Tuy phải đối diện với không ít khó khăn, nhưng trong 9 tháng đầu năm, sản xuất nông nghiệp và thủy sản duy trì phát triển cơ bản đúng hướng theo kế hoạch, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bước đầu đạt được một số kết quả quan trọng. Sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ được duy trì, góp phần tăng giá trị sản xuất của ngành so với cùng kỳ.
Qua quá trình tổ chức thực hiện, huyện quan tâm phát triển sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện, tiềm năng, lợi thế từng tiểu vùng; khuyến khích, hướng dẫn nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật; xây dựng và nhân rộng mô hình liên kết sản xuất có hiệu quả, hỗ trợ phát triển các hình thức hợp tác và liên kết sản xuất phù hợp với quy trình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn GAP để mở rộng phát triển và có thị trường tiêu thụ v.v... gắn với thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Theo đó, kết quả sản xuất nông nghiệp và thủy sản cơ bản đạt ổn định.
Vụ Mùa và Thu Đông (2015- 2016) đã cấy, sạ 2.413,24ha, đạt 127% kế họach, đã thu hoạch diện tích 2.189,24ha, năng suất thu hoạch bình quân đạt 30,58tạ/ha, sản lượng đạt 6.694,695tấn. Vụ lúa Đông Xuân 2015- 2016 diện tích cấy, sạ 480,57ha, đạt 85,8% kế hoạch. Vụ lúa Hè Thu đã xuống giống được 341,2 ha, đạt 62% kế hoạch năm.
Phát triển mô hình trồng cỏ nuôi bò, góp phần giảm nghèo bền vững
Riêng đối với cây màu, do lợi nhuận từ màu mang lại cho người nông dân, thời gian qua, diện tích trồng màu tăng. Diện tích gieo trồng ước 850ha, trong đó, cây màu trên ruộng lúa ở các xã tiểu vùng I và II được 387ha, so với cùng kỳ tăng 121,3% (tương đương tăng 212,35ha), sản lượng thu hoạch ước 19.000 tấn, tăng 17,3% so với cùng kỳ. Giá rau màu tương đối ổn định và tăng ở dịp Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016, đa số người trồng màu có lợi nhuận khá.
Trong 9 tháng đầu năm,diện tích trồng mới cây ăn trái khoảng 60ha, nâng diện tích hiện có 2.475,2 ha, sản lượng thu hoạch ước 22.000tấn. Diện tích dừa trồng mới khoảng 100ha, nâng diện tích hiện có 7000ha, cho trái hơn 6000ha; sản lượng thu hoạch ước 50 triệu trái, tăng 9,9% so với cùng kỳ. Giá dừa tương đối ổn ở mức khá. Tình hình tiêu thụ dừa khô tăng.
Đối với lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm, huyện tập trung công tác phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Đội kiểm tra liên ngành đã tổ chức kiểm tra các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc gia cầm và các quầy bán sản phẩm gia súc gia cầm trên địa bàn huyện. Qua kiểm tra, các cơ sở chấp hành đúng quy định. Tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện không xảy ra. Việc đầu tư phát triển đàn bò, đàn dê được nông dân quan tâm, số đàn bò hiện có 10.230 con, tăng 2.130 con so với đầu năm 2016, đàn dê hiện có khoảng 9.280 con, tăng 3.430 con so với cùng kỳ.
Về thủy sản, tính đến nay, toàn huyện có diện tích nuôi thủy sản 16.415 ha, so với cùng kỳ tăng 0,6%. Trong đó, nuôi nước mặn 2.570ha, nuôi nước ngọt 289ha. Hoạt động khai thác thủy sản tiếp tục phát triển, tổng đoàn tàu trực tiếp khai thác trên biển hiện có 1.089chiếc/412.285CV (đánh bắt xa bờ 516 chiếc/394.118CV). Sản lượng khai thác ước đạt 51.750 tấn, so với cùng kỳ tăng 6,5%, giá xăng dầu sụt giảm, các tàu đánh bắt xa bờ bám biển dài ngày, nhiều ngư dân có lợi nhuận nhưng không cao. Hoạt động Cảng cá Bình Đại ổn định, phục vụ tốt cho ngư dân, tạo điều kiện giải quyết việc làm cho người lao động.
Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, tình hình sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp được duy trì và phát triển khá. Các cơ sở, doanh nghiệp đã tập trung đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh ngay từ đầu năm. Trong 9 tháng đầu năm, huyện phát triển mới 20 cơ sở, so với cùng kỳ tăng 23%, vốn đầu tư 46,5 tỷ đồng. nâng tổng số toàn huyện có 294 cơ sở, vốn đầu tư 46,5 tỷ đồng với 660 lao động. Một số sản phẩm tăng khá so với cùng kỳ: Thủy sản chế biến, nước đá, cơ khí, đóng tàu… Hoạt động làng nghề chế biến cá khô xã Bình Thắng được đẩy mạnh, nhất là dịp Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016, ngư dân tăng cường sản xuất, nhiều hộ có thu nhập khá từ việc chế biến cá khô.
9 tháng đầu năm, đã phát triển mới 232 cơ sở thương mại, dịch vụ, vốn đầu tư 47,4 tỷ đồng, thu hút 444 lao động, nâng tổng số toàn huyện có 2.806 cơ sở, vốn đầu tư 511,7 tỷ đồng, với 6.166 lao động. Hoạt động thương mại ổn định, không có biến động lớn về giá, hàng hóa lưu thông dồi dào phong phú, nhất là dịp Tết Nguyên đán Bính Thân, lượng hàng hóa được đảm bảo cung ứng đầy đủ. Công tác quản lý thị trường được quan tâm phối hợp thực hiện khá chặt chẽ, góp phần bình ổn thị trường.
Nhìn chung, trong 9 tháng đầu năm 2016, huyện thường xuyên quan tâm chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp với các giải pháp về quản lý thực hiện lịch thời vụ, giống, kỹ thuật, thủy lợi, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, phòng chống hạn mặn và khôi phục sau hạn mặn, góp phần nâng cao giá trị sản xuất theo hướng an toàn, hiệu quả bền vững.