An Hiệp được chọn để thực hiện dự án, với 4 hợp phần chính gồm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển dịch vụ kinh doanh nông thôn, mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường cho người nghèo và quản lý dự án. Đến nay, dự án phát triển kinh doanh với người nghèo nông thôn tỉnh Bến Tre tại xã An Hiệp đã cơ bản thực hiện hoàn thành các mục tiêu kỳ vọng.

 

Lộ nông thôn do Dự án đầu tư kinh phí xây dựng phục vụ tốt việc lưu thông của người dân.

Trong chuỗi hoạt động đó, Dự án đã hỗ trợ đào tạo lớp trồng lúa và chính thức đưa vào hoạt động tổ liên kết trồng lúa gồm 27 thành viên tập trung chủ yếu ở ấp Giồng Lớn. Các thành viên của tổ được tập huấn, tham quan, chuyển giao quy trình kỹ thuật trồng lúa. Các hộ sản xuất còn liên kết hỗ trợ nhau về vốn, kinh phí mua lúa giống, phân, thuốc. Từ đó, người dân nắm vững và thực hiện theo đúng quy trình, kỹ thuật trồng lúa, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận kinh tế, bảo vệ môi trường. Qua mỗi vụ sản xuất, nông dân giảm chi phí từ 400.000đ đến 700.000đ/công đất.

Ngoài ra, Dự án đưa chương trình đào tạo nghề đan ghế nhựa, nghề may đến với người dân nhằm giải quyết nguồn lao động nông thôn nhàn rỗi. Sau khi học nghề, đa số các học viên, nhất là lao động nữ đều có việc làm, tạo thu nhập. Hiện tại có gần 200 lao động được làm việc tại các cơ sở may mặc, tổ đan ghế nhựa tại địa phương. Mức lương mỗi công nhân làm việc tại cơ sở may mỗi tháng từ 2,5 đến 5 triệu đồng; thu nhập mỗi người đan ghế mỗi tháng 1,5 triệu đồng. Chị Cao Thị Mứt ở ấp Giồng Ao, một trong những người được đào tạo nghề đan ghế nhựa và có việc làm, phấn khởi cho biết: "Được Dự án phát triển kinh doanh với người nghèo nông thôn tỉnh Bến Tre đào tạo nghề, tôi mừng lắm. Vì hàng ngày, sau khi lo xong việc nhà, tranh thủ thời gian còn lại, tôi đan ghế nhựa và tạo thêm thu nhập cho gia đình".

Để nâng cao kinh tế gia đình, giúp hộ nghèo có điều kiện chăn nuôi, phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững, Dự án đã hỗ trợ cho 7 hộ về con giống cá sặc rằn và thức ăn nuôi ban đầu, chuyển giao cho 8 hộ 8 con bò sinh sản nuôi xoay vòng, hỗ trợ cho 12 hộ, mỗi hộ 5 triệu đồng mua dê sinh sản và làm chuồng trại nuôi. Đến nay, bò, dê sinh trưởng tốt, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Anh Nguyễn Khắc Như ở ấp Giồng Lớn, một trong những người được dự án hỗ trợ kinh phí đầu tư nuôi dê vui mừng cho biết: "Được Dự án phát triển kinh doanh với người nghèo tỉnh Bến Tre hỗ trợ 1 con dê sinh sản trị giá 4,5 triệu đồng. Sau thời gian nuôi, dê sinh được 2 con. Thấy dê nuôi vốn ít, thức ăn dễ tìm, giá ổn định lại thu nhập nhanh nên tôi bán 2 con dê con để mua lại một con dê sinh sản nuôi. Hiện nay cả 2 con dê đều đang mang bầu, sắp sinh sản".

Bên cạnh đó, Dự án còn chú trọng đầu tư nâng cấp hạ tầng nông thôn, xây dựng nhiều công trình giao thông nhằm tạo điều kiện cho người dân đi lại và vận chuyển hàng hóa, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm. Trong 5 năm qua, Dự án đầu tư trên 4 tỷ đồng trải nhựa, tráng bê tông gần 7 km lộ liên ấp. Ngoài ra, còn hỗ trợ công trình xây dựng mới chợ ở ấp An Bình với vốn đầu tư gần 400 triệu đồng, tạo điều kiện cho người dân nơi đây trao đổi hàng hóa, thúc đẩy kinh tế ở địa phương phát triển. Là một người dân được hưởng lợi từ những công trình này, ông Trương Văn Viêm ở ấp Giồng Lớn cho biết: "Trước đây đường đi lại rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Bây giờ được Dự án phát triển kinh doanh với người nghèo tỉnh Bến Tre đầu tư xây dựng giao thông, tôi và bà con ở đây đi lại và vận chuyển hàng hóa được dễ dàng hơn. Bà con ở đây mừng lắm".

Các hoạt động của Dự án giúp hộ nghèo của xã tạo thu nhập, từng bước vươn lên. Cuối năm 2013, thu nhập bình quân đầu người của xã là 21 triệu đồng/năm, chỉ còn 565 hộ nghèo, chiếm 24,3% tổng số hộ, giảm 74 hộ so với năm trước.

Có thể khẳng định, Dự án phát triển kinh doanh với người nghèo tỉnh Bến Tre đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, hạ tầng nông thôn ở An Hiệp, mang đến nhiều niềm vui cho người nghèo nơi đây.

Hiện nay, An Hiệp tiếp tục được thực hiện Dự án thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng Sông Cửu Long khu vực huyện Ba Tri tỉnh Bến Tre giai đoạn 2014 – 2020. Đây là chương trình tiếp nối của dự án phát triển kinh doanh với người nghèo do Quỹ phát triển nông nghiệp Quốc tế tài trợ. Dự án thực hiện với các hợp phần như đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện mô hình hợp tác công tư và quản lý dự án. Ông Lê Văn Chiến, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã An Hiệp cho biết: "Sau khi kết thúc Dự án phát triển kinh doanh với người nghèo tỉnh Bến Tre, An Hiệp tiếp tục được Quỹ phát triển nông nghiệp Quốc tế chọn thực hiện Dự án thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng Sông Cửu Long khu vực huyện Ba Tri tỉnh Bến Tre giai đoạn 2014 – 2020". Để Dự án này thực hiện ở địa phương mang lại kết quả, sắp tới chúng tôi sẽ nắm bắt những thông tin theo chủ trương mới để hướng dẫn người nghèo thực hiện đúng các quy định của Dự án đề ra. Qua đó góp phần giảm nghèo bền vững trên địa bàn xã".

                          Trần Xiện