Bình Đại là một trong 3 huyện biển của tỉnh Bến Tre, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, trong đó, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản được xác định là kinh tế mũi nhọn của địa phương. Để phát huy thế mạnh đó, trong những năm qua huyện đã tập trung nhiều giải pháp cũng như tranh thủ sự hỗ trợ kinh phí của trên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế biển.
Để phát triển kinh tế thủy sản ổn định và bền vững, huyện đã phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh tiến hành quy hoạch nuôi cá da trơn, quy hoạch chi tiết nuôi thủy sản, quy hoạch thủy lợi trên địa bàn huyện hoàn chỉnh từ nay đến năm 2020, phối hợp các ngành chức năng kêu gọi đầu tư khu sản xuất giống tập trung tại xã Thới Thuận. Các lĩnh vực dịch vụ hậu cần nghề cá từng lúc đa dạng hóa các đối tượng vật nuôi phù hợp với từng vùng để phát huy lợi thế, thế mạnh của địa phương. Diện tích nuôi thủy sản được mở rộng và tăng từng năm, nếu như năm 2011, diện tích nuôi thủy sản 17.400 ha thì năm 2013 tăng lên 18.000 ha, sản lượng thu hoạch thủy sản hằng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu so với kế hoạch, từ 58.770 tấn năm 2011 lên 61.200 tấn năm 2013, trong đó phần lớn phục vụ cho xuất khẩu. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên lĩnh vực thủy sản được phát triển khá mạnh. Đến nay, toàn huyện hiện có 126 cơ sở kinh doanh thuốc, thức ăn thủy sản và 52 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản với công suất khoảng 2 tỷ con giống/năm, đáp ứng 1 phần nhu cầu về con giống cho nuôi trồng thủy sản tại địa phương và các huyện lận cận.
Quang cảnh lễ khởi công cảng cá Bình Đại giai đoạn 1.
Trên lĩnh vực khai thác, đánh bắt thủy sản, toàn huyện hiện có 1.049 tàu khai thác thủy sản với công suất 344.000 CV, trong đó khai thác đánh bắt xa bờ là 521 chiếc. Sản lượng khai thác đánh bắt hằng năm tăng đều, cụ thể năm 2011 khai thác được 55.000 tấn, đến năm 2013 là 67.000 tấn. Từ năm 2011 đến 2013, do khai thác thủy sản thuận lợi nên ngư dân đã đầu tư đóng mới, cải hoán nâng công suất 615 tàu, trong đó đóng mới là 183 tàu, trong 6 tháng đầu năm 2014, đóng mới 26 chiếc, cải hoán 59 tàu. Để khai thác thủy sản đạt hiệu quả cao, huyện đã triển khai mô hình khai thác đánh bắt theo tổ đội, đến nay đã thành lập được 28 tổ đội sản xuất trên biển có 95 chủ tàu tham gia với 288 phương tiện, giúp cho ngư dân tăng cường mối liên kết, hỗ trợ nhau trong khai thác đánh bắt, tương trợ nhau trong phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai, cũng như bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Thu hoạch tôm thẻ chân trắng tại Thạnh Phước.
Huyện cũng đã xây dựng 2 khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu cá tại sông Bình Châu và Thừa Đức với chiều dài gần 3km, sức chứa 1.000 tàu cá, kinh phí trên 35 tỷ đồng. Song song đó, để phát triển các dịch vụ hậu cần nghề cá, huyện được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ kinh phí thực hiện dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng cảng cá Bình Thắng giai đoạn 1 với kinh phí trên 113 tỷ đồng, để mở rộng cảng cá hiện nay lên thành cảng cấp vùng, có thể tiếp nhận tàu cá có công suất lớn, với chiều dài cầu cảng lên đến 100m cùng nhiều công trình phụ trợ quan trọng khác. Hiện nay, đơn vị thi công đang khẩn trương thi công các hạng mục để sớm đưa vào vận hành, nhằm giải tỏa tình trạng quá tải của cảng cá hiện hữu. Ngoài ra, huyện cũng tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương để đầu tư xây dựng 10 cầu trên đường tỉnh 883 và đã đưa vào sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi để vận chuyển các mặt hàng nông thủy sản được nhanh chóng hơn. Ngoài ra, tranh thủ sự hỗ trợ kinh phí từ trên, trong những năm qua, Bình Đại đầu tư xây dựng nhiều công trình cơ sở hạ tầng trọng điểm phục vụ cho phát triển kinh tế của huyện nhà như: Công trình đường điện 110KV Giồng Trôm-Bình Đại và trạm biến áp 110KV Bình Đại, cống Cầu Ván, cống Bình Trung, đê biển, đê sông Tiền…
Để phát huy những tiềm năng và thế mạnh kinh tế biển, trong thời gian tới, Bình Đại tập trung khai thác có hiệu quả các nguồn lực sẵn có tại địa phương, trong đó xác định mũi nhọn là kinh tế thủy sản, kết hợp với phát triển và bảo vệ rừng, nhất là rừng phòng hộ ven biển nhằm phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai. Tiếp tục đầu tư xây dựng và phát triển ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản gắn với phát triển nuôi trồng thủy sản, nâng cao hiệu quả đánh bắt xa bờ, phát triển nhanh các ngành dịch vụ liên quan đến khai thác nuôi trồng và chế biến thủy sản. Đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông, thủy lợi, hậu cần nghề cá… nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế biển theo hướng công nghiệp, thương mại dịch vụ, góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân, phấn đấu đưa huyện nhà mạnh về kinh tế biển vào năm 2020 theo tinh thần nghị quyết đã đề ra.
Bài, ảnh: Sơn Tùng