Site banner

Bến Tre: Đề án 52 góp phần nâng cao chất lượng dân số khi sinh

Ngày 9-4-2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 52/2009/QĐ-TTg, phê duyệt "Đề án Kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển giai đoạn 2009 – 2020" (gọi tắt là Đề án 52) với mục tiêu: Kiểm soát quy mô dân số các vùng biển, đảo, ven biển, góp phần thực hiện thắng lợi chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) và các mục tiêu của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.

Trong giai đoạn I (từ 2009 đến 2015) các địa phương thực hiện Đề án phấn đấu đạt mức sinh thay thế trong toàn vùng; nâng cao chất lượng dân số; nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, sức khỏe sinh sản (SKSS), KHHGĐ. Nâng cao chất lượng thông tin quản lý về DS-KHHGĐ; thí điểm và nhân rộng một số loại hình, mô hình; tổ chức các hoạt động hỗ trợ cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, SKSS, KHHGĐ.

Chiến sĩ Đồn Biên phòng Cổ Chiên truyền thông, vận động KHHGĐ cho ngư dân đánh bắt.

Tại Bến Tre, Đề án 52 được tổ chức triển khai thực hiện tại 62 xã, thị trấn của 3 huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú có tổng số 121.457 hộ dân với 494.157 nhân khẩu,  có 142.687 phụ nữ trong độ tuổi từ 15 – 49, trong đó 88.077 người đủ điều kiện sinh. Trong 6 tháng đầu năm 2013, hoạt động Đề án 52 ở Bến Tre  thực hiện 6 nhiệm vụ gồm: Đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, SKSS, KHHGĐ; Nâng cao chất lượng dân số khi sinh; Hỗ trợ phòng, chống bệnh lây truyền qua đường tình dục, phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn, phá thai an toàn; Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý; Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về DS-SKSS-KHHGĐ và nâng cao hiệu quả quản lý đề án.

Để thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, mỗi huyện thành lập một đội lưu động có đủ trang thiết bị truyền thông, y tế. Đội thực hiện chuyên môn tại các xã. Sáu tháng đầu năm 2013, các đội đã thực hiện được 67 lượt cung cấp dịch vụ tại 57 xã, thị trấn của 3 huyện. Tổng số người được truyền thông tư vấn, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, KHHGĐ là 23.209 lượt người, trong đó có 6.179 bà mẹ mang thai được khám thai, 13.425 lượt người được khám phụ khoa, phát hiện và cấp thuốc điều trị cho 7.254 lượt người mắc bệnh phụ khoa (tỷ lệ mắc bệnh phụ khoa thông thường lên đến 54% so với người đến khám). Ban quản lý Đề án 52 luôn cung cấp đầy đủ thuốc thiết yếu, phương tiện tránh thai và tạo điều kiện thuận lợi nhất để tất cả các đối tượng vùng biển được tiếp cận nhiều hơn, tốt hơn cho nhu cầu chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, SKSS và KHHGĐ. Các đội lưu động còn sử dụng hiệu quả ba bộ máy siêu âm đầu dò âm đạo khi thực hiện chuyên môn kỹ thuật tại các địa phương.

Cán bộ chuyên trách xã Thừa Đức (Bình Đại) truyền thông về KHHGĐ cho người dân

Trong việc thực hiện nâng cao chất lượng dân số khi sinh, các huyện đã thực hiện 2 mô hình "Tư vấn, kiểm tra sức khỏe, kiểm tra các yếu tố nguy cơ cao ảnh hưởng trực tiếp đến mang thai, sự phát triển và chất lượng bào thai" và "Chăm sóc sức khỏe bà mẹ khi mang thai, hỗ trợ khi sinh và sau sinh đối với các bà mẹ có nguy cơ cao đến sự mang thai, sự phát triển chất lượng bào thai". Đồng thời tổ chức đào tạo, trang bị kiến thức, kỹ năng vận động truyền thông cho 556 người, nhằm thực hiện các hoạt động truyền thông tư vấn cho các bà mẹ mang thai có nguy cơ tham gia sàng lọc tầm soát bệnh và trẻ sơ sinh được sàng lọc sơ sinh để phát hiện, can thiệp và điều trị sớm các bệnh tật, các rối loạn di truyền, rối loạn chuyển hóa ngay trong giai đoạn bào thai và sơ sinh.

Đã tổ chức 358 cuộc truyền thông trực tiếp trong thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ phòng, chống bệnh lây truyền qua đường tình dục, phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn, phá thai an toàn. Xét nghiệm soi tươi cho 4.465 trường hợp, làm phiến đồ âm đạo 346 trường hợp, siêu âm 8.201 trường hợp. Phát hiện 7.254 lượt người mắc bệnh phụ khoa phải cấp thuốc điều trị.

Ngoài ra Ban Quản lý Đề án 52 còn triển khai thực hiện mô hình khám điều trị bệnh phụ khoa thông thường  thường xuyên  cho 3 xã do Trạm Y tế xã thực hiện: Thới Thuận (Bình Đại), Bảo Thuận (Ba Tri) và An Điền (Thạnh Phú), đã khám cho 957 lượt người, trong đó số người bị mắc bệnh và được cấp thuốc điều trị thường xuyên là 221 người. Đây là mô hình chọn xã điểm luân phiên, hỗ trợ các xã hiện có tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh phụ khoa còn cao, có tỷ lệ cách biệt nhiều so với các xã khác trong huyện.

Trong việc tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về DS-SKSS-KHHGĐ, ngoài việc sử dụng các công cụ truyền thông được cấp, 3 huyện đã tổ chức 358 cuộc truyền thông nhóm, trung bình mỗi nhóm có 5 – 7 người dự. Truyền thông lồng ghép tổ NDTQ và các câu lạc bộ là 1.934 cuộc, với gần 40.000 lượt người dự. Thăm hộ và tư vấn cho 6.013 người.

Qua hơn 4 năm thực hiện đề án "Kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển" đã thu hẹp khoảng cách, tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình cho cư dân các huyện biển và các nhóm đối tượng. Góp phần nâng cao năng lực tổ chức thực hiện công tác DS-KHHGĐ và chăm sóc sức khỏe sinh sản, tạo sự chuyển biến tích cực mang lại hiệu quả bền vững cho sự pháp triển kinh tế-xã hội vùng biển.

Đức Khang