Site banner

Ba Tri- Mô hình trồng bưởi da xanh đạt hiểu quả kinh tế cao của nông dân xã Tân Mỹ.

Hiện nay, nhiều mô hình trồng bưởi da xanh trên địa bàn xã Tân Mỹ, huyện Ba Tri đang rất thành công nhờ năng suất, hiệu quả và nguồn thu nhập ổn định từ mô hình này. Điển hình  như hộ ông Châu Văn Bối, ấp Tân Thành vươn lên khá giàu từ thu nhập vườn bưởi da xanh của mình.

Ông Châu Văn Bối đang chăm sóc vườn bưởi.

Trước kia với diện tích 1,8 ha, ông chuyên trồng xoài và mía, nhưng hiệu quả kinh tế không cao, năm 2014 ông bắt đầu trồng thử nghiệm 30 gốc bưởi da xanh, sau thời gian trồng thấy bưởi phát triển và cho trái rất say, từ đó ông bắt đầu phá bỏ xoài, mía và nhân rộng cây bưởi da xanh trên toàn bộ diện tịch đất, với 880 gốc.

Theo ông Bối cây bưởi da xanh rất "chịu nước và cũng rất sợ nước" do đó khi trồng bưởi da xanh phải lên liếp, đắp mô cao, bên cạnh đó phải đào mương,  để khi vào mùa mưa nước có thể rút nhanh không gây ngập úng. Vào mùa nắng lễ bưởi có thể hút nước dưới mương để nuôi cây, giúp cây phát triển.

Trong cách bón phân, ông kết hợp sử dụng giữa hai loại phân hữu cơ và phân hóa học, vì theo ông nếu như sử dụng phân hóa học trong một thời gian dài, sẽ làm cho đất bị bạc màu, nóng làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng phát triển của cây bưởi, do đó kết hợp bón với phân hữu cơ, phần chuồng để cải tạo đất, giúp cho cây phát triển bền vững. Ông Châu Văn Bối cho biết: " phân hữu cơ là chủ đạo, nhưng tưng giai đoạn mình có thể bón bổ sung phân hữu cơ, cụ thể khi cây ra bông bón thêm phân Lân, giai đoạn nuôi trái bón thêm phân đạm, trái già cho trái ngọt thêm Kali"

Đặc biệt, một trong những yếu tố góp phần mang lại hiệu quả trong việc trồng bưởi, ông Bối đã sử dụng hệ thống tưới nước bằng vòi phun sương thay thế cho hệ thống tưới bằng dây ống. Với hệ thống này, khi tưới đất sẽ ướt đều, diện tích rộng và tạo được độ ẩm cho đất, giúp rễ bưới dễ hấp thụ nước, các loại khoáng chất thiết yếu. Cách lắp đặt hệ thống vòi phun sương, cứ mỗi khoảng trống giữa hai gốc bưởi ông đặt một vòi phun sương, đảm bảo cho bán kính phun nước phủ khắp mặt đất.  Hiện tại, với 40 vòi phun sương đảm bảo tưới cho toàn bộ vườn bưởi 1,8 ha.

Ông Châu Văn Bối chia sẻ: " hệ thống vòi phun sương đầu tư ban đầu cao, nhưng nếu so về hiệu quả kinh tế với hệ thống tưới dây là rất cao, 1ha tưới nếu tưới bằng dây thì mất hết 1 ngày, trong khi tưới vòi phun sương chỉ mất 3 giờ, vừa tiết kiệm được điện, tiền công lao động tưới". 

Hệ thống tưới vòi phun sương tại vườn bưởi ông Châu Văn Bối

Với cách làm này, vườn bưởi của ông Bối phát triển và cho năng suất trái rất cao, mang về nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Năm 2012 ông thu được 7 tấn trái, thu nhập trên 200 triệu đồng, năm 2013 thu hoạch 15 tấn trái, thu nhập khoảng 400 triệu đồng. Riêng dịp Tết nguyên đán Giáp Ngọ ông thu hoạch trên 5 tấn trái, thu nhập trên 200 triệu đồng.

Đánh giá về hiệu quả kinh tế mô hình trồng bưởi của ông Châu Văn Bối, ông  Nguyễn Văn Nghĩa- Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Tân Mỹ cho biết: " phải nói mô hình trồng bưởi da xanh của anh Bối rất hiệu quả và mang tính bền vững. Trong thời gian qua, Hội nông dân xã đã vận động nhân dân cải tạo vườn tạp, chuyển sang trồng cây ăn trái, đặc biệt là cây bưởi da xanh. Hiện nay, Hội nông dân xã cũng đã thành lập được Tổ liên kết sản xuất Bưởi da xanh, có 36 hộ nông dân tham gia với diện tích 20 ha, do anh Châu Văn Bối làm tổ trưởng.

Với việc áp dụng thành công các biện pháp mới trong trồng bưởi da xanh mang lại hiểu quả kinh tế cao, ông Châu Văn Bối được công nhận là nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền.

Trà Dũng